Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trẻ em trên 12 tuổi được tiêm tăng cường vaccine phòng Covid-19 từ năm 2022

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ đặt mục tiêu tiêm tăng cường vaccine phòng Covid-19 cho 100% dân số trên 12 tuổi từ năm 2022.

Đây là một trong ba mục tiêu về tiêm chủng thuộc dự thảo chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023 vừa được Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Theo đó, dự thảo đề ra 6 mục tiêu cụ thể trong chiến lược chống dịch từ nay đến hết năm 2023 nhằn bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19, kiểm soát dịch sớm nhất để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh lớp 12 tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN.

Mục tiêu đầu tiên là giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng, tỉ lệ tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác qua việc yêu cầu tất cả các cá nhân tuân thủ 5K ngay cả khi đã đạt độ bao phủ vaccine.

Công tác chống dịch bảo đảm trên 90% trường hợp mắc mới được điều tra, truy vết, khoanh vùng và điều trị kịp thời. Còn các trường hợp nghi ngờ hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 được phát hiện sớm.

Với các địa phương, Chính phủ đặt mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố đủ năng lực tự thực hiện xét nghiệm và làm chủ công nghệ xét nghiệm mới.

Mục tiêu thứ hai là có trên 80% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine và 100% dân số 12-18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine trước ngày 31-12-2021.

Từ đầu năm 2022, 100% dân số trên 18 tuổi sẽ được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trừ những người có chống chỉ định tiêm. Có 100% dân số trên 12 tuổi được tiêm tăng cường vaccine.

Ngoài ra, 100% trẻ em 3-12 tuổi được tiêm đủ liều vaccine theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Mục tiêu thứ ba là nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Chính phủ yêu cầu tất cả chính quyền cấp tỉnh phải phê duyệt kịch bản, phương án bảo đảm công tác y tế dự phòng, chống dịch theo từng cấp độ. Còn chính quyền cấp huyện thiết lập và vận hành trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, cung cấp oxy y tế cho trạm y tế cấp xã để phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, tất cả các tỉnh, thành phố phải bảo đảm thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch theo kịch bản địa phương đã duyệt của địa phương.

Các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tỉnh, thành phố - gồm cơ sở y tế tư nhân – phải đáp ứng tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca mắc mới khi địa phương chưa đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19. Sau khi địa phương đạt tỷ lệ này, các cơ sở khám chữa bệnh có thể linh hoạt giảm tỷ lệ số giường ICU.

Mục tiêu thứ tư là bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19. Cụ thể, tất cả phụ nữ mang thai, trẻ mồ côi, người già cô đơn, người có bệnh nền tại các cơ sở cách ly tập trung, địa bàn cách ly y tế cần được bảo đảm an toàn và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, an sinh xã hội.

Với trẻ em di cư, trẻ em mồ côi, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19, Chính phủ đặt mục tiêu bảo đảm những đối tượng này được nhận hỗ trợ và tiếp cận các chính sách xã hội.

Với trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ do Covid-19, trẻ em bị bỏ rơi, Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý sắp xếp, bố trí để các em được chăm sóc thay thế trong môi trường gia đình và cộng đồng.

Với lực lượng tuyến đầu chống dịch, Chính phủ đặt yêu cầu tất cả được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân khi tham gia phòng, chống dịch.

Mục tiêu thứ năm là chủ động thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội để vượt qua dịch bệnh.

Mục tiêu thứ sáu là duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân trong thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược chống dịch, Chính phủ dự kiến đưa ra 12 giải pháp trong chiến lược phòng chống dịch bệnh từ nay tới năm 2023, trong đó có bảo đảm độ bao phủ vaccine, đưa vaccine phòng Covid-19 trở thành một phần của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Điểm đáng lưu ý là Chính phủ sẽ quyết định chọn một trong hai phương án tiêm chủng: tiêm miễn phí cho toàn dân; kết hợp giữa tiêm chủng miễn phí toàn dân và xã hội hóa, thu phí tiêm chủng vào thời điểm thích hợp.

Ngoài ra, cần giám sát phát hiện sớm các ca nhiễm, ổ dịch. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động, tự xét nghiệm để sớm phát hiện lây nhiễm.

Với hoạt động điều trị F0, Chính phủ dự kiến triển khai theo hướng điều trị liên thông tại nhà, khu cách ly tập trung, bệnh viện.

Chính phủ và các địa phương sẽ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu theo tinh thần miễn phí hoặc xã hội hóa tại các khu cách ly y tế, vùng thực hiện giãn cách xã hội. Cung cấp gói cứu trợ khẩn cấp, túi an sinh xã hội cho trẻ em, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, không nơi lương tựa.

Tiếp tục duy trì Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, thí điểm và triển khai các mô hình, tổ chức, tổ nhóm thiện nguyện, cá nhân tham gia hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn để sáng chế ra vaccine, thuốc điều trị Covid-19.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới