Thứ hai, 16/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) đã trình Chính phủ, đề nghị gửi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập để gỡ khó cho các dự án đầu tư công và các dự án PPP. Bởi vướng mắc trong công tác GPMB từ hàng chục năm nay đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn và thu hút nguồn vốn.

Tại cuộc họp báo trước lễ bàn giao dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông cách đây hơn 1 tuần, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông đã cho biết đối với các dự án đầu tư hạ tầng, trong đó có đường sắt trên cao, Chính phủ đã nhận ra những khó khăn quá lớn do việc GPMB nằm chung với phần chính của dự án.

Do GPMB chậm trễ, nhiều dự án đã bị chậm tiến độ, gây khó khăn cho các phần còn lại của dự án, làm đội vốn và gây ra nhiều hệ lụy xã hội khác. Do đó, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành (giai đoạn 1), Quốc hội và Chính phủ đã đồng ý giao phần GPMB thành dự án riêng, giao cho UBND tỉnh Đồng Nai để dự án nhanh chóng được bàn giao, thực hiện và đẩy tiến độ nhanh nhất.

Công tác GPMB luôn làm đau đầu các chủ đầu tư dự án. Trong hình là GPMB hoàn tất để xây dựng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông (Cam Lộ- La Sơn). Ảnh: TTXVN

Còn tại nhiều dự án hạ tầng khác, như dự án đường sắt trên cao Nhổn - ga Hà Nội, các nhà thầu đang khởi kiện Ban quản lý các dự án đầu tư trọng điểm Hà Nội, yêu cầu bồi thường 114 triệu đô la Mỹ vì chậm bàn giao mặt bằng thi công.

Hôm 10-11, Bộ KH-ĐT đã có tờ trình số 7739 gửi Chính phủ, nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng một nghị quyết (thí điểm) để tách GPMB ra khỏi dự án đầu tư chính, gỡ vướng cho các dự án. Theo đó, bộ nhận định: “Công tác GPMB từ lâu được xem là một trong số những điểm nghẽn trong việc thực hiện các dự án đầu tư, bất kể nguồn vốn được sử dụng”. Hậu quả của nó làm ảnh hưởng nặng nề đến tính khả thi của các dự án và hàng loạt các tranh chấp pháp lý, rủi ro khác.

Do vậy, cần tách GPMB khỏi dự án để tạo ra một giải pháp tiền đề giảm bớt các hệ lụy tiêu cực xảy ra. Pháp luật hiện hành đã cho phép tách thành dự án độc lập, dự án thành phần hoặc tiểu dự án để thực hiện.

Đối tượng áp dụng của nghị quyết này là tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công- tư (PPP).

Dự án GPMB là dự án độc lập, tách khỏi dự án tổng thể và là dự án đầu tư công và dự án PPP. Tùy theo quy mô dự án mà Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành hay địa phương ra quyết định về các dự án này. Vốn cho dự án lấy từ ngân sách trung ương hoặc địa phương thực hiện dự án. Chủ đầu tư dự án GPMB được áp dụng hình thức chỉ định thầu thực hiện các nhiệm vụ nhằm di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.

Riêng đối với dự án PPP, trong trường hợp cần thiết, nếu tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án GPMB tách riêng từ dự án tổng thể và hỗ trợ xây dựng công trình, cơ sở hạ tầng thuộc dự án tổng thể được phép vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án tổng thể theo quy định tại điều 69 Luật PPP nhưng không quá 60% tổng mức đầu tư dự án tổng thể.

Dự kiến, nếu nghị quyết thí điểm được thông qua sẽ được áp dụng ngay cho các dự án đầu tư trung hạn 2021-2025.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới