Thứ hai, 16/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khó huy động vốn, đề nghị chuyển hầu hết dự án cao tốc Bắc-Nam về cho Nhà nước đầu tư

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ và Quốc hội đề nghị chuyển 9 dự án PPP thành phần trong tổng dự án lớn về lại hình thức đầu tư công.

Điểm đầu La Sơn, dự án Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: TTXVN

Bộ GTVT vừa có tờ trình Chính phủ đề xuất triển khai 12 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2021-2025, trong số đó có 8/12 dự án theo hình thức đầu tư công từ vốn ngân sách và 4 dự án thành phần triển khai theo phương thức PPP (hình thức đầu tư theo đối tác công - tư).

Các dự án PPP gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong -  Nha Trang. 8 dự án còn lại sẽ được đầu tư công, gồm các đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Trong văn bản trình Quốc hội tháng 9-2021, cách đây vài tháng có 9 dự án được đề nghị thực hiện theo hình thức PPP. Với đề xuất mới, 5 dự án đã ra khỏi danh sách thực hiện PPP, làm tăng vốn nhà nước tại các dự án này lên mức cao.

Theo đó, nếu đầu tư 9-12 dự án là PPP thì tổng mức đầu tư toàn bộ dự án lớn là 124.619 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 chiếm 49,45%, còn lại 50,55% là vốn ngoài ngân sách.

Nay, do thay đổi hình thức đầu tư, tăng thêm 5 dự án đầu tư công thì tổng mức đầu tư toàn bộ dự án lớn sẽ là 148.492 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước 88%, vốn ngoài ngân sách chỉ là 12%. Và ngoài vốn đầu tư công trung hạn, sẽ phải lấy thêm nguồn vốn ngân sách khác.

Lý do của đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư là các nhà đầu tư hạ tầng có khả năng và quan tâm đến các dự án PPP đường bộ hầu hết đã huy động vốn để thực hiện các dư án BOT trước đấy (giai đoạn 2017-2020) nên khả năng tiếp tục huy động tín dụng để đầu tư các dự án mới khó khăn. Vốn ngân hàng cho các dự án PPP cũng siết chặt vì “room” tín dụng cho BOT có quy định riêng, nhất là trong điều kiện vay ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn cũng đang trong “tầm ngắm”.

Vì vậy, nếu để các dự án PPP như kế hoạch trước đây sẽ khó khả thi, làm chậm tiến độ hoặc không tìm kiếm được nhà đầu tư. Việc đề xuất thay đổi hình thức đầu tư sớm sẽ kéo theo tiến độ và phương thức đầu tư được chuyển đổi sớm, có thêm thời gian chuẩn bị dự án.

Kể cả trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thành công, nhưng không huy động được vốn vay, tiến độ sẽ kéo dài thêm khoảng 13 tháng so với phương án đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Đây là các bài học mà Bộ GTVT đã rút ra trong quá trình thực hiện các dự án PPP cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 gồm quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn- Diễn Châu (cũng chuyển đổi sang đầu tư công, bị chậm tiến độ 2 năm).

Chính sách đặc thù để triển khai 4 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, đó là tại Tờ trình số 11792, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia 4 dự án thành phần PPP từ 54 - 65% tổng mức đầu tư của dự án; đồng thời giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp triển khai các dự án thành phần theo phương thức PPP không thành công.

Với 4 dự án PPP trong giai đoạn sắp tới này, Bộ GTVT cũng đề xuất luôn cơ chế đặc thù, theo đó đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia 4 dự án PPP thành phần là từ 54% đến 65% tổng mức đầu tư dự án và có thể xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp triển khai các dự án thành phần theo PPP không thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới