(KTSG Online) - Đại dịch Covid-19 cùng với các biện pháp hạn chế nhập cảnh khiến lực lượng lao động nhập cư ở nhiều nước giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, Malaysia đang thử nghiệm liệu nền kinh tế của họ có thể vận hành tốt với số lượng lao động nước ngoài ít hơn hay không.
Tăng lương cho lao động trong nước
Malaysia, một đất nước 33 triệu dân, từ lâu dựa vào vài triệu nhân công nước ngoài giá rẻ để duy trì hoạt động sản xuất trong các nhà máy, xây dựng các khu mua sắm và thu hoạch mủ cao su, trái cọ dầu. Các doanh nghiệp Malaysia trông cậy vào lực lượng lao động này để duy trì tính cạnh tranh của các sản phẩm do họ sản xuất khi Malaysia ngày càng giàu hơn và thu nhập của người dân trong nước tăng lên.
Malaysia đã đóng cửa biên giới đối với lao động nhập cư ngay từ sau khi đại dịch Covid-19 ập đến, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành như sản xuất hàng may mặc và dầu cọ, đồng thời khiến ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng của nước này không bắt kịp nhu cầu. Phòng Thương mại quốc gia Malaysia cho biết Malaysia hiện thiếu khoảng 500.000 lao động, sau khi hàng trăm ngàn lao động nhập cư về nước trong thời kỳ đại dịch mà không có lực lượng thay thế.
Ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 đang giảm xuống và nền kinh tế tái mở cửa, nhiều hiệp hội doanh nghiệp ở Malaysia cho biết vẫn chưa rõ khi nào giới chức trách sẽ cho phép lao động nước ngoài trở lại nước này. Thay vào đó, chính phủ Malaysia công bố kế hoạch giảm nhu cầu lao động nước ngoài và thúc đẩy một chương trình có tên gọi Malaysianization, để tăng lương cho người lao động trong nước nếu họ làm những công việc do người lao động nước ngoài đảm nhận trước đây. Theo đó, người lao động trong nước sẽ được trợ cấp thêm 500 ringgit (120 đô la Mỹ) trên mức lương tối 1.500 ringgit/tháng.
“Tôi không thể để cho tình hình trở nên rối rắm khi cố gắng tạo việc làm cho người dân trong nước nhưng đồng thời lại cho phép thu hút lao động nước ngoài”, Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia, Seri Saravanan, phát biểu với báo chí hồi tháng 5.
Các nhà lãnh đạo Malaysia nói rằng thay vì tạo ra sự năng động cho nền kinh tế, khoảng ba triệu lao động nhập cư sống ở Malaysia trước đại dịch đã kìm hãm đất nước vì chi phí trả lương thấp cho họ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tự động hóa và nâng cao chuỗi giá trị. Một bài viết do Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) đăng hồi năm 2018, đã từng nhận định:“Tính sẵn có dễ dàng của những công nhân nước ngoài có kỹ năng thấp với mức lương thấp đã tạo ra những méo mó sâu sắc trong nền kinh tế, khiến các doanh nghiệp Malaysia không muốn chuyển đổi”.
Những ý tưởng giảm phụ thuộc vào lao động nước tương tự cũng được thúc đẩy ở những nơi khác trên thế giới. Trong những năm gần đây, Saudi Arabia đã thúc ép các doanh nghiệp trong nước tuyển dụng người dân địa phương và đánh thuế đối với doanh nghiệp tuyển dụng người nước ngoài. Tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh đang hạn chế lao động nhập cư để nâng cao mức lương và năng suất lao động trong nước, ngay cả khi đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Cũng giống như Anh, nơi đang gặp phải hàng loạt vấn đề do khan hiếm lao động, buộc chính phủ phải huy động quân đội hỗ trợ vận chuyển nhiên liệu đến các trạm xăng và khiến nhiều nông dân phải bỏ gieo trồng mùa vụ mới, Malaysia cũng đối mặt nhiều thách thức do lệnh cấm nhập cảnh đối với lao động nước ngoài trong thời kỳ dịch bệnh.
Khuyến khích doanh nghiệp tự động hóa
Yeah Kim Leng, Giáo sư kinh tế ở Đại học Sunway ở Malaysia, nói rằng khi hạn chế lao động nhập cư, giới chức trách đang đánh đổi các tính toán ngắn hạn nhằm duy trì đà phục hồi của nền kinh tế với mục tiêu dài hạn hơn là nâng cao chuỗi giá trị và tăng lương và thu nhập cho người dân Malaysia.
Các nhà hoạch định chính sách ở Malaysia dường như quyết tâm tạo ra một cơn chấn động mạnh buộc các doanh nghiệp thay đổi. Malaysia, một quốc gia có có tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người khoảng 10.000 đô la Mỹ, đang chật vật cải thiện tốc độ tăng trưởng thấp ngay từ trước đại dịch. Chính phủ Malaysia đã đưa ra một kế hoạch trợ cấp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tự động hóa, với mục tiêu rõ ràng là giảm sự phụ thuộc vào lao động nhập cư, chủ yếu đến từ Indonesia và Bangladesh. Tuy nhiên, việc cắt giảm lao động nước ngoài đang gây ra nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các lĩnh vực thâm dụng lao động như sản xuất hàng hóa tiêu dùng và dầu cọ.
Nageeb Wahab, Giám đốc điều hành Hiệp hội Dầu cọ Malaysia, cho biết các đồn điền có dầu ở Malaysia đang thiếu 75.000 nhân công hoạch, làm suy giảm sản lượng và khiến các doanh nghiệp trong ngành khó tận dụng được lợi thế khi giá dầu cọ đang tăng lên các mức cao nhất trong lịch sử.
Hồi đầu tháng 11, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết tình trạng thiếu lao động nhập cư tại các đồn điền cọ dầu ở Malaysia, nhà sản xuất dầu cọ số lớn thứ hai thế giới, là một trong những lý do khiến chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của FAO tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011.
Vào cuối tháng 10, Thủ tướng Malaysia, Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ sẽ cho 32.000 lao động nước ngoài nhập cảnh để làm việc ở các đồn điền cọ dầu nhưng vẫn chưa bật đèn xanh cho hạn ngạch lao động nhập cư đối với các ngành công nghiệp khác. Ông Nageeb Wahab cho biết con số 32.000 công nhân nước ngoài này sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia. Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia đã giảm 12% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hội đồng Dầu cọ Malaysia.
Các chủ doanh nghiệp cho biết giới trẻ Malaysia thường không quan tâm đến công việc tay chân và lấm lem. Với số lượng lao động nhập cư ít hơn nhiều, các nhà tuyển dụng Malaysia không có lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng thu hút người dân địa phương đến làm việc. Lim Kuang Sia, Giám đốc điều hành Công ty Kossan Rubber Industries, một trong những nhà sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới, đã tuyển khoảng 500 công nhân địa phương trong thời kỳ đại dịch, để thay thế khoảng 400 công nhân nhập cư đã rời bỏ công việc. Để tuyển dụng người dân địa phương, ông Lim phải đưa ra các gói trả lương cao hơn khoảng 50% so với mức lương tối thiểu.
Mặc dù hiện tại, công ty ông không phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động lớn nhưng ông lo ngại rằng một số trong đội ngũ 4.000 công nhân nước ngoài mà ông hiện đang thuê sẽ trở về nước trong những tháng tới. Ông sẽ khó có thể tuyển dụng đủ lao động địa phương để thay thế họ. Điều đó đã khuyến khích Lim Kuang Sia mở rộng đầu tư vào trang thiết bị, bao gồm cả máy móc hỗ trợ đóng gói găng tay vào hộp. Ông nói rằng mục tiêu của ông là tự động hóa đủ càng nhiều công việc càng tốt để ông có thể bước vào nhà máy của mình “và hầu như không nhìn thấy công nhân”.
Malaysia là một trong những trung tâm lắp ráp chip bán dẫn lớn ở châu Á nhưng các biện pháp phong tỏa để phòng chống Covid-19 vào đầu năm nay khiến sản lượng chip của nước này suy giảm, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm chip toàn cầu. Ông Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Malaysia, cho biết hiện hoạt động sản xuất chip đã bình thường đã trở lại sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu công nhân đang gây khó khăn cho nỗ lực tăng sản lượng chip trong nước. Ông ước tính rằng ngành bán dẫn và điện tử hiện của Malaysia đang thiếu 30.000 lao động. Theo ông, các hạn chế đối với lao động nhập cư có thể cản trở năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Malaysia, thay vì nâng cao.
Theo Wall Street Journal