Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhóm giải pháp cấp thiết ổn định thị trường lao động để phục hồi kinh tế

Y.Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(TBKTSG Online) - Bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, thị trường lao động lại đối mặt với những tác động tiêu cực của đợt bùng phát đại dịch Covid-19. Điều này thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm trong khi nhiều doanh nghiệp không thể khôi phục dây chuyền sản xuất bởi thiếu hụt lượng lớn nhân công lao động. Nhu cầu về giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động đang trở nên cấp thiết.

Việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, ổn định thị trường lao động trong đại dịch Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là những nội dung được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân dân và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 17-11.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết quý 3, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Quy định giãn cách xã hội kéo dài trong ba tháng đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý 3 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, cho biết đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Thị trường lao động đã bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh. Mỗi nơi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên việc đi lại giao lưu giữa các vùng cũng khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân nhận định đại dịch Covid-19 đã và đang khiến thị trường lao động nước ta phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức rất cao, cung-cầu lao động mất cân bằng ở hầu hết các địa bàn, ngành nghề đồng thời thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm mạnh so với trước đại dịch.

Tại địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 là TPHCM, từ ngày 1-10 khi bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng rất thận trọng khi tăng quy mô lao động để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết đến thời điểm hiện nay, quy mô lao động để hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp từ 80-90% tổng số lao động.

“Từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nâng công suất hoạt động bình thường trở lại dự kiến sẽ thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng bổ sung cho số lao động ở các tỉnh xa chưa quay lại thành phố”, ông Lê Minh Tấn chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ. Hiện nay, nhiều địa phương thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh nhưng một số nơi khác lại đang gia tăng áp lực về giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động trở về địa phương tránh dịch bệnh.

Theo ông Lê Minh Tấn, cần có những chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn đầu quay lại làm việc như hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí vận chuyển, xét nghiệm tầm soát Covid-19…, song song với đó là đẩy mạnh liên kết vùng trong điều tiết cung cầu lao động phục vụ hồi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội trong một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, Bộ đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn với những cơ chế chính sách tập trung vào những vấn đề lớn:

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp người lao động: giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm… Hiện nay các doanh nghiệp đi vào sản xuất phải xét nghiệm rất nhiều. Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Thứ ba, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Một số nơi thiếu lao động, biện pháp này hỗ trợ bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp.

Kế tiếp, hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, hai bên có cung hoặc có cầu nhưng đôi khi không gặp nhau, các đơn vị quản lý giúp cho việc kết nối này nhanh hơn. Thứ năm, hoàn thiện bền vững thị trường lao động thông qua hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an. Thứ sáu, bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động. Và cuối cùng, xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ, như vậy Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu để bố trí kinh phí làm sao cho đủ để thực hiện 7 giải pháp nếu trên.

Ngoài ngân sách Trung ương, cần huy động ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa. Bên cạnh đó, hiện nay nền kinh tế đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, do đó cần tận dụng cơ hội này.

Các chuyên gia nhận định việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, ổn định thị trường lao động trong đại dịch Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tinh thần nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống ổn định cho người dân.

Sáng 17-11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; chuyển đổi số ngành giáo dục...Với tham luận "Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu chuyển đổi thị trường lao động," bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, tiến bộ công nghệ và chuyển đổi theo hướng xanh sạch hơn sẽ mở ra những cơ hội, thay đổi tích cực nhưng đồng thời khiến thị trường lao động bị xáo trộn.Việc đánh giá về nhu cầu kỹ năng cho tương lai cần dựa vào phân tích thấu đáo hơn về những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới từng ngành kinh tế.

Tổng hợp từ TTXVN, Nhandan.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới