(KTSG Online) - Giá dầu thô trên thị trường giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trở lại ở châu Âu, đe dọa kềm hãm tiến trình phục hồi kinh tế của lục địa này, trong lúc, giới đầu tư cũng lo ngại các nền kinh tế lớn bán dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia để hạ nhiệt giá nhiên liệu.

Covid-19 lại đe dọa đà phục hồi kinh tế châu Âu
Kết thúc phiên giao dịch hôm 19-11, giá dầu Brent tương lai ở thị trường London giảm 2,9%, xuống mức 78,89 đô la/thùng. Giá dầu Tây Texas tương lai ở thị trường New York giảm 3,6%, về mức 76,1 đô la/thùng, thấp nhất trong 7 tuần qua. Cả hai chỉ số giá dầu quan trọng này đã giảm trong 4 tuần liên tiếp, mạch giảm giá dài nhất kể từ tháng 3-2020.
Làn sóng lây lan mới của Covid-19 đang xuất hiện khắp châu Âu với tổng ca nhiễm hơn 2 triệu trong tuần vừa qua. Áo đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu tái áp đặt quy trình phong tỏa toàn diện trong mùa thu này để kiểm soát dịch bệnh. Bắt đầu từ ngày 22-11, tất cả quán bar, nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu và tụ điểm giải trí ở Áo sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 13-12.
Sau ngày này, những người dân chưa tiêm vaccine Covid-19 sẽ tiếp tục được yêu cầu ở nhà. Hôm 18-11, Áo, với dân số gần 9 triệu dân, ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục, 15.145. Số ca nhiễm trung bình hàng ngày trong 7 ngày gần nhất ở Áo đạt 12.616, tương đương 141 ca/100.000 dân, cao hơn gấp 3 lần so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU).
Áo là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp nhất châu Âu. Bắt đầu từ ngày 1-2-2022, Áo sẽ bắt buộc tất cả người dân tiêm vaccine.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giới chức trách cũng cảnh báo nước này có thể chuyển sang phong tỏa hoàn toàn. Đức chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong tuần qua và lực lượng không quân của nước này được đặt trong tình trạng sẵn sàng triển khai máy bay chở bệnh nhân Covid-19 đi cấp cứu.
Trước tình hình số ca nhiễm hàng ngày lên mức cao kỷ lục 65.371 vào hôm 18-11, lãnh đạo của 16 bang của Đức đã tiến hành họp với Thủ tướng Angela Merkel để thảo luận biện pháp ứng phó. Sau cuộc họp, họ nhất trí yêu cầu những người chưa tiêm chủng phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đến văn phòng làm việc. Họ cũng nhất trí đặt ra quy định bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 đối với nhân viên y tế và nhân viên làm việc ở các viện dưỡng lão.
Số ca nhiễm cũng đang tăng vọt trở lại ở Na Uy và Đan Mạch trong những tuần gần đây. Chính phủ Đan Mạch cho biết sẽ yêu cầu mọi người dân cung cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 mới có thể vào các công sở. Trong khi đó, giới chức trách Na Uy siết chặt các điều kiện được phép nhập cảnh. Slovakia cũng đã thông báo các hạn chế đi lại mới đối với những người dân chưa tiêm vaccine.
Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói rằng WHO rất lo ngại về đà lây lan dịch Covid-19 hiện nay tại châu Âu. Ông cảnh báo nếu không hành động khẩn cấp, châu Âu có thể chứng kiến thêm 500.000 ca tử vong vì Covid-19 trong 4 tháng tới
Giá dầu Brent đã tăng gần 60% trong năm nay khi các nền kinh tế trên thế giới phục hồi và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, chỉ tăng dần sản lượng dầu.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường tại Công ty môi giới OANDA, cho biết: “Thị trường dầu vẫn tích cực nếu xét về các yếu tố cơ bản nhưng việc phong tỏa kiểm soát Covid-19 hiện nay là một rủi ro rõ ràng, nếu các nước khác cũng phong tỏa nghiêm ngặt như Áo”.
Louise Dickson, nhà phân tích ở hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhận định có những tín hiệu cho thấy nhu cầu dầu đang suy yếu. Ông nói: “Rủi ro nhu cầu dầu suy giảm ở châu Âu là rất thực tế, đặc biệt nếu động thái phong tỏa của Áo gây ra hiệu ứng domino khắp lục địa này. Nếu Đức cũng phong tỏa nghiêm ngặt, mức giá dầu dưới 80 đô la/thùng sẽ còn duy trì lâu”.
Lo ngại các cường quốc bán dầu dự trữ
Bên cạnh đó, chính phủ của một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xem xét việc bán dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia theo lời kêu gọi phối hợp hành động của Mỹ.
Trong cuộc họp trực tuyến vào đầu tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về tầm quan trọng của việc triển khai các biên pháp giải quyết nguồn cung năng lượng toàn cầu. Một hành động phối hợp bán dầu dự trữ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể được xem là biện pháp gây sức ép buộc OPEC+ phải nhanh chóng tăng sản lượng dầu.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Công ty Price Futures, nhận định: “Nỗi sợ hãi về điều chưa biết đang đè nặng lên tâm lý thị trường. Điều đáng lo ngại là chúng ta sẽ đón nhận một hành động phối hợp của các cường quốc nhằm bán một lượng dầu dự trữ trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vào tuần tới, thời điểm mà khối lượng dầu giao dịch thường thấp và các biến động giá mạnh mẽ thường xảy ra”.
Các nhà phân tích dầu mỏ ở Ngân hàng Goldman Sachs cho biết những đồn đoán về việc Mỹ bán dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia đã khiến giá dầu giảm khoảng 4 đô la/thùng trong những tuần gần đây. Họ cho biết thị trường dầu đang được định giá lại trước khả năng các nền kinh tế lớn có thể phối hợp bán tổng cộng đến 100 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược.
Tuy nhiên, họ cho rằng nguồn cung bổ sung này chỉ là giải pháp ngắn hạn cho mức thiếu hụt dầu mang tính cấu trúc hiện nay.
Hôm 19-11, Nhà Trắng một lần nữa thúc giục nhóm OPEC+ duy trì nguồn cung toàn cầu đầy đủ cho thị trường dầu. Nhóm OPEC+ vẫn duy trì chính sách tăng sản lượng dầu dần dần ngay cả khi giá tăng và dự báo nguồn cung sẽ vượt cầu trên thị trường dầu trong những tháng đầu năm 2022.
Cục Thông tin năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể tăng thêm 85.000 thùng lên mức 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng 12, mức tăng theo tháng lớn nhất trong năm nay. Tom Kloza, Chủ tịch Công ty Oil Price Information Service, nhận định giá dầu có thể đã chạm mức đỉnh của năm 2021.
Theo Reuters, CNN