Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngắm 3 công trình trọng điểm tại TPHCM từ trên cao

Lê Vũ - Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cầu Thủ Thiêm 2, tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là những công trình trọng điểm của TPHCM. Các công trình này đang dần một thay đổi diện mới, sau khi hoàn thiện và đưa vào hoạt động sẽ giúp nâng cao hạ tầng cơ sở, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội.

Cầu Thủ Thiêm 2

Khởi công từ đầu năm 2015, cầu Thủ Thiêm 2 nối khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức với trung tâm TPHCM qua sông Sài Gòn dài gần 1,5 km, quy mô 6 làn xe được thiết kế kiểu dây văng; với phần cầu dài gần 890m, trụ tháp chính cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Công trình khởi công đầu năm 2015. Dự án có tổng vốn đầu tư là 3.082 tỉ đồng, được xây dựng theo hình thức BT.

Cầu Thủ Thiêm 2 dần hoàn thiện. Ảnh: Lê Vũ

Tháng 9 vừa qua, dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành lắp đặt 17/17 đốt dầm thép băng ngang sông Sài Gòn, giúp kết nối với cầu dẫn tuyến chính phía quận 1.

Hiện nay, nhà thầu thi đang tập trung thi công các nhánh N1, N2 của dự án cầu Thủ Thiêm 2. Đồng thời tiếp tục thi công hạng mục trụ chính dây văng và công tác hoàn thiện lan can, mặt cầu. Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thiện vào dịp 30-4 năm sau.

Cầu Thủ Thiêm 2 được kỳ vọng rút ngắn khoảng cách lưu thông cho người dân khi di chuyển từ TP Thủ Đức qua quận 1. Ảnh: Lê Vũ

Sau khi hoàn thành, đây sẽ là cây cầu thứ hai bắc qua sông Sài Gòn trong quy hoạch xây 5 cây cầu cùng một hầm chui nối trung tâm và các quận khác với khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần giải tỏa áp lực giao thông xung quanh khu vực, kết nối khu đông với trung tâm thành phố.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2007 và khởi công tháng 8-2012, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, đi qua địa bàn quận 1, quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức và một phần tỉnh Bình Dương.

Đến hiện tại, hình hài tuyến metro cơ bản hoàn thiện, gồm tuyến đường trên cao chạy song song xa lộ Hà Nội, đi qua đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh và kết nối vào các nhà ga ngầm ở Ba Son, Nhà hát thành phố và Bến Thành.

Đoạn trên cao của metro số 1 gần nút giao thông ngã ba Cát Lái (quận 2). Nút giao này nằm ở điểm cuối của đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ kết nối với Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Lê Vũ

Vừa qua, hai đoạn ray ngầm cuối cùng của metro số 1 chiều dài hơn 1,3km từ ga Nhà hát thành phố qua chợ Bến Thành bắt đầu được lắp đặt. Tính đến nay, tuyến metro số 1 đã có 7 đoàn tàu về đến Depot Long Bình.

Hiện khối lượng của toàn dự án tuyến metro số 1 đạt hơn 87%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt khoảng 91%, dự kiến sẽ khai thác vào đầu năm 2024.

Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được khởi công tháng 4-2020 với tổng vốn 830 tỉ đồng (giai đoạn một). Công trình làm hai hầm chui mỗi chiều dài 480m trên đường Nguyễn Văn Linh, cùng các nhánh rẽ, đảo tròn trung tâm phía trên.

Toàn cảnh hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Lê Vũ

Trong đó, hầm kín chui dưới giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ dài 80m; hầm hở phía khu chế xuất Tân Thuận và phía quốc lộ 1 dài 200m. Hầm chui được thiết kế 3 làn xe chạy với tốc độ 60km/h và chịu được động đất cấp 7. Ngoài ra, dự án bổ sung hệ thống thoát nước, cây xanh...

Giai đoạn hai của dự án, thành phố đầu tư hoàn chỉnh nút giao với hai cầu vượt, hai hầm chui với kinh phí khoảng 1.780 tỉ đồng (780 tỉ đồng cho xây dựng, còn lại là tiền giải phóng mặt bằng).

Dự án khi hoàn thành giúp giảm giao cắt giữa các hướng đi qua nút giao, giảm áp lực giao thông cửa ngõ phía nam và tạo thuận lợi cho xe từ đường Nguyễn Hữu Thọ ra tới cầu Kênh Tẻ vào trung tâm thành phố thông thoáng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới