(KTSG Online) – Sự trỗi dậy của đại dịch Covid-19, với số ca nhiễm tăng lên mức kỷ lục mới ở nhiều nước châu Âu, đang làm dấy lên lo ngại đà phục hồi kinh tế của khu vực này khi một mùa đông khắc nghiệt sắp đến, thời điểm thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 lây lan.
Quay cuồng ứng phó làn sóng lây nhiễm mới
Cho đến nay, làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới chỉ tác động hạn chế đến hoạt động kinh doanh ở 19 nước sử dụng đồng euro (eurozone). Trong tháng 11, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở khu vực eurozone, do hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit công bố, tăng trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng vào tháng 10.
Nhưng triển vọng tăng trưởng của châu Âu đang trở nên u ám. Tuần trước, Áo thông báo tái áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn trên toàn quốc để kiểm soát số ca nhiễm Covid-đang 19 tăng vọt. Bắt đầu từ ngày 22-11, tất cả quán bar, nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu và tụ điểm giải trí ở Áo sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 13-12.
Hôm 25-11, Thủ tướng Cộng hòa Czech, Andrej Babiš ban bố tình trạng khẩn cấp trong 30 ngày, yêu cầu các nhà hàng, quán bar, hộp đêm phải đóng cửa lúc 10 giờ tối, giới hạn số người tham dự các sự kiện thể thao, văn hóa ở mức tối đa 1.000 người, cấm các khu chợ phục vụ mua sắm Giáng sinh hoạt động. Các biện pháp trên được đưa ra sau khi đất nước 10,7 triệu dân này ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục gần 26.000 vào hôm 24-11.
Bắt đầu từ ngày 25-11, Slovakia, một quốc gia Trung Âu, thực thi lệnh phong tỏa trong 2 tuần và áp dụng tình trạng khẩn cấp trong 90 ngày sau khi số ca nhiễm trung bình hàng ngày trong tuần qua tăng lên mức hơn 10.000. Theo đó, các cửa hàng không thiết yếu cũng như quán bar, nhà hàng phải dừng hoạt động. Người dân không được rời khỏi nhà nếu như không có lý do thiết yếu, chẳng hạn đi mua thực phẩm, đi làm việc hoặc đi tiêm vaccine. Những người chưa tiêm vaccine phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được phép đi làm.
Tổng thống Slovakia, Zuzana Čaputová thừa nhận nước ông đang thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19 và giải thích rằng lệnh phong tỏa là cần thiết để giúp hệ thống y tế tránh được tình trạng quá tải. Slovakia là nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp thứ 3 ở Liên minh châu Âu (EU), với khoảng hơn 45% dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi.
Bồ Đào Nha, một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới, tuyên bố tái áp đặt các hạn chế để kiểm soát dịch bệnh khi số ca nhiễm hàng ngày ở nước tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng. Theo đó, những người dân, dù đã tiêm 2 mũi vaccine, cũng phải trình giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, mới được vào hộp đêm, quán bar, viện dưỡng lão và tham gia các sự kiện đông người.
Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, cũng đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5, với số ca nhiễm hàng ngày lần đầu tiên vượt mốc 30.000 kể từ tháng 4. Giới chức trách đã tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà ở những không gian công cộng. Bộ trưởng Y tế Pháp, Olivier Veran cho biết sẽ tiêm mũi tăng cường cho tất cả những người trưởng thành đã tiêm 2 mũi vaccine cách đây 5 tháng.
Số ca nhiễm ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang tăng vọt và số ca tử vong kể từ đầu đại dịch đã vượt con số 100.000. Bắt đầu từ ngày 24-11, người dân ở Đức phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, giấy xác nhận tiêm chủng đầy đủ, hoặc giấy tờ khác chứng minh đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19, mới được phép đi làm. Và kể từ ngày 27-11, chính quyền thủ đô Berlin cấm những người dân chưa tiêm vaccine lưu trú ở khách sạn, ghé nhà hàng, quán bar, cửa hàng mua sắm (ngoại trừ cửa hàng thực phẩm và dược phẩm)
Nhiều nước châu Âu đang gấp rút triển khai các mũi tiêm tăng cường vì có bằng chứng cho thấy hiệu quả của các mũi tiêm phòng vào mùa hè năm ngoái đang giảm đáng kể. Một số chính phủ châu Âu cũng gây áp lực buộc những người chưa được tiêm chủng phải đi tiêm bằng cách thắt chặt các quy tắc tiếp cận phương tiện giao thông công cộng, cửa hàng, nhà hàng và nơi làm việc.
Triển vọng tăng trưởng trở nên bấp bênh
Đại dịch Covid-19 giáng đòn nặng nề lên nền kinh tế châu Âu trong năm 2020, khiến sản lượng kinh tế của khu vực eurozone suy giảm 6,3%, so với mức giảm 3,4% của Mỹ.
Nhưng khu vực này đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng gần đây nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng vọt. Trong quí 3, GDP của eurozone tăng 2,2% so với quí trước. Giờ đây, với số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại, đà phục hồi kinh tế của khu vực eurozone trở nên bấp bênh
"Hoạt động kinh doanh của eurozone mở rộng mạnh mẽ hơn trong tháng 11 nhưng không có khả năng ngăn chặn khu vực này tăng trưởng chậm hơn trong quí 4, đặc biệt khi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt, có thể gây ra những gián đoạn mới cho nền kinh tế của khu vực trong tháng 12”, Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng kinh doanh của IHS Markit, nhận định.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), niềm tin của người tiêu dùng ở khu vực eurozone giảm đáng kể trong tháng 11. Trong cuộc khảo sát do IHS Markit thực hiện, các doanh nghiệp ở eurozone dự báo sản lượng kinh tế của họ trong thời gian tới sẽ rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1-2021.
Ruben Segura-Cayuela, nhà kinh tế phụ trách châu Âu ở Ngân hàng Bank of America, nói cần có thêm dữ liệu để đánh giá những hạn chế đi lại mới ở châu Âu sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế khu vực. Ông lưu ý rằng với mỗi đợt lây nhiễm Covid-19, tác động kinh tế suy giảm dần nhờ doanh nghiệp và người tiêu dùng ứng phó thích nghi tốt hơn.
Jessica Hinds, nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Capital Economics, cho biết hiện triển vọng kinh tế của châu Âu phần lớn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh Covid-19 và tác động của nó tại Đức. Bà cho rằng kinh tế châu Âu có thể trì trệ vào cuối năm nếu nền kinh tế Đức rơi vào tình trạng bế tắc.
Lĩnh vực sản xuất, trụ cột của nền kinh tế Đức, vẫn chịu sức ép khi các vấn đề về chuỗi cung ứng tiếp tục kìm hãm hoạt động của các hãng xe và các nhà sản xuất khác.
"Chúng ta có thể chứng kiến dịch bệnh gây một số tác động lên các hoạt động kinh tế khi số ca nhiễm tăng, khiến người tiêu dùng lo sợ hơn và các chính phủ yêu cầu kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn”, Jessica Hinds nói.
Ngoài tác động của dịch bệnh, châu Âu cũng đang phải đối phó với những tác động từ đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, cũng như tình hình lạm phát gia tăng và cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng, có thể làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Segura-Cayuela cho biết một số yếu tố tích cực vẫn đang hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế của châu Âu. Ví dụ, tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ dịch bệnh đang giúp giảm nhẹ tác động của lạm phát đối với thu nhập của người dân.
Theo CNN, WSJ