Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi đại biểu Quốc hội không đồng tình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi đại biểu Quốc hội không đồng tình

Ngọc Lan

Các đại biểu Quốc hội đang xem đồ án quy hoạch Hà Nội. Ảnh: M.Q

(TBKTSG) - Quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 không phải là một văn bản dưới dạng luật hoặc dự án, công trình cấp quốc gia. Và do tên gọi như vậy nên dù tính chất quan trọng, quy mô lớn hơn gấp nhiều lần so với những dự án công trình cấp quốc gia mà Quốc hội đang giữ thẩm quyền phê duyệt, Quốc hội sẽ chỉ được quyền góp ý thay vì có quyền quyết định.

Có điều, do những ý kiến đóng góp rất tập trung của các đại biểu Quốc hội có lẽ các cơ quan chịu trách nhiệm sẽ phải chỉnh sửa lại đồ án quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai.

Tại báo cáo ý kiến về đồ án quy hoạch này (ở một mức độ nhất định được hiểu như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tính khả thi của đồ án), tại các cuộc thảo luận tổ và đặc biệt là tại cuộc thảo luận trên hội trường hôm 15-6, các ý kiến của đại biểu, dù theo các cách diễn giải khác nhau đều tập trung vào hai vấn đề chính: có nên xây trung tâm hành chính quốc gia mới ở Ba Vì và quy hoạch trục Thăng Long hay không?

Và đến hôm 15-6, tất cả các ý kiến phát biểu trên hội trường đều đồng tình là không nên xây dựng trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì.

“Không có lý do gì để tách trung tâm đầu não thành hai trung tâm hành chính quốc gia và trung tâm chính trị quốc gia”, đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) nhận định và theo ông, việc dịch chuyển trụ sở của bộ, ngành lên Ba Vì chỉ làm xa thêm khoảng cách giữa trung tâm hành chính với vùng kinh tế trọng điểm, dẫn đến tăng chi phí cho quản lý, điều hành.

“Hàn Quốc cũng có ý định dời đô sang một địa điểm khác. Kế hoạch này đã được chính phủ đệ trình lên quốc hội nhưng ông Lee Myung-bak, Tổng thống Hàn Quốc hiện nay và lúc đó là thị trưởng Seoul, đã mạnh mẽ chỉ trích kế hoạch này”, ông Anh dẫn chứng bổ sung và cho rằng ông Lee Myung-bak phản đối là do việc di dời sẽ làm tổn hại lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của quốc gia này.

Và dù đang là thành viên Chính phủ nhưng Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm hay Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử đã chính thức tỏ thái độ không đồng tình với việc xây dựng trục Thăng Long và trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì. Thái độ của ông Giàng Seo Phử là dứt khoát không. Còn ông Khiêm cho rằng trục Thăng Long là lãng phí còn việc dịch chuyển trụ sở các bộ ngành, trong đó có bộ mà ông đang kiêm nhiệm vai trò đứng đầu là Bộ Ngoại giao liệu có cần thiết. Bộ Ngoại giao hiện đang xây trụ sở ở Mỹ Đình với mục tiêu sử dụng 100 năm.

Ở ngoài hội trường, qua các phương tiện truyền thông khác nhau, giới kiến trúc sư, nghiên cứu xã hội học… cũng liên tục lên tiếng để “bổ sung” cho các quan điểm không đồng tình trong hội trường.

Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc, hôm 1-6 đã gửi một văn bản cho các báo. Ông viết: “Điều đáng nói ở đây là tư vấn chưa làm rõ cơ sở khoa học và sự cần thiết xây dựng trung tâm hành chính quốc gia tập trung, tách biệt với đô thị trung tâm có quy mô 200 héc ta. Kinh nghiệm ở nhiều nước như Nhật Bản, Malaysia đã không thành công và đang gây nhiều trở ngại. Riêng ở Nhật Bản, bộ đầu tiên di chuyển từ trung tâm hành chính quốc gia mới về Tokyo lại là… Bộ Xây dựng”.

Ông cũng dẫn ra chiếu dời đô của Lý Công Uẩn năm xưa đã ghi rõ, về Thăng Long là “mưu toan nghiệp lớn, tính thế lâu dài cho con cháu mai sau” như một lời nhắc những người đã và đang có trách nhiệm vì bản quy hoạch đồ sộ này.

Còn Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đơn vị được Bộ Xây dựng và Chính phủ mời lấy ý kiến đã nêu ý kiến thẳng thắn: Bản quy hoạch trên nền tảng: “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại” là mang tính khẩu hiệu vì quy hoạch đô thị là quy hoạch vật thể, lấy không gian làm trung tâm và đối tượng nghiên cứu, nên cần đạt đến đích “tầm vóc, chất lượng và tính khả thi” mới là đúng.

Việc chỉnh sửa bản đồ án quy hoạch chắc chắn còn kéo dài. Nhưng việc góp ý của các địa biểu Quốc hội và những chuyên gia khác bên ngoài xã hội đã có kết quả. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chính thức phát biểu trước Quốc hội hôm 15-6 rằng: “Sau khi xem xét các mô hình thực tế và kể cả tham khảo các ý kiến của các chuyên gia thì Thủ tướng đã thống nhất quyết định không có quy hoạch xây dựng trung tâm hành chính mà chỉ đạo xem xét quy hoạch địa điểm di dời các bộ”, hay Ba Vì chỉ là quỹ đất quy hoạch dự phòng cho các bộ, ngành sau năm 2050. Một tương lai rất xa, có thể có, có thể không.

Vấn đề còn lại không nằm ở trong Quốc hội, nơi theo đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) được cung cấp tài liệu đầy đủ hơn những người dân bình thường mà “còn chưa biết”. Theo ông Lợi, rất gần ngày Quốc hội họp kỳ này, thủ đô “sôi” lên cơn sốt đất ở Ba Vì. Giá như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân hay Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ động xuất hiện trên các phương tiện truyền thông sớm hơn, với cách giải thích rõ ràng, đến nơi đến chốn như giải thích trên hội trường Quốc hội thì cơn sốt đất ở Ba Vì và các vùng quy hoạch sẽ còn chỉnh sửa nhiều đã không để lại những biến động giá đất như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới