(KTSG) - Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục tăng cường nới lỏng chính sách trong giai đoạn hiện nay, dù nhiều quốc gia gần đây đã bắt đầu có động thái thắt chặt trở lại. Việc duy trì chính sách nới lỏng của Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế chỉ mới ở giai đoạn đầu phục hồi, phần lớn doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vốn rất lớn để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bơm tiền đồng và nới hạn mức tín dụng
Từ đầu tháng 11 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực bơm tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ, giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì thanh khoản dồi dào, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Cụ thể, theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, chỉ trong vòng ba tuần đầu tháng 11, lượng tiền đồng bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ, gồm cả mua giao ngay và các hợp đồng kỳ hạn đáo hạn, lên tới hơn 60.000 tỉ đồng.
Nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Kinh tế Việt Nam lại có độ mở rất lớn, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP hơn 200% nên rủi ro nhập khẩu lạm phát là rất lớn.
Không chỉ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục đi xuống, mà lãi suất tiền gửi trên thị trường 1 cũng chứng kiến động thái tiếp tục điều chỉnh giảm của các ngân hàng. Theo tổng hợp từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trung bình lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,01 và 0,06 điểm phần trăm, lần lượt xuống 4,7% và 5,5% tại thời điểm cuối tháng 10.
Dù vậy, trong nửa đầu tháng 11, bên cạnh một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, cũng có ngân hàng bắt đầu có động thái điều chỉnh tăng, nhằm chuẩn bị vốn cho mùa tăng tốc kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng này được cho chỉ mang tính nhất thời, khi thanh khoản hệ thống nhìn chung vẫn đang dồi dào, trong khi về phía NHNN tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì.
Cùng với động thái giảm giá mua đô la Mỹ và bơm tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ, NHNN mới đây cũng đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng trong thời gian còn lại của năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế đang bước đầu hồi phục và kéo nhu cầu vay vốn tăng trở lại về cuối năm.
Cụ thể, thông tin mới đây cho thấy TPBank đã được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất lên đến 17,4%, Techcombank lên 17,1%, MSB lên 16%, MBBank lên 15%, VIB lên 14,1%, LPBank và ACB cùng lên 13,1%. Các ngân hàng còn lại được nới thấp hơn là VCB lên 12,5%, VPB lên 12,1%, SHB lên 10,5%, STB lên 10,5%, OCB lên 10% và VietinBank lên 9,5%.
dù lãi suất điều hành khó có thể giảm thêm để giúp hệ thống tiếp tục tiết giảm chi phí vốn đầu vào, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay cho nền kinh tế. Một trong những giải pháp được NHNN chia sẻ gần đây là khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận...
Đây đều là các ngân hàng thuộc nhóm có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn cao, cũng như có quy mô dư nợ khá cao, vì vậy hạn mức tăng thêm được kỳ vọng sẽ kích thích các ngân hàng này tăng cường cho vay ra trong thời gian còn lại của năm nay. Tính đến ngày 29-10-2021, tín dụng chỉ mới tăng 8,72% so với cuối năm 2020, còn cách khá xa kỳ vọng 12-13% cho năm nay.
Có thể thấy NHNN vẫn tiếp tục tăng cường nới lỏng chính sách trong giai đoạn hiện nay, dù nhiều quốc gia gần đây đã bắt đầu có động thái thắt chặt trở lại. Việc duy trì chính sách nới lỏng của Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế chỉ mới ở giai đoạn đầu phục hồi, phần lớn các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vốn rất lớn để khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng các ngân hàng hiện nay vẫn thắt chặt các điều kiện vay vốn vì lo ngại những rủi ro trong nền kinh tế đang rất lớn, mà nếu nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu trong tương lai, vốn cũng đang chịu nhiều áp lực với các khoản vay tái cơ cấu để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 suốt gần hai năm qua.
Thêm công cụ
Bên cạnh đó, gần đây tiếp tục có những đề xuất về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, với kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm cho các ngân hàng và khuyến khích dòng vốn rót vào nền kinh tế nhiều hơn. Cụ thể nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân đã khuyến nghị, NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hai tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5 điểm phần trăm trong quí 1-2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, bởi vì chỉ cần giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỉ đồng.
Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay đang áp dụng ở mức 3% cho tiền gửi bằng tiền đồng kỳ hạn dưới 12 tháng và chỉ 1% cho kỳ hạn trên 12 tháng, dễ hiểu vì sao một số ý kiến cho rằng phương án điều chỉnh này là không phù hợp vì mức đang áp dụng hiện nay là quá thấp, không còn nhiều dư địa để điều chỉnh giảm. Dù vậy, chính sách tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng chưa được sử dụng suốt 10 năm qua, nên cũng không loại trừ khả năng nhà điều hành có thể cân nhắc thực thi trong thời gian tới để đa dạng hóa các công cụ nới lỏng tiền tệ.
Việc sử dụng các công cụ một cách linh hoạt là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi điều quan trọng nhất là chính sách tiền tệ nới lỏng không chỉ tăng cường thêm cho đến hết năm nay mà còn phải tìm cách duy trì cho giai đoạn kế tiếp, vốn sẽ chịu nhiều áp lực trước xu hướng gia tăng lạm phát đang diễn ra khắp nơi, khiến nhiều quốc gia đang phải đảo chiều chính sách. Tính từ đầu năm đến nay, đã có gần 80 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương khắp toàn cầu.
Đơn cử như chính lo ngại lạm phát đang là yếu tố cản trở khả năng giảm thêm lãi suất điều hành của NHNN, dù mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay của nhiều ngân hàng đang thấp hơn đáng kể so với mức trần lãi suất theo quy định. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng gần đây chia sẻ lạm phát năm 2020 có thể đạt dưới 4%, nhưng năm 2022 lạm phát có áp lực rất lớn.
Cũng theo người đứng đầu NHNN, khi nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Kinh tế Việt Nam lại có độ mở rất lớn, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP hơn 200% nên rủi ro nhập khẩu lạm phát là rất lớn.
Đáng lưu ý là dù lãi suất điều hành khó có thể giảm thêm để giúp hệ thống tiếp tục tiết giảm chi phí vốn đầu vào, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu giảm thêm lãi suất cho vay cho nền kinh tế. Một trong những giải pháp được NHNN chia sẻ gần đây là khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay. Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng về một gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm sẽ sớm được NHNN ban hành.
Trong một diễn biến khác, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định rõ về các trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp. Nếu cửa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất phát hành cao bị thu hẹp, kỳ vọng các ngân hàng sẽ tích cực cho vay vốn ở khu vực sản xuất nhiều hơn với lãi suất cho vay cạnh tranh hơn.
Và mới đây nhất, tại hội thảo với chủ đề “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 24-11, ông Lê Trung Kiên, đại diện cơ quan thanh tra giám sát NHNN cho biết NHNN đang nghiên cứu, xem xét việc cho lùi thời hạn áp dụng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để các ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng. Đáng lưu ý là hồi năm ngoái NHNN từng cho lùi một năm lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn”.
Lạm phát ở ta theo con số thống kê công bố mới chỉ xoay quanh mức 3 – 3,5%. Tuy nhiên kỳ vọng tâm lý theo hướng tiêu cực của người tiêu dùng lúc nào cũng cao hơn ít nhất 1-2%. Điều này là có căn cứ thực tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thế giới tăng, các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu và phổ biến hiện nay đều tăng mạnh. Nếu tiếp tục nới lỏng tiền tệ theo hướng tăng áp lực giảm lãi suất tiền gửi, nhất là tiết kiệm dân cư, thì sẽ gây hậu quả khôn lường cho an toàn hệ thống, bởi đây là nền tảng chủ lực của hệ thống TCTD. Thời gian qua, nền tảng này bị hao mòn mạnh mẽ vì 3 lực kéo của vàng/ USD/ chứng khoán, những lực kéo này không đóng góp nhiều cho sự ổn định tiền tệ lâu dài, vì vậy nếu không thận trọng thì không rõ hậu quả gì sẽ xảy ra ?