Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Ba lằn ranh đỏ” trong thông tư mới liên quan trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16 quy định việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này được ví như là phiên bản “3 lằn ranh đỏ” Việt Nam ở cấp độ nhẹ khi hướng đến siết dòng vốn vào bất động sản trong thời gian tới.

Cụ thể, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định các tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong một số trường hợp sau: trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2022.

Vốn cho bất động sản sẽ bị siết chặt thêm

Thông tư này được đánh giá là sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp bất động sản, nhóm đang chiếm tỷ lệ hàng đầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, ngân hàng là đơn vị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường, đứng thứ hai là bất động sản.

Vốn vào bất động sản sẽ bị siết lại trong thời gian tới. Ảnh minh họa: V.Dũng

Cụ thể, trong quí 3, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 159.670 tỉ đồng thì nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 56.551 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán vẫn là những nhà đầu tư chính đối với trái phiếu bất động sản và có xu hướng tăng tỷ trọng trong 2 quí gần đây.

Ở góc độ quản lý và chuyên gia thì ủng hộ quan điểm siết chặt hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bởi những rủi ro tiềm ẩn quá lớn cho người mua. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận xét trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành luôn là tâm điểm chú ý trong thị trường sơ cấp với mức lãi suất phát hành hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư.

Theo báo cáo của đơn vị này, tính chung 9 tháng 2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 201.000 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, giảm 0,3% so với bình quân năm 2020. Kỳ hạn bình quân trái phiếu ở mức 3,8 năm. Nhìn chung, kỳ hạn bình quân của trái phiếu bất động sản trong hai năm gần đây là khoảng 3,5 - 4 năm, do vậy áp lực trả nợ gốc sẽ tăng dần trong giai đoạn 2023 - 2025.

Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu là tương đối cao so với các ngành khác. Cụ thể, theo báo cáo của FiinGroup  có hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản dân cư phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Theo FiinGroup nhận định, các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu, năng lực trả nợ vay rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần.

Rõ ràng, một số quy định của Thông tư 16 sẽ có tác động đặc biệt đến các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh dòng tiền kinh doanh đang bị hạn chế. Thời gian qua, việc tiếp cận một dòng vốn mới thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giúp các công ty thu được một lượng vốn tương đối lớn đáp ứng cho nhu cầu phát triển dự án. Tuy nhiên có rất nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết đã huy động vốn bằng trái phiếu nhưng không có tài sản đảm bảo. Điều này đang gây ra nhiều bất ổn cho thị trường, cho nhà đầu tư.

“3 lằn ranh đỏ” ở cấp độ nhẹ

Nhìn chung, Thông tư 16 định hướng an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, quản trị hoạt động và hoạt động cấp tín dụng chung. Tuy nhiên với tỷ lệ phát hành trái phiếu lớn thì quy định mới này hướng đến việc kiểm soát rủi ro từ hoạt động này của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.

Cụ thể, nếu tính các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140.000 tỉ đồng (chiếm 67% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 9 tháng đầu năm).

Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành. Trong đó, một số lượng lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.  Đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Điểm đáng chú ý trong thông tư này đề cập đến hai vấn đề nóng như các ngân hàng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành với mục đích đảo nợ hoặc phát hành để thâu tóm doanh nghiệp khác.

Theo quan sát của chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu dài hạn (5–10 năm) nhưng trái chủ được quyền bán lại cho doanh nghiệp phát hành sau một năm. Thực chất đây là trái phiếu ngắn hạn và một lượng lớn trái phiếu phát hành mới là để mua lại (đảo nợ) trái phiếu cũ.

Hay một hiện tượng khác tương đối phổ biến là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ phát hành trái phiếu để đi thâu tóm các dự án. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là loại trái phiếu có cam kết mua lại lớn nhất, bản thân ngành bất động sản cũng là ngành vay để thâu tóm nhiều nhất.

Nhận định chung về Thông tư 16, ông Long cho rằng đây không khác gì "lằn ranh đỏ" phiên bản Việt Nam, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng hơn, để tạo van nắn dòng vốn tín dụng không chảy vào những lĩnh vực nóng có thể gây bất ổn vĩ mô.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ba lằn ranh đỏ của ta chủ yếu là định tính và tập trung ngăn chặn rủi ro bắt nguồn từ dòng tiền của TCTD. Trong khi rủi ro đối với doanh nghiệp và người đầu tư thì vẫn chưa thể kiểm soát được. Ba “lằn ranh đỏ” của Trung quốc thì định lượng cụ thể :Tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không đính kèm các khoản trả trước) dưới 70%/ Tỷ lệ thanh toán ròng không đạt tới 100%/Tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn lớn hơn 1. Như vậy, trước hết để an toàn, thì doanh nghiệp phải là người chủ động kiểm soát mình chứ không phải thông qua định chế trung gian tài chính.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới