Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ Y tế: chỉ hai nhóm người bệnh Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người nhiễm SARS-CoV-2 được phân thành 4 nhóm nguy cơ, trong đó chỉ có 2 nhóm nguy cơ cao (màu vàng) và nguy cơ rất cao (màu đỏ) là bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện, còn lại có thể chữa tại nhà.

Bệnh viện dã chiến số 12, một trong những bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng.

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.

Theo đó, người nhiễm virus này được phân loại theo 4 nhóm nguy cơ, gồm nguy cơ thấp (màu xanh), nguy cơ trung bình (màu vàng), nguy cơ cao (màu cam) và nguy cơ rất cao (màu đỏ).

Nhóm người nhiễm Covid-19 có nguy cơ thấp là những người có tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.

Nhóm này được chăm sóc tại nhà riêng nếu đủ điều kiện. Nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên sẽ theo dõi, quản lý người nhiễm để phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn.

Thêm vào đó là hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, vận động, theo dõi sức khỏe liên tục, đánh giá nguy cơ và cung cấp gói chăm sóc tại nhà như thuốc kháng virus, vitamin, nhu yếu phẩm.

Nhóm nguy cơ trung bình là người từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine và những người có độ tuổi từ ≥ 3 tháng đến ≤ 49 tuổi, chưa tiêm đủ liều vaccine, có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở nhẹ và SpO2 từ 97% trở lên.

Nhóm này điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tầng 1. Tuy nhiên, nếu cơ sở điều trị tầng 1 của địa phương quá tải thì có thể xem xét điều trị tại cộng đồng.

Ở nhóm này, người bệnh cần được theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu thay đổi cần nhập viện ngay hoặc chuyển tầng cao hơn.

Người bệnh điều trị bằng thuốc kháng virus, điều trị triệu chứng như như sốt, giảm đau, giảm ho cùng với nâng cao thể trạng, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý, tự theo dõi sức khỏe.

Nhóm nguy cơ cao gồm người có tuổi ≥ 65, đã tiêm đủ liều vaccine, mắc bệnh lý nền; người từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền, chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai, vừa sinh con ≤ 42 ngày và trẻ em ≤ 3 tháng tuổi; SpO2 từ 94% đến 96%.

Những người trong nhóm này điều trị tại bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 tầng 2, cần theo dõi phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn, điều trị thuốc kháng virus, dinh dưỡng, điều trị dự phòng thuốc chống đông, bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ thở oxy và dùng thuốc chống viêm khi suy hô hấp...

Nhóm nguy cơ rất cao là những người tuổi ≥ 65, chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền, chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu; SpO2 < 94%.

Nhóm này điều trị tại bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 tầng 2, 3 hoặc trung tâm hồi sức tích cực Covid-19.

Những bệnh nhân trong nhóm nguy cơ rất cao cần phải được hỗ trợ thở như thở oxy, thở HFNC, thở máy, ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), hỗ trợ các cơ quan suy chức năng (chạy thận, lọc máu, trợ tim, vận mạch…).

Thêm vào đó là điều trị chống viêm, chống đông, kháng sinh, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, phòng ngừa biến chứng...

1 BÌNH LUẬN

  1. Đã đến lúc cần chấm dứt tình trạng “Trên nói dưới không nghe” trong việc thực thi các giải pháp thích ứng an toàn và linh hoạt với đại dịch theo nghị quyết 128. Chính phủ cần ban hành một khung giải pháp chuẩn, có cập nhật điều chỉnh thường xuyên để các địa phương tuân thủ thống nhất. Nơi nào thực hiện không đúng quy định chính phủ thì người dân có quyền khiếu nại và không chấp hành. Cấp nào làm sai quy định phải xử phạt, cách chức, thậm chí xử lý hình sự. Muốn vậy, phải làm rõ quyền và trách nhiệm cấp trên và cấp dưới. Cấp nào ra cấp đó. Trên cho ra trên, dưới cho ra dưới. Tâm phục khẩu phục. Mới thành công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới