(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ vốn đang loay hoay với câu chuyện tiếp cận nguồn vốn, hiện tại đồng thời phải đối diện với bài toán chi phí tăng vọt trong giai đoạn khôi phục sản xuất-kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Lạm phát tăng cao, tìm vốn ở đâu?” diễn ra vào ngày 2-12, do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Ngân hàng Bản Việt tổ chức, nhiều diễn giả cho biết tốc độ hồi phục của các doanh nghiệp ngày càng tăng nhưng vẫn còn những điểm nghẽn trong bài toán chi phí, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị, góp ý thiết thực cho giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong dài hạn.
Chi phí cao, khó vay vốn
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek), cho biết trong hai tháng qua các doanh nghiệp tập trung sản xuất tập trung đơn hàng tồn đọng vì giãn cách và kết thúc mùa thu đông năm nay, bắt đầu chuyển sang đơn hàng năm 2022. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó vì tồn kho nguyên vật liệu khoảng 50%, công suất cũng chỉ mới phục hồi bình quân khoảng 50-60%.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp lớn thì có thể kiểm soát được dòng tiền, nhưng doanh nghiệp nhỏ thì gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở việc tiếp cận vốn để tiếp tục sản xuất.
“Khó khăn nằm ở chỗ tiêu chí cho vay của ngân hàng không thay đổi, trong khi chi phí doanh nghiệp cao, thậm chí bỏ hết tiền bù lỗ, hàng hóa vật liệu tồn đọng mà lại còn tăng giá. Nếu vẫn duy trì tiêu chí như tài sản đảm bảo, doanh thu lợi nhuận, phương án tiền khả thi giống doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được vốn”, ông Việt chia sẻ.
Ông Ngô Quang Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Địa ốc Saigon Times, cho biết trong thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó vì chi phí tăng cao.
Theo đó, các đơn vị xây dựng đã ký hợp đồng với chủ đầu tư thì giờ phải ngồi lại với nhau để bàn hướng ra, vì càng triển khai càng lỗ khi sắt thép tăng đến 50-60%. Chủ đầu tư cũng phải tính toán lại giá bán, thị trường, vì nếu tăng giá cao quá thì người mua cũng không chấp nhận, mà nên giảm lợi nhuận xuống mức hài hòa hơn.
Về lạm phát, tiến sĩ kinh tế học, ông Nguyễn Hoàng Bảo, đến từ trường Đại học UEH đánh giá lạm phát hiện vẫn chỉ ở mức độ là tiềm ẩn, đang tích tụ chứ chưa thực sự thể hiện trong nền kinh tế. Trong thời gian qua chỉ có một số mặt hàng lạm phát trong rổ tiêu dùng, nhưng cũng có một số mặt hàng giảm, cầu tiêu dùng thấp, vòng quay vốn cũng thấp. Lạm phát năm sau cũng đối diện với khả năng tăng cao, đồng thời chính kỳ vọng lạm phát hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân có thể đẩy lạm phát tăng thực tế trong năm sau.
Xoay sở với dòng tiền
Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Bản Việt, cho biết nhu cầu vốn trong tháng 11-12 đang tăng cao, chuẩn bị cho hoạt động sản xuất cho dịp Tết âm lịch. Ông Nhân đánh giá nhu cầu vốn trong thời điểm hiện nay có thể cao hơn so với cùng kỳ, vì đợt giãn cách kéo dài trong năm nay, đây là thời điểm để nền kinh tế bung ra.
Trước bối cảnh nhu cầu vốn tăng lên, đại diện ngân hàng cũng cho rằng khả năng đáp ứng vốn của các ngân hàng thương mại là không thiếu. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới hạn mức tín dụng ở một số ngân hàng, trong đó có Bản Việt, để hỗ trợ nhu cầu vốn của nền kinh tế. “Nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp của các ngân hàng nói chung và Bản Việt nói riêng là không thiếu”, ông Nhân nói.
Ông Việt của Agtek cho biết các doanh nghiệp dệt may trong thời gian qua phải xoay sở tái cấu trúc, hạn chế đầu tư vào tài sản cố định để kiểm soát dòng tiền, thậm chí phải thay đổi cả nhà cung cấp vốn thường cố định trước đại dịch.
Theo đó, ông Việt đề nghị các ngân hàng tiếp tục xem xét cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, có vậy thì doanh nghiệp phục hồi trở lại thì cũng sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều hơn. Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ nên tập trung hỗ trợ lâu dài, chứ không phải là giải pháp tình thế như Thông tư 14 hỗ trợ cơ cấu nợ chỉ có thời hạn ngắn với doanh nghiệp. Các giải pháp khác như thuế, phí cũng cần tính đến chuyện kéo dài đến năm 2023.
Lý giải về mức lãi suất cao, ông Nhân cho biết ngân hàng cũng là doanh nghiệp, có chi phí đầu vào và đầu ra nên sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi ngân hàng, tùy vào doanh nghiệp mà sẽ sắp xếp, cân đối nguồn vốn với chi phí hợp lý nhất.
“Đối với ngân hàng Bản Việt thì quan điểm hỗ trợ là đi sâu vào câu chuyện cụ thể, khó khăn của từng doanh nghiệp, hiểu rõ nhu cầu khách hàng”, ông Nhân cho biết. Theo đó, điều kiện cho vay sẽ linh hoạt tùy theo từng doanh nghiệp chứ không cứng nhắc hay cố định, chẳng hạn ngân hàng có thể đứng ra bảo lãnh cho phía bên bán hàng để khách hàng trả chậm.
TS. Bảo cũng đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải xem lại điều khoản hợp đồng chứ không thể để chạy chế độ “mặc định”, ngoài việc tính toán lại chi phí và giá bán. Trong giai đoạn này nhiều rủi ro bất định nên lãnh đao cũng cần thận trọng cân nhắc hơn.
Về phía bất động sản, một trong những giải pháp dài hạn mà ông Phúc đặt vấn đề là cơ quan quản lý có chính sách rõ ràng hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc đang còn rất thiếu là nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Điều này không chỉ giúp tạo ra lực kéo với hệ sinh thái các doanh nghiệp dịch vụ, xây dựng đi theo, mà còn giúp thị trường bất động sản phát triển cân bằng hơn.
Còn TS. Nguyễn Hoàng Bảo cũng cho rằng gói hỗ trợ như thế nào sẽ tùy thuộc vào mục tiêu cụ thể của chính phủ, chẳng hạn nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong dài hạn thì phải tập trung hỗ trợ chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng để tạo “số nhân” hiệu quả cho nền kinh tế thì gói hỗ trợ phải đi đúng nơi đúng chỗ. “Nếu gói hỗ trợ không đúng chỗ, thì sẽ vô hiệu hóa chính sách, giảm sức ảnh hưởng và lãng phí tiền”, ông Bảo nói.