(KTSG Online) - Cơn bùng nổ kinh tế kéo dài hai thập kỷ, vốn đưa hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tầng lớp trung lưu, đang bị đe dọa bởi một cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến người dân nước này phải xếp hàng để mua bánh mì trợ giá, cắt giảm khẩu phần thịt và rời bỏ đất nước để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.
Đồng lira mất giá 45%, người dân rơi vào cảnh túng thiếu
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá đến 45% giá trị trong năm nay, khiến thường dân của nước này phải sống kham khổ hơn. Giá cả tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng chóng mặt, đẩy lạm phát tăng hơn 21% trong tháng 10.
Các nhà kinh tế cho biết cuộc khủng hoảng phần lớn bắt nguồn từ các chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Sau gần hai thập kỷ cầm quyền, ông Erdogan đã sa thải gần như mọi quan chức kinh tế cản trở quan điểm không chính thống của ông.
Sau nhiều năm làm suy yếu các thể chế và thâu tóm quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan hiện đã nắm quyền kiểm soát rộng rãi nền kinh tế và không ai trong chính phủ dám chống lại ông, các cựu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Ông Erdogan đã thành công trong việc gây sức ép để Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBT) cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát tăng nhanh. Thông thường, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để khuyến khích tiết kiệm, giúp hạ nhiệt lạm phát. Nhưng ông Erdogan đã kêu gọi giảm lãi suất và cho rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra là do sự can thiệp của nước ngoài.
Ông Erdogan khẳng định rằng biến động của đồng lira chỉ là tạm thời và là một phần của chiến lược dài hạn nhằm khuyến khích xuất khẩu và chuyển đổi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sang tập trung vào công nghiệp sản xuất.
“Cái mà bạn gọi là tỷ giá tiền tệ tăng hôm nay và sẽ giảm vào ngày mai. Cái mà bạn gọi là lạm phát tăng hôm nay và sẽ giảm vào ngày mai. Sản xuất và việc làm mới là vĩnh viễn”, ông Erdogan phát biểu hôm 1-12.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trải qua các căng thẳng về nợ nần và biến động tiền tệ trong vài năm qua, nhưng cuộc khủng hoảng hiện tại khác với trước đây vì không còn ai trong chính phủ phản đối các chính sách không chính thống của ông Erdogan.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, Lutfi Elvan, được các quan chức và nhà phân tích xem là tiếng nói cuối cùng của kinh tế học chính thống trong nội các, đã từ chức hôm 2-12 và được thay thế bằng một người trung thành với Erdogan.
Cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, đồng minh một thời của ông Erdogan ,cho biết: “Ông ấy không hiểu nền kinh tế và những người xung quanh ông ấy cũng vậy. Ông ấy như thể đang ở trên một hành tinh khác, một vũ trụ khác".
Đồng lira mất giá đang làm dấy lên tâm lý bất bình của những người dân lao động và tầng lớp trung lưu ở Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng nòng cốt ủng hộ ông Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông. Nhiều năm sau khi vượt qua cuộc đảo chính quân sự, vào và dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua các cuộc chiến tranh và bất ổn ở Trung Đông, ông Erdogan hiện đối mặt với nguy cơ nổi loạn từ chính nhóm cử tri trung thành của ông.
“Chúng tôi đã từng ăn thịt hàng ngày nhưng giờ đây, chỉ một lần một tuần” Maryam Atalay, một công nhân 58 tuổi ở thành phố Istanbul, nói.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình vào cuối tháng 11 tại các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, với các đám đông hô hào đòi ông Erdogan từ chức.
Hai nhân vật đối lập quan trọng, trong đó có ông Davutoglu, cáo buộc ông Erdogan về tội phản quốc.
Theo đuổi chính sách lãi suất thấp
Ông Erdogan ủng hộ chính sách lãi suất thấp kể từ khi ông trở thành thủ tướng năm 2003, một phần là vì mong muốn kích thích nền kinh tế và một phần bởi niềm tin tôn giáo của ông. Là một người Hồi giáo sùng đạo và ủng hộ vai trò lớn hơn của tôn giáo trong xã hội, ông đã viện dẫn lệnh cấm của Hồi giáo đối với hành vi cho vay nặng lãi để biện minh cho việc ủng hộ cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian nắm quyền của ông Erdogan, các cố vấn và bộ máy hành chính Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát mong muốn giảm lãi suất của ông.
Trong nhhững năm qua, đội ngũ cố vấn của ông thu hẹp dần. Nhiều lãnh đạo đảng AKP rời bỏ đảng này sau khi xung đột với ông về cách điều hành nền kinh tế, vì thế, chính phủ của ông ngày càng trở nên độc đoán.
Dù vậy, trong nhiều năm, các thể chế của Thổ Nhĩ Kỳ đã chống lại những ý tưởng kinh tế không chính thống của ông Erdogan. Vào năm 2018 khi đồng lira sụp đổ do cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, CBT đã phớt lờ lời kêu gọi hạ lãi suất của ông Erdogan.
Hồi đầu năm nay, Thống đốc CBT Naci Agbal đã chống lại áp lực từ chính phủ và đã tăng lãi suất trong nỗ lực kiểm soát lạm phát.
Vào tháng 3, Erdogan đã sa thải Agbal, thay thế ông bằng một quan chức của AKP, người ủng hộ chính sách tiền tệ của tổng thống. Đây là lần thứ ba trong vòng hai năm, ông sa thải người đứng đầu ngân hàng trung ương.
Ngay sau khi ông Agbal bị sa thải, CBT vẫn không giảm lãi suất trong nhiều tháng khi lạm phát tăng vọt. Đến tháng 9, CBT mới giảm lãi suất. Một tháng sau đó, Erdogan sa thải hai thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của CBT, loại bỏ những quan chức cuối cùng ngáng trở chính sách của ông. CBT đã cắt giảm lãi suất mạnh hơn trong tháng 10. Đến tháng 11, CBT giảm lãi suất lần thứ 3 dù lạm phát đang tăng vọt.
Người dân trả giá cho “canh bạc” của chính phủ
Tổng thống Erdogan lên tiếng bảo vệ chính sách của mình, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang phát động một cuộc chiến để bảo vệ tính độc lập kinh tế và sẽ giành chiến thắng. Phát ngôn đó đã thúc đẩy giới đầu tư bán tháo đồng lira vào ngày 23-11, khiến đồng tiền này giảm giá hơn 15% chỉ trong một ngày.
Đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ trung lưu, cú sụp đổ tiền tệ khiến sức mua vốn đã bị thu hẹp của họ càng trở nên yếu hơn. Một số siêu thị đã hạn chế khối lượng đường và bột mì bán cho khách. Tại nhiều thành phố, ô tô xếp hàng dài trước các cây xăng để mua xăng trước khi giá tăng.
Ông Erdogan và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khác cho rằng đồng lira giảm giá sẽ khuyến khích một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tương tự như các nền kinh tế ở Nhật Bản và Đài Loan. Ông Erdogan cũng xem chiến lược giảm lãi suất là một phần của cuộc đấu tranh rộng lớn hơn chống lại các nước phương Tây đang muốn kìm hãm Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số nhà kinh tế cho biết chiến lược này có khả năng thất bại vì lạm phát tăng cao đang gây áp lực lên các nhà xuất khẩu khi họ phải chi trả nhiều hơn cho năng lượng và nguyên liệu thô.
Các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn có thể chống chọi cuộc khủng hoảng tiền tệ. Nhưng các nhà kinh tế lo ngại nếu đồng lira giảm giá thêm có thể sẽ kích hoạt làn sóng rút tiền ở các ngân hàng hoặc Thổ Nhĩ Kỳ có thể vỡ nợ vì các khoản nợ nước ngoài.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang trả tiền cho “canh bạc” chính sách của ông Erdogan thông qua việc chi trả hóa đơn tiền điện cao hơn và mua thực phẩm với giá đắt hơn. Trong một cuộc khảo sát được hãng thăm dò ý kiến dư luận MetroPoll thực hiền hồi tháng 10, hơn 80% người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chính phủ đang điều hành nền kinh tế một cách tồi tệ.
Suleiman Giray, nhân viên phục vụ tại một quán trà ở khu Kasimpasha tại Istanbul, cho biết ông đã ủng hộ Erdogan trên cương vị thị trưởng Istanbul vào những năm thập niên 1990, khi ông đưa dịch vụ thu gom rác và các dịch vụ khác đến khu ổ chuột của họ. Giờ đây, ông đã phải dừng cho ba đứa con tiền tiêu vặt và dừng mua thêm sách cho chúng để hỗ trợ học hành. Gia đình ông cũng phải ngừng ăn thịt. “Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì nữa. Chúng tôi không còn đời sống xã hội nữa. Kasimpasha từng là pháo đài của Erdogan. Bây giờ, tất cả mọi người ở đây đều giận dữ ”, Suleiman Giray cho biết.
Theo Wall Street Journal