(KTSG) - Không thể phủ nhận được sự cần thiết của việc ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm như là một quyền hợp pháp của ngân hàng. Vấn đề cốt lõi khi điều chỉnh hoạt động thu giữ này là cơ chế kiểm soát nguy cơ lạm quyền của ngân hàng.
Quyền tự bảo vệ của ngân hàng
Xử lý tài sản bảo đảm là biện pháp hữu hiệu nhất để các ngân hàng thu hồi nợ và xử lý nợ xấu. Theo quy định hiện hành, các ngân hàng có thể thực hiện hoạt động này theo thủ tục ngoài tư pháp (tự thương lượng) hoặc phải thông qua các cơ quan tư pháp (tòa án, thi hành án).
Tối ưu hơn cả vẫn là chủ động tiến hành xử lý theo thỏa thuận với khách hàng vay. Muốn làm được điều này, ngân hàng phải thu giữ được tài sản bảo đảm đang đặt dưới sự quản lý của khách hàng vay hoặc bên chiếm giữ tài sản trên thực tế. Do vậy, quyền thu giữ tài sản bảo đảm trở thành một quyền vô cùng quan trọng đối với hiệu quả của hoạt động thu hồi nợ của của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh con đường tư pháp còn quá nhiêu khê.
Quyền này đã được nêu trong Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, bên bảo đảm hoặc bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải giao tài sản cho tổ chức tín dụng để xử lý theo thỏa thuận và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Nếu như không có sự chủ động bàn giao, tổ chức tín dụng được quyền thu giữ để tiến hành các bước tiếp theo của quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
Cần phải cân nhắc về sự hiện diện của cơ quan công quyền trong trường hợp này. Bởi lẽ, bản chất của quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền dân sự, được thực hiện dựa trên thỏa thuận của các bên.
Tuy nhiên, quyền này không phải là quyền đương nhiên, mà chỉ có thể được thực thi nếu như thỏa mãn đầy đủ năm điều kiện: (i) phát sinh trường hợp xử lý tài sản bảo đảm; (ii) quyền này phải được ghi nhận tại hợp đồng bảo đảm; (iii) giao dịch bảo đảm/biện pháp bảo đảm được được đăng ký; (iv) tài sản đang trong trạng thái “tự do” về pháp lý: không phải là đối tượng tranh chấp, kê biên,...; (v) tổ chức tín dụng hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin. Trong đó, cơ chế công khai thông tin được quy định chi tiết để các bên có liên quan biết được thời gian, địa điểm, lý do thu giữ tài bảo đảm.
Nhìn ở một giác độ khác, việc thực thi quyền này cũng gây nên không ít những bất cập, thậm chí bức xúc và tranh cãi.
Hiện hữu sự xung đột
Có thể thấy, trong trường hợp khách hàng vay thiện chí hợp tác, chủ động và tự nguyện giao tài sản bảo đảm thì việc thu giữ diễn ra dễ dàng. Ngược lại, việc thực thi quyền này sẽ trở nên khó khăn và gặp nhiều thử thách hơn. Trong trường hợp này, nhà làm luật trao cho các ngân hàng quyền tự do lựa chọn cách thức thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng phải đúng quy trình được pháp luật quy định và không vi phạm các điều cấm của pháp luật.
Lý thuyết là vậy nhưng khi thực thi quyền trên thực tế thì luôn là một bài toán nan giải. Nguyên nhân đầu tiên có thể nói là tâm lý “không muốn mất tài sản” của bên bảo đảm. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bên bảo đảm ý thức rất rõ và hoàn toàn tự nguyện với việc sẽ giao tài sản cho ngân hàng xử lý nếu vi phạm nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên đến thời điểm không trả được nợ thì ý thức về sự sở hữu trỗi dậy và họ sẵn lòng quên ngay cam kết đã đưa ra ban đầu để giữ chặt lấy tài sản.
Bên cạnh đó, ranh giới giữa thu giữ tài sản hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác vô cùng mong manh. Trong góc nhìn của dư luận, người đi vay, đặc biệt là hộ gia đình, cá nhân, đều được xem là người yếu thế trước các ngân hàng khi tiến hành thu giữ tài sản. Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp các ngân hàng hành xử thiếu chuyên nghiệp, không thiện chí hay thậm chí là sai quy trình. Có lẽ vì vậy mà dư luận có góc nhìn không mấy tích cực trước hành động thu giữ tài sản của ngân hàng.
Vừa qua, vụ việc một ngân hàng tiến hành cẩu xe xong mới thông báo siết nợ đã được báo chí phản ánh và gây nên nhiều tranh cãi(1). Cách đây không lâu, một ngân hàng khác cũng bị khách hàng vay tố là đã đòi nợ theo “kiểu xã hội đen” khi người của ngân hàng thực hiện thủ tục thu giữ nhà (vốn là tài sản thế chấp khoản vay)(2). Đây là minh chứng rõ ràng cho sự hiện hữu của các mối xung đột xoay quanh việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng.
Sự bình ổn xã hội
Mặc dù vẫn tồn tại bất cập trên thực tế, nhưng không thể phủ nhận được sự cần thiết của việc ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm như là một quyền hợp pháp của ngân hàng. Vấn đề cốt lõi khi điều chỉnh hoạt động thu giữ là cơ chế kiểm soát sự lạm quyền với các hành vi mang tính chất đe dọa, dùng vũ lực, uy hiếp, lừa dối... Điều này rõ ràng dẫn đến nguy cơ quyền của khách hàng vay và các bên liên quan có thể bị xâm hại.
Giải pháp của nhà làm luật tại Việt Nam đó là cơ chế hỗ trợ của cơ quan công quyền trong quá trình thực thi quyền theo đề nghị của ngân hàng. Trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của ngân hàng thì UBND cấp xã tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, người viết cho rằng cần phải cân nhắc về sự hiện diện của cơ quan công quyền trong trường hợp này. Bởi lẽ, bản chất của quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền dân sự, được thực hiện dựa trên thỏa thuận của các bên. Cơ quan công lực chỉ nên tham gia khi xuất hiện tình trạng hoặc có nguy cơ rõ ràng về việc có ai đó đang gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Sẽ là vô lý nếu cơ quan công lực dùng nguồn lực công để hỗ trợ cho một doanh nghiệp trong trường hợp họ đang chủ động thực hiện một quyền dân sự ngoài tư pháp.
Xét dưới góc độ tâm lý xã hội, sự hiện diện của cơ quan công quyền là một sức ép tâm lý không nhỏ đối với khách hàng vay và người có liên quan. Tình trạng bất hợp tác của khách hàng vay trong việc giao tài sản bảo đảm không nên và không thể bị đối xử tương đương với một hành vi gây rối trật tự công cộng và mất an toàn xã hội.
Hơn nữa, bên cạnh thái độ không thiện chí, bất hợp tác, còn có rất nhiều lý do dẫn đến việc trì hoãn bàn giao tài sản từ khách hàng vay, như chưa chuẩn bị xong chỗ ở hay những hoàn cảnh khách quan không mong muốn khác. Trong trường hợp không tìm được sự đồng thuận giữa các bên, giải pháp tốt nhất là đưa vụ việc ra cơ quan tư pháp để tìm kiếm một giải pháp cân bằng quyền lợi của các bên.
Suy cho cùng, quyền thu giữ tài sản bảo đảm chỉ nên xem xét trong khuôn khổ của một quyền tự bảo vệ của ngân hàng và được thực thi trong khuôn khổ hòa bình, không xâm phạm đến quyền của người khác và sự bình ổn của xã hội. Nếu có bất đồng, vụ việc cần được phân xử bởi tòa án. Vì vậy, thay vì tìm mọi cách để gia tăng quyền của ngân hàng một cách khiên cưỡng thì cần tập trung quyết liệt vào việc cải cách cơ chế làm việc của tòa án, đặc biệt là cơ chế áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết các vụ việc liên quan đến tài sản bảo đảm để việc xử lý tài sản bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm.
Ngoài ra, đặt vấn đề về trách nhiệm liên quan chi phí xử lý tài sản cũng là một giải pháp các bên cần cân nhắc để khích lệ sự tự nguyện giao tài sản bảo đảm từ bên bảo đảm sang cho ngân hàng hơn là theo đuổi một vụ kiện để nắm chắc phần thua cùng với gánh nặng chi phí tố tụng và các chi phí khác.
---------
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(**) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Xem thêm: https://zingnews.vn/ngan-hang-cau-xe-xong-moi-thong-bao-se-siet-no-post1272602.html
(2) Xem thêm: https://vnbusiness.vn/ngan-hang/thuc-hu-cau-chuyen-techcombank-xu-ly-no-dam-bao-tai-thach-that-ha-tay-1078660.html
Sau khi có nghị quyết 42 của QH về giao cho ngân hàng quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ vay. Thực tế quyền thì có nhưng lực thì không, vì tính khả thi của quy định rất thấp. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng địa phương bị hạn chế bởi vì tính ràng buộc pháp lý không cao, chính quyền địa phương cũng ngại ngần khi tham gia vào việc này, người vay cũng không muốn bị mang tiếng. Ngân hàng gần như phải đơn phương hành động, giải pháp cuối cùng là lại phải ra tòa án/ thi hành án và quy trình cũ mất thời gian lại tiếp diễn như cũ. Sau 5 năm thiết nghĩ đã đủ chín muồi để có sự tổng kết đánh giá và cải tiến cách làm hiệu quả hơn.
Mình đã từng thâý 1 vụ ở bình dương: doanh nghiêp nợ ngân hàng 29 tỷ, doanh nghiệp thì cố tình chây ì chờ giá đất lên cao hơn để bán lấy tiền trả. Ngân hàng thì cũng không dám tịch thu tài sản đảm bảo, vì cả 2 đều chờ…. giá đất lên. Mà không tịch thu theo nq 42..cuối cùng thì cũng phai kiện ra toà án. Nq 42 cần sửa lại cho nhanh gọn, chỉ 1….2 thủ tục thông báo trên mạng, trên báo… là ngân hàng có quyền chiếm giữ, sang tên nhà đất, thật đơn giản thế thôi thì mới nhanh được, cũng giảm áp lực cho ngành tư pháp.
Chính vì vậy quá trình thực thi NQ42 đã cho thấy cần tổng kết đánh giá lại, từ lý thuyết đến thực tiễn không có hiệu quả
Thông lệ quốc tế rất đơn giản và hiệu quả. Thỏa thuận vay nợ giữa ngân hàng và khách hàng là quan hệ dân luật. Khi đến hạn thanh toán, sau khi xác định khách hàng vi phạm hợp đồng, ngân hàng có quyền đệ trình yêu cầu thu giữ/ phong tỏa tài sản lên Tòa án dân sự. Tòa có trách nhiệm đánh giá xem xét và gởi “trát” đến người vay. Quá thời hạn gia hạn được thỏa thuận, khách hàng phải tự nguyện bàn giao tài sản hoặc ngân hàng tiến hành phát mãi công khai. Mọi việc diễn ra trong vòng 3 tháng.