(KTSG) - Miền Trung luôn phải hứng chịu sự khắc nghiệt và tàn khốc của thiên tai. Song bên cạnh sự tàn phá của thiên tai còn có các tác động vô tình lẫn cố ý của con người vào tự nhiên, càng làm cho cuộc sống của người dân thêm bấp bênh và điêu đứng vì sự cộng hưởng của thiên tai và nhân tai.
Lâu nay, chúng ta quan tâm nhiều đến chống bão lụt nhưng lại xem nhẹ vấn đề chống ngập úng ở đô thị. Thực tế, ngập úng đô thị không chỉ xảy ra thường xuyên hơn, mà mức độ gây thiệt hại của nó cũng không hề nhỏ. Ngập úng đô thị không chỉ tàn phá đường sá, tài sản mà còn tác động xấu đến tâm lý, tinh thần của người dân.
Vùng bão lũ
Năm nào miền Trung Việt Nam cũng bị mưa lũ, gây thiệt hại nặng nề.
Trên một dòng sông có hai yếu tố: lũ và lụt. Lũ là ở thượng nguồn, nơi độ dốc lớn, nước tập trung nhanh. Lụt là ở hạ lưu, nơi độ dốc nhỏ hơn độ dốc phân giới, nước không thoát đi được ứ đọng lại gây ngập lụt. Sông miền Trung ngắn và dốc nên lũ và lụt đi liền nhau. Giải đất miền Trung tuy có nhiều sông, lắm suối, song diện tích lưu vực các sông thường là nhỏ và đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh, các cửa sông miền biển lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.
Khác với sông Hồng và sông Cửu Long, các sông ngòi ở miền Trung phần nhiều không có hệ thống đê ngăn lũ căn cơ, bài bản, cũng không có các hồ chứa nước quy mô lớn ở vùng thượng lưu đủ sức điều tiết lũ để giảm thiểu lũ lụt cho vùng đồng bằng. Nạn phá rừng đầu nguồn khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn.
Việc xây dựng các tuyến đường giao thông kể cả đường sắt và nhiều đường bộ quốc lộ và tỉnh lộ làm chắn ngang dòng chảy, gây khó khăn cho việc thoát lũ. Hồ chứa xây dựng trước đây phần lớn không có cửa van, để cho lũ tràn tự do cho nên không có dung tích chứa lũ.
Lại thêm con người tác động vào
Ngập lũ/úng đô thị và hạ du miền Trung là đề tài muôn thuở vì có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng và tác động. Thiệt hại do mưa lũ gây ra ở miền Trung, nguyên nhân chính và cơ bản nhất là do tự nhiên gây ra. Nhiều nơi không có thủy điện, đô thị vẫn ngập vì các yếu tố tự nhiên như mưa/lũ vượt thiết kế, triều cường... và các yếu tố con người như quy hoạch phát triển sai, hệ thống thoát lũ, tiêu thoát kém. Ngoài ra, còn có đóng góp do con người gây ra đó là nạn phá rừng, khai thác cát sỏi lòng sông, xả lũ của các hồ đập, chưa có quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất, nơi ăn, chốn ở hợp lý và khoa học.
Những năm gần đây mưa lũ bất thường, liên tục thiết lập đỉnh lũ mới trên các sông. Năm 2020 đã thiết lập mốc mới về lịch sử mưa lũ.
Năm 2021, đợt mưa lũ cuối tháng 11 đầu tháng 12 tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định xấp xỉ mức lịch sử năm 1993 và 2013.
Quá trình đô thị hóa quá nhanh dẫn đến hệ số tiêu thoát tăng cao, trong khi đó kết cấu hạ tầng tiêu thoát chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ, không theo kịp với quá trình đô thị hóa. Tình trạng quy hoạch thiếu tính tổng thể và đồng bộ giữa các ngành dẫn đến tình trạng giảm ngập khu này nhưng lại tăng khu khác, thậm chí diện tích ngập tăng. Đặc biệt nhiều tuyến đường giao thông khi xây dựng bố trí khẩu độ tiêu chưa phù hợp gây cản lũ hình thành những vùng ngập úng cục bộ.
Việc xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thượng nguồn, phần lớn là thực hiện theo đúng quy trình vận hành đã được quy định trên các lưu vực sông. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng xả lũ về hạ du lớn hơn so với lũ đến hồ. Xả lũ nhưng không có cảnh báo kịp thời để người dân khu vực hạ du kịp thời ứng phó.
Phải rà soát, tính toán lại tất cả
Giải bài toán ngập lụt ở miền Trung kể cả ngập úng đô thị về cấp bách cũng như lâu dài cần có tầm nhìn, cách tiếp cận mới là phải rà soát, đánh giá lại dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của các ngành và địa phương, trong đó có quy hoạch chống ngập, bài toán cốt nền trên cơ sở “lồng ghép” thành bài toán hệ thống trong bối cảnh xét đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.
Để phòng tránh thiên tai và nhân tai một cách hữu hiệu, cần phải quyết liệt thực hiện các biện pháp có tính hệ thống và đồng bộ. Rà soát, quy hoạch lại khu dân cư, vùng sản xuất, vùng thường xuyên ngập lũ thích ứng với thiên tai (theo Luật Phòng, chống thiên tai).
Cần phải tính toán lại một cách hệ thống về khả năng lớn nhất ở những công trình trọng điểm ảnh hưởng trực tiếp đô thị và dân cư sống ở vùng hạ lưu đập. Kiểm tra lại toàn bộ cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông phải có đủ khẩu độ tràn, cầu cạn, cống thoát lũ.
Phải có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ rừng đầu nguồn vì cuộc sống của cả cộng đồng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích hợp. Cơ sở hạ tầng xã hội được xây dựng theo quy hoạch phòng, chống thiên tai. Tiến hành xây dựng các khu an toàn phòng tránh thiên tai có đầy đủ lương thực, nước uống, phương tiện cứu hộ vì “nước xa không cứu được lửa gần”.
Tăng cường chất lượng công tác dự báo mưa để các hồ chủ động hạ thấp mực nước chứa lũ cho hạ du, chủ động ứng phó với thiên tai.
Các nhà máy thủy điện ở các lưu vực sông miền Trung phần lớn là các thủy điện nhỏ và vừa (công trình nhỏ chiếm chủ yếu), vì vậy các công trình thủy điện hầu như có dung tích nhỏ (chủ yếu dưới 30 triệu mét khối) và không có nhiệm vụ phòng lũ. Trên sông Mã có 26 thủy điện chỉ ba công trình có dung tích phòng lũ. Trên sông Cả có hơn 10 thủy điện nhưng chỉ có hai công trình có dung tích phòng lũ.
Đối với các công trình thủy điện loại trung bình trở lên đều sử dụng tràn xả lũ có cửa (tràn xả sâu). Tràn xả sâu có nhiệm vụ xả nước để đảm bảo an toàn cho đập khi có lũ. Vì vậy, khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình nhà quản lý có thể xả với lưu lượng lũ theo thiết kế sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng cho hạ du. Do đó, để đảm bảo các công trình thủy điện không xả lũ lớn hơn lưu lượng lũ đến hồ, cần xây dựng và giám sát chặt chẽ quy trình vận hành hồ chứa đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo lũ ở thượng nguồn, có thiết bị đo lưu lượng nước xả tràn.
Triệt để thay đổi quy trình vận hành các hồ thủy lợi, thủy điện cần phải mang tính liên hồ: Quy định cụ thể hồ nào xả trước, hồ nào xả sau. Nạo vét cửa sông, các đoạn sông gây ách tắc việc thoát lũ...
Thảm phủ lưu vực bị suy thoái làm cho việc tập trung lũ rất nhanh, cần thúc đẩy các đề án phủ xanh đất trống đồi núi trọc để giảm mức độ tập trung lũ quá nhanh như hiện nay. Điều chỉnh kế hoạch sản xuất, mùa vụ thích ứng với tình hình khí hậu thời tiết đã và đang diễn ra ngày càng bất thường.
Chưa chắc. Lụt lội bây giờ quý hiếm đến mức gọi là thiên thời chứ không phải thiên tai. Bởi lẽ ở nhiều nơi, nông dân mong ngóng lụt lội sớm quay về bình thường để tận hưởng phù sa, nguồn lợi thủy sản, tiêu diệt bớt chuột, sâu bọ phá hoại, giúp ích cho nhà nông. Nhưng ngặt một nỗi do biến đổi khí hậu, và sự tàn phá dã man của con người, thiên thời đã dần đi mất, chỉ còn lại toàn thiên tai ?