(KTSG) - Ngày 21-11-2021, Luật Bản quyền mới của Singapore (Copyright Act 2021) có hiệu lực, thay thế Luật bản quyền cũ, vốn tồn tại từ năm 1987.
Luật Bản quyền 2021 này được thông qua hồi tháng 9 năm nay, đánh dấu nỗ lực của đảo quốc Sư tử đổi mới luật cho phù hợp với những thách thức cũng như những nhu cầu mới của kỷ nguyên số.
Việt Nam, hiện nay đang trong giai đoạn xem xét sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho phù hợp với tình hình mới, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm từ lần cải cách luật này của Singapore.
Nhìn lại luật 1987
Đầu tiên, xin nhấn mạnh rằng Luật Bản quyền 1987 của Singapore ra đời trong một quá trình chuyển đổi kinh tế ở đất nước này, bắt đầu từ đầu những năm 1980. Bộ luật này còn đánh dấu một sự thay đổi to lớn về nhận thức xã hội đối với quyền SHTT.
Vào năm 1987, Singapore đang phải đối mặt với những thách thức như tăng trưởng kinh tế thấp, khó khăn về nguyên liệu, cạnh tranh từ các nước phát triển cũng như từ các nước đang phát triển. Ở thời điểm này, việc sử dụng công nghệ cao ở Singapore còn hiếm hoi. Chính phủ nước này lúc đó nhận thấy rằng cần phải coi việc thúc đẩy sử dụng và phát triển công nghệ như một phần chiến lược quốc gia để phát triển công nghiệp và đa dạng hóa nền kinh tế.
Vào năm 1987, chỉ có khoảng 3.361 nhà nghiên cứu khoa học ở Singapore. 10 năm sau, số lượng các nhà khoa học làm việc ở đây đã lên tới 11.302 người. Cũng vô cùng ấn tượng, từ năm 1987-2011, GDP của Singapore đã tăng khoảng hơn 4 lần.
Luật Bản quyền 2021 của Singapore cho phép chủ sở hữu quyền tác giả được khởi kiện những đối tượng mua bán thiết bị hoặc ứng dụng phần mềm hay người cung cấp dịch vụ cho phép người sử dụng xem trực tiếp tác phẩm (stream) từ những nguồn bất hợp pháp.
Các chuyên gia cho rằng luật Bản quyền 1987, cùng với những chuyển đổi mạnh mẽ trong hệ thống pháp luật của Singapore, đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế đảo quốc này.
Từ năm 1987 đến nay, Luật Bản quyền 1987 đã qua một số sửa đổi, để phù hợp với chiến lược quốc gia cũng như với các cam kết của Singapore trong khuôn khổ của Hiệp định TRIPS, hay trong khuôn khổ của Hiệp ước thương mại tự do Mỹ - Singapore. Có thể nói, luật này luôn thể hiện tầm nhìn của Singapore trong lĩnh vực SHTT: luôn coi quyền SHTT là công cụ quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Chính phủ Singapore luôn duy trì một sự cân bằng giữa bảo vệ quyền SHTT ở mức độ “cao” với việc bảo vệ các lợi ích công cộng khác như tiếp cận thông tin, giáo dục, sức khỏe cộng đồng cũng như thúc đẩy cạnh tranh.
Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Pháp luật Singapore nhấn mạnh rằng một luật SHTT “mạnh” là cần thiết để có thể vượt qua những thách thức mà môi trường số đặt ra, nhưng cũng cần đảm bảo quyền sử dụng Internet hợp lý của người dân. Chính vì thế, Chính phủ Singapore thường xuyên có những sửa đổi luật về bản quyền, để luật không tụt hậu so với những thay đổi chóng mặt của công nghệ.
Tiếp theo, có thể nói rằng cũng theo tinh thần đó, Luật Bản quyền 2021 của Singapore nhấn mạnh vào mục đích xây dựng một cơ chế pháp lý phù hợp tình hình thực tế, với sự ra đời của hàng loạt công nghệ hiện đại thay đổi cách sáng tạo tác phẩm, cách phổ biến tác phẩm tới công chúng, cũng như cách sử dụng và tiếp cận tác phẩm, tiếp tục bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, cũng như quyền lợi của công chúng.
Điểm mới trong luật 2021
Luật Bản quyền 2021 vừa công nhận một số quyền mới của tác giả, để khuyến khích sáng tạo, đồng thời cũng tạo ra một số ngoại lệ mới, tạo điều kiện cho phép công chúng sử dụng tác phẩm một cách hợp lý, có ích chung cho toàn xã hội.
Ví dụ, Luật Bản quyền 2021 đã “đảo chiều” quy định liên quan tới chủ sở hữu quyền tác giả đối với những tác phẩm sáng tạo kiểu “đặt hàng” (commissioned work). Theo quy định cũ, thì người đặt hàng được luật công nhận là chủ sở hữu hợp pháp quyền tác giả. Tuy nhiên, theo luật mới, thì tác giả trực tiếp tạo ra tác phẩm “đặt hàng” là chủ sở hữu quyền tác giả. Việc chuyển nhượng quyền tác giả vì thế cần phải thông qua một hợp đồng lập thành văn bản.
Xin nhấn mạnh rằng các quy định pháp lý liên quan khác vẫn tiếp tục được áp dụng, như các quy định liên quan tới bảo vệ thông tin cá nhân. Ví dụ, nhiếp ảnh gia là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các bức ảnh, thì nhiếp ảnh gia vẫn cần phải có sự cho phép của những cá nhân trong ảnh trước khi sử dụng những tấm ảnh đó. Quy định mới này là một điểm khác biệt so với luật về bản quyền Việt Nam hiện hành, vốn quy định tương tự như Luật Bản quyền 1987 của Singapore.
Không chỉ thế, Luật Bản quyền 2021 còn công nhận quyền được đề tên là tác giả hay là người biểu diễn khi tác phẩm được sử dụng ở nơi công cộng. Đây có thể là điều lạ lẫm đối với nhiều người, vì quyền nhân thân của tác giả được công nhận ở Việt Nam từ khi Luật SHTT ra đời năm 2005. Tuy nhiên, Singapore là nước theo truyền thống luật copyright của các nước Anglo-Saxon, vì thế quyền nhân thân là một khái niệm không được coi trọng mấy. Sửa đổi này càng cho thấy nỗ lực của Singapore đảm bảo quyền tác giả ở một mức độ cao hơn cho tác giả.
Tất nhiên, một trong những thay đổi quan trọng nhất của Luật Bản quyền Singapore 2021 mà chúng ta không thể không nhắc tới, đó là quy định cho phép chủ sở hữu quyền tác giả được khởi kiện những đối tượng mua bán thiết bị hoặc ứng dụng phần mềm hay người cung cấp dịch vụ cho phép người sử dụng xem trực tiếp tác phẩm (stream) từ những nguồn bất hợp pháp, không tôn trọng quyền tác giả. Quy định này sẽ làm giảm số lượng người xem phim “chùa” trên mạng, nhờ vào việc sử dụng các công cụ công nghệ hay dịch vụ nói trên.
Cũng để phù hợp với tình hình mới, Luật Bản quyền 2021 quy định rằng mọi cơ sở kinh doanh (như nhà hàng, khách sạn...) phải trả phí bản quyền nếu sử dụng bản ghi âm để phục vụ khách hàng, trừ trường hợp truyền tải tác phẩm qua radio, hay khi quyền sử dụng hợp lý “fair use” (sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép chủ sở hữu) được áp dụng.
Ngoài ra, Luật Bản quyền 2021 cũng mở rộng hơn các trường hợp ngoại lệ sử dụng hợp lý fair use. Cụ thể, theo luật mới, tòa án không còn bị bắt buộc xem xét khả năng người vi phạm có thể dễ dàng mua được một bản sao tác phẩm với giá thành hợp lý, khi phải quyết định ngoại lệ sử dụng hợp lý có áp dụng hay không.
Không chỉ thế, luật còn công nhận một số ngoại lệ mới, như ngoại lệ sao chép tác phẩm vì mục đích giáo dục áp dụng cho các cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, sao chép tài liệu học tập cho người tàn tật, ngoại lệ liên quan tới việc sao chép tác phẩm vì mục đích phân tích dữ liệu máy tính...
Xin nhấn mạnh rằng, công nhận ngoại lệ sao chép tác phẩm vì mục đích phân tích dữ liệu máy tính là một thay đổi rất hợp lý, vì quy định này sẽ tạo điều kiện phát triển các phần mềm trí tuệ nhân tạo. Tất nhiên, người sử dụng ngoại lệ này cũng phải tuân thủ một số điều kiện khác, như không sử dụng bản sao tác phẩm với bất cứ mục đích nào khác với mục đích phân tích dữ liệu máy tính, hay chỉ được sử dụng các tác phẩm từ nguồn hợp pháp chẳng hạn.
Cũng với mục đích thúc đẩy lợi ích công cộng, Luật Bản quyền 2021 đã cho phép tự do sử dụng các tác phẩm chưa hề được công bố, sau thời hạn 70 năm sau khi tác giả qua đời, thay vì được hưởng quyền tác giả vĩnh viễn như theo luật 1987.
Có thể nói, những thay đổi trên trong Luật Bản quyền của Singapore cho thấy nỗ lực của đảo quốc Sư tử duy trì một mức độ bảo vệ “cao”, nhưng cũng rất linh hoạt đảm bảo lợi ích công cộng cũng như phù hợp với những thay đổi công nghệ hiện nay. Từ kinh nghiệm của Singapore, Việt Nam chắc hẳn có thể rút ra những bài học hữu ích khi xem xét sửa đổi Luật SHTT hiện nay.
Ba điều kiện tiên quyết để có nền tảng luật hóa tốt 1. Có khả năng đọc hiểu và vận dụng tất cả các luật tương tự của các quốc gia phát triển nhất và phát triển tương tự trình độ của ta, 2. Bộ Tư pháp và Ủy ban pháp luật quốc hội đồng chủ trì đề cương xây dựng nội dung luật, bộ chủ quản chuyên ngành là cơ quan tham mưu, tư vấn, 3. Có hội đồng thinktank trong và ngoài nước làm nhiệm vụ phản biện.