(KTSG) - Theo một báo cáo mới, các công ty Mỹ đang có kế hoạch tăng lương cho người lao động ở mức cao nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế 2007-2009, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng thắt chặt và tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua.
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tăng lương
Một cuộc khảo sát của tổ chức tư vấn Conference Board thực hiện với 229 công ty Mỹ trên nhiều lĩnh vực, được công bố hôm thứ Tư tuần trước cho thấy, các doanh nghiệp dự kiến sẽ dành trung bình 3,9% tổng tiền lương cho việc tăng lương trong năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Việc tăng lương cũng sẽ được thực hiện trên diện rộng, với mọi cấp độ. “Các giám đốc điều hành, nhân viên chính thức và nhân viên làm việc theo giờ đều sẽ được tăng lương đáng kể”, ông Gad Levanon - Phó chủ tịch phụ trách thị trường lao động tại Conference Board, nhận xét.
Trong các báo cáo kinh doanh mới đây, một số công ty cho biết họ có kế hoạch tăng lương cho người lao động vào năm tới. Jonathan Ramsden, Giám đốc tài chính của hãng bán lẻ Big Lots, chia sẻ với các nhà phân tích rằng công ty sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn trong năm tới do “mức lương gia tăng và các áp lực khác”.
Hãng bán lẻ quần áo Gap cũng đã đưa mức lương cao hơn vào báo cáo kinh doanh của mình. Bà Katrina O’Connell, Giám đốc tài chính của công ty cho biết: “Chúng tôi chắc chắn đang thấy áp lực phải tăng mức lương theo giờ, không chỉ ở các trung tâm phân phối mà còn cả các cửa hàng nữa”.
Mark Kalvoda, Giám đốc tài chính của Công ty thiết bị nông nghiệp và xây dựng Titan Machinery hồi tháng trước cũng cho biết, đang lên kế hoạch về mức lương cao hơn. “Chúng tôi đang nhận ra áp lực lạm phát trong các khoản chi phí như nhiên liệu, tiền lương và phúc lợi của nhân viên. Chúng tôi dự đoán, những áp lực đó sẽ tăng lên trong các quí tới”.
Trước đó, theo các số liệu của Bộ Lao động Mỹ, tiền lương theo giờ của khu vực kinh tế tư nhân trong tháng 11 đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ngang bằng với mức tăng của tháng 10. Đây đã là tháng thứ năm liên tiếp tiền lương đạt mức tăng trên 4%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình 3,3% hồi năm ngoái. Và với những gì đang diễn ra, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.
Nỗ lực thu hút và giữ chân người lao động
Theo Conference Board, trả lương cao hơn để thu hút nhân viên mới được coi là lý do phổ biến nhất cho xu hướng này, khi tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng và doanh thu cao của nhiều ngành kinh tế, khiến cho người lao động có nhiều lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán về lương bổng.
Các số liệu thống kê cho thấy, khoảng 4,2 triệu người Mỹ đã bỏ việc trong tháng 10, đa phần là để tìm kiếm chỗ làm mới với mức lương tốt hơn. Theo dữ liệu về tiền lương của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta, mức tăng trung bình dành cho những người nhảy việc trong tháng 10 là 5,1%, trong khi những người ở lại chỗ làm cũ chỉ nhận được mức tăng lương trung bình 3,7%. Phụ nữ cũng vượt trội hơn nam giới về tốc độ tăng lương.
Chuyên gia kinh tế Daniel Zhao tại Glassdoor nhận xét, đây là “một hiện tượng phổ biến” đối với những người nhảy việc để chiếm ưu thế trong một thị trường lao động eo hẹp. “Khi thị trường làm việc ngày càng nóng lên, những người nhảy việc sẽ nhận được mức tăng lương nhanh nhất, bởi họ là những người đang thiết lập mức lương trên thị trường. Thông thường những người lựa chọn ở lại nơi làm cũ sẽ có mức tăng lương chậm hơn vì người sử dụng lao động không chịu nhiều áp lực phải tăng lương cho họ”.
Tuy nhiên, theo Conference Board, với việc xu hướng nhảy việc ngày càng gia tăng, các nhà quản lý đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn trong việc tăng lương cho đội ngũ nhân viên hiện tại, để ngăn cản những người giỏi nhất rời đi và duy trì đội ngũ lao động. Angelo Kostopoulos - Giám đốc điều hành Akron - công ty chuyên thực hiện khảo sát lương thưởng hàng năm của các công ty tại Washington cho biết: “Không doanh nghiệp nào muốn để nhân viên ra đi. Họ đang cố gắng níu giữ nhân viên một cách tuyệt vọng để đảm bảo sự phát triển”.
Các dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng cho thấy, những lao động là thành viên của các nghiệp đoàn hiện có mức lương tăng chậm hơn so với các lao động không thuộc nghiệp đoàn. Các cuộc đàm phán giữa nghiệp đoàn và giới chủ về việc tăng lương có thể mất nhiều thời gian để hoàn thành hơn, và được cho là nguyên nhân dẫn đến những vụ đình công trong nhiều ngành công nghiệp. Chuyên gia Levanon nhận xét: “Khi người lao động nhận thấy những người ở ngoài nghiệp đoàn kiếm được mức lương cao hơn, họ sẽ gây sức ép lên người sử dụng lao động để đòi tăng lương”.
Áp lực từ lạm phát tăng cao
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua cũng là một lý do khiến các doanh nghiệp cảm thấy cần phải tăng lương cho nhân viên. Khoảng 39% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Conference Board cho biết lạm phát đã ảnh hưởng đến quyết định của họ trong việc dành ngân sách để tăng lương trong năm tới.
Chuyên gia kinh tế Gad Levanon tại Conference Board, nhận định, trong bối cảnh lạm phát hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 1982, các nhà tuyển dụng sẽ quay trở lại với phương thức điều chỉnh tiền lương gắn liền với lạm phát - biện pháp này từng khá phổ biến trong những năm 1970 và 1980, nhưng không còn được áp dụng nhiều khi giá cả tăng ở mức độ vừa phải. Ông cho biết: “Tác động của tiền lương đối với lạm phát và lạm phát đối với tiền lương hiện nay mạnh hơn so với những thập kỷ gần đây”.
Trong những năm trước đây, một nhà tuyển dụng có thể đưa ra mức tăng lương 2-3% là đủ để theo kịp tốc độ lạm phát. Tuy nhiên, điều này giờ không còn đúng nữa, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11-2021 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982.
Theo chuyên gia Kostopoulos, tỷ lệ lạm phát cao hơn đang khiến các nhà quản lý gặp khó trong việc đưa ra lời giải thích với nhân viên nếu mức tăng lương không đủ cao. “Các công ty hiện coi lạm phát là thách thức mà họ sẽ phải đối mặt trong vài năm tới. Nếu kết hợp lạm phát với làn sóng nghỉ việc, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, công việc có chuyên môn cao, chúng ta có thể hiểu vì sao các doanh nghiệp phải lên kế hoạch tăng lương cho người lao động”.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Michael Strain tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cũng cho rằng, mức tăng lương cho người lao động cần phải đủ cao để bù đắp những tác động tiêu cực do lạm phát mang lại. “Thông thường việc tăng lương sẽ là một tin tức tốt, tuy nhiên, hiệu ứng tích cực của nó đã bị giảm đáng kể trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng mạnh. Một số nhóm người lao động thậm chí đang có mức lương điều chỉnh theo lạm phát thấp hơn so với một năm trước đó. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức mua”.
Doanh nghiệp đối mặt với vòng xoáy tiền lương - giá cả
Các chuyên gia dự báo, động lực tăng lương sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng tới, khi thị trường lao động tiếp tục nóng lên. Một số công ty đã lên kế hoạch tăng lương trong năm 2022 từ vài tháng trước - thời điểm chưa có được một bức tranh rõ ràng về thị trường lao động và lạm phát, giờ đây, thậm chí sẽ phải điều chỉnh kế hoạch của họ theo hướng tăng cao hơn nữa.
“Giờ đây, họ sẽ thấy những công ty khác đang làm gì và điều đó có thể khuyến khích họ tăng lương nhiều hơn nữa”, chuyên gia Levanon cho biết. “Tôi dự báo, khi chúng tôi thực hiện lại cuộc khảo sát này sau 3-4 tháng, chúng tôi sẽ nhận được những con số cao hơn nữa”.
Tuy nhiên theo WSJ, việc các doanh nghiệp tăng lương liên tục cho người lao động có thể đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn, khi các công ty buộc phải tăng giá sản phẩm, dịch vụ để bù đắp cho chi phí tăng lương. Điều này có thể khiến lạm phát cao hơn nữa và làm tăng khả năng xảy ra vòng xoáy tiền lương giá cả khó có thể kiềm chế.
“Việc tìm kiếm nhân viên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, và điều quan trọng là tình trạng này đang diễn ra phổ biến, không chỉ giới hạn ở một vài công ty”, Roger Ferguson - cựu Phó chủ tịch Fed và là thành viên tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại chia sẻ với CNBC. “Chúng tôi bắt đầu nhận thấy, điều này đang ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, và đang trở thành khởi đầu của thứ mà chúng ta gọi là vòng xoáy giá cả tiền lương”.
Từ góc độ thị trường chứng khoán, các công ty càng trả lương cao cho nhân viên, cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ bị sụt giảm và điều này sẽ khiến các cổ đông không thể cảm thấy hài lòng. “Lạm phát tiền lương là vấn đề đang khiến tôi lo ngại”, ông David Kostin, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ của Goldman Sachs cho biết. “Nó đang gây áp lực lên lợi nhuận của một số công ty. Đây sẽ là một cơn gió ngược kéo dài đối với các doanh nghiệp”.
Do vậy, theo CNBC, trong khi các công ty tư nhân có thể dễ dàng lên kế hoạch tăng lương cho nhân viên, các công ty đại chúng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do sự giám sát từ các cổ đông.
Theo công ty quản lý tài sản Mercer, để giải quyết tình trạng này, một số công ty như Google đã quyết định thưởng tiền mặt một lần cho nhân viên. Đây được coi là lựa chọn phù hợp với nhiều doanh nghiệp, cho phép họ mang lại cho nhân viên nhiều lợi ích tài chính hơn, nhưng đồng thời vẫn có thể lựa chọn duy trì mức lương cơ bản như hiện tại và không ảnh hưởng lâu dài đến cấu trúc chi phí.
Bên cạnh đó, nhiều công ty đại chúng cũng lên kế hoạch hỗ trợ người lao động bằng việc thưởng cổ phiếu và các biện pháp khuyến khích khác. Nhiều công ty có lực lượng lao động lớn với mức lương thấp, đã và đang bổ sung các lợi ích bao gồm giáo dục đại học miễn phí, như một cách để tuyển dụng và giữ chân người lao động.
Do đó, chuyên gia Lauren Mason tại Mercer cho rằng, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào liên quan đến lựa chọn công việc, người lao động cần xem xét bức tranh lương thưởng một cách đầy đủ và toàn diện. “Điều quan trọng mà các nhân viên cần lưu ý là trả lương không phải khoản đầu tư duy nhất mà các nhà tuyển dụng đang cung cấp cho lực lượng lao động. Người sử dụng lao động đã đầu tư đáng kể vào việc cung cấp các lợi ích đa dạng hơn để đảm bảo sức khỏe, sự hạnh phúc của nhân viên trong suốt thời kỳ đại dịch”.
Nguồn: Wall Street Journal, Washington Post, CNBC
Nước Mỹ có khả năng mang lạm phát đến cho nhiều nước khác hơn thay vì sợ hãi lạm phát. Chỉ với khả năng in ấn cung ứng tiền mặt USD toàn cầu là họ đã nắm giữ đàng chuôi rồi. Một số nước giàu mạnh khác cũng vậy, họ mong lạm phát nhích lên để kích thích sự năng động hơn của nền kinh tế. Bởi vậy khi bàn về lạm phát, tốt nhất hãy tập trung vào những khu vực đang phát triển hoặc chậm phát triển.