(KTSG Online) - Công cuộc chuyển đổi số ở TPHCM có một sứ mệnh mới, sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ số để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội và giải quyết ba vấn đề lớn nảy sinh trong đại dịch.
Đây là nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại hội thảo “Nâng cao năng lực chuyển đổi số năm 2021” diễn ra sáng 16-12 tại TPHCM. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đại dịch Covid-19 bộc lộ ba vấn đề lớn đối với TPHCM. Thứ nhất là quản trị thành phố trong tình hình mới. Thứ hai là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị. Thứ ba là từ đổi mới công tác quản trị tìm ra động lực mới cho tăng trưởng của thành phố trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, TPHCM xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Từ tháng 7-2020, TPHCM đã đề ra chương trình chuyển đổi số với 10 lĩnh vực tập trung gồm y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực.
Thành phố cũng đặt mục tiêu tới năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP, và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của Thành phố. Đây là mục tiêu khá thách thức, do vậy cần có những lộ trình, bước đi và những giải pháp hết sức khả thi thì Thành phố mới thúc đẩy được chuyển đổi số, tăng tỷ trọng của kinh tế số trong GRDP.
Do vậy, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh chuyển đổi số hiện có sứ mệnh mới. Trong đó, cần sáng tạo và ứng dụng những giải pháp công nghệ số để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm góp phần phòng chống dịch thành công và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến suy thoái kinh tế. Để hoàn thành được những mục tiêu trên, thành phố xác định con người là yếu tố then chốt, là chủ thể của chuyển đổi số.
Góp ý cho chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, bà Carolyn Turk, giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng Covid-19 chính là tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Các trợ lý ảo, các phần mềm trả lời tự động, các chatbot, AI… đã giúp các chính phủ phản ứng nhanh hơn với các vấn đề trong dịch bệnh như truy vết… Điều đó cũng đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới như Singapore, Trung Quốc…
“Việt Nam xác định chiến lược chính phủ số là một trong ba trụ cột chính của chuyển đổi số bên cạnh xã hội số và kinh tế số. Lĩnh vực mua sắm trực tuyến đã tăng đáng kể, tăng 30% kể từ khi đại dịch bùng phát. Với vị trí đó, chuyển đổi số chính là mệnh lệnh chứ không phải kiểu bổ sung mang tính thú vị nữa", bà Carolyn Turk chia sẻ.
Với TPHCM, bà Carolyn Turk cho rằng thành phố đã xác định sống chung với Covid-19 và đây là thời điểm thích hợp, cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số, giúp TPHCM đi đầu trong kỷ nguyên số hiện nay. Tuy nhiên, TPHCM cần có chiến lược bao gồm lộ trình thực hiện rõ ràng, tăng cường dữ liệu, tái đào tạo, tạo môi trường khởi nghiệp cho các công ty vừa và nhỏ…
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia Quản trị Công cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đưa ra nhận định: Việt Nam hiện đang ở “giữa các ngả đường” trong xếp hạng quốc tế về kinh tế số. Mặc dù có những sắp xếp quản trị tốt hơn cho cải cách chính phủ điện tử - chuyển đổi số trong những năm gần đây, tiến độ vẫn còn chậm và triển khai hạn chế do Quy trình nội bộ xử lý các dịch vụ công (G2G, G2B, G2C) vẫn chủ yếu dựa vào giấy tờ, đầu tư cho chính phủ số vẫn thiếu một số cơ chế tài chính rõ ràng và phù hợp…
Tuy nhiên, TPHCM đã vượt từ vị trí số 7 lên vị trí thứ 5 trong số 63 tỉnh thành và thành phố thuộc Trung ương trong Bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2021 dựa trên ba trụ cột là được đánh giá là: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin, là những điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số.
“Với chuyển đổi số tại TPHCM, cần nhanh chóng chuyển từ kế hoạch sang hành động. Thành công sẽ phụ thuộc vào nguồn tài chính, bao gồm cả đầu tư cho dữ liệu… và tập trung phát huy, tận dụng nguồn dữ liệu hiện có”, bà Trần Thị Lan Hương cho biết thêm.
Chuyển đối số bao hàm mấy yêu cầu : Nhanh/ Gọn/ Chuẩn xác/ Hiệu quả/ Tiết kiệm. Quan trọng nhất là cần có tư duy chuyển đổi số mọi lúc mọi nơi. Văn bản ban hành của cơ quan thẩm quyền hiện nay có khi dài mấy trang giấy, nhưng nếu tư duy kiểu chuyển đổi số thì chỉ cần 1 hoặc 1/2 trang, riêng việc này đã tiết kiệm biết bao nhiêu thứ. Ví dụ trang đầu văn bản thường đưa ra một loạt các căn cứ (luật/ nghị định/ văn bản… có khi hơn cả trang giấy không cần thiết ! ) trong khi chỉ cần ghi một câu “Căn cứ quy định pháp luật hiện hành” là đủ. Nội dung thể hiện ngắn gọn, đủ ý, dễ hiểu dễ làm, không lập đi lập lại, diễn giải dông dài.