(KTSG Online) – Biến đổi khí hậu khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng 26%, trong khi năng suất sụt giảm 35%, theo dự thảo đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025”.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngoài chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL cũng bị tác động của khai thác thủy điện; của việc tăng lượng nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở thượng nguồn sông Mê Kông và hoạt động khai thác quá mức nước ngầm…
Theo kết quả điều tra năm 2020 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, 80,3% hợp tác xã được khảo sát cho biết biến đổi khí hậu có xuất hiện trên địa bàn hoạt động trong 5 năm qua, bao gồm xâm nhập mặn, hạn hán và thời tiết cực đoan (giông bão, mưa to, lũ lụt).
Có 96,6% hợp tác xã cho biết biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của họ, bao gồm làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất cây trồng vật nuôi, mất trắng, giảm chất lượng sản phẩm và làm mất đất sản xuất nông nghiệp.
Biến đổi khí hậu làm tăng chi phí sản xuất trên tất cả các nhóm cây trồng và thủy sản với mức trung bình là khoảng 26%. Trong đó, xâm nhập mặn làm tăng chi phí sản xuất 29,1%; hạn hán là 27,6%; thời tiết cực đoan là 22,7% và hiện tượng khác là 23,1%.
Còn phân theo loại cây trồng và vật nuôi, kết quả khảo sát cho thấy biến đổi khí hậu làm tăng chi phí sản xuất lúa thêm 18%; cây ăn trái là 34,5%; nuôi trồng thủy sản là 36,8% và cây trồng khác (rau màu) là 31,7%.
Biến đổi khí hậu làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi ở mức trung bình là khoảng 35%. Trong đó, xâm nhập mặn gây giảm năng suất 41,5%; hạn hán làm giảm 35,8%; thời tiết cực đoan là 27,9% và các hiện tượng khác là 28,3%.
Cây ăn trái bị giảm năng suất nhiều nhất với 49,6%; thủy sản giảm 43,9%, lúa giảm 24,9% và cây trồng khác giảm 30%.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn tác động đến thời vụ, sinh kế nông nghiệp, thậm chí một bộ phận nông dân có khả năng phải chuyển đổi (hoặc đánh đổi) sinh kế với tỷ lệ này ở ĐBSCL là không nhỏ.
Trước những thách thức nêu trên, dự thảo đề án “Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025” đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% hợp tác xã nông nghiệp vùng này được bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hiểu biết về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản và muối.
Xây dựng mỗi địa phương có từ 3-5 mô hình hợp tác xã áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để nhân rộng.