Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vũng Tàu: Thuở ban đầu một ngọn hải đăng

Ngọc Trân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Sau khi xâm chiếm một phần lãnh thổ miền Nam nước ta, người Pháp đã cho xây dựng ngay một số công trình phục vụ công cuộc bình định, trong đó có các ngọn hải đăng.

Hải đăng Vũng Tàu là hải đăng cổ xưa nhất trong tổng số 79 hải đăng của Việt Nam. Người Pháp đã cho xây dựng ngọn đèn biển này đầu tiên vào năm 1862, ở độ cao 149 mét so với mực nước biển. Sau một số lần trùng tu, và xây dựng lại ở độ cao 170 mét vào năm 1913, hải đăng Vũng Tàu dường như “mới” hơn khi khoác lên mình lớp sơn màu trắng.

Nhờ thế, trông hải đăng hình tròn, cao 18 mét nổi bật hẳn lên trên đỉnh núi Nhỏ, trở thành một địa điểm được ưa thích đối với khách đến Vũng Tàu. Ngay con đường từ Bãi Trước lên đây cũng đã là một “sản phẩm du lịch” đáng để ý rồi. Bởi cao cao một chút dọc đường, ngập tràn gió biển, hoang sơ khung cảnh, nhưng luôn có những khoảng trống, nhìn xuống thành phố được, tha hồ ngắm trông và “xeo phì”!

Trên cao, trời đủ bốn mùa. Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, có khi còn nghe được cả tiếng chim hót véo von. Mùa hè thì khỏi nói rồi, hoa phượng nở đỏ rực hầu hết con đường. Mùa thu, cây phượng, cây gòn, cây sứ thường rụng lá, có vẻ gầy guộc, nhưng lại tạo ấn tượng lãng mạn như bối cảnh những bộ phim Hàn Quốc. Nhưng đến mùa đông, ôi thôi, không nên lên đây làm gì, bởi dễ đụng phải mưa nặng hạt, gió thổi từng cơn lạnh buốt, trời lại xám xịt.

Xây như thế nào?

Theo tài liệu đọc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, TPHCM, vào lúc ban đầu, người Pháp dùng hải đăng Vũng Tàu để hướng dẫn tàu thuyền từ biển vào cảng Sài Gòn cũng như chỉ hướng cho tàu thuyền qua lại vùng biển Vũng Tàu.

Về xây dựng ngọn đèn biển, người Pháp đã làm như thế nào? Họ ghi lại như sau:

“Hôm nay hai mươi lăm tháng ba, một nghìn tám trăm sáu mươi hai, vào lúc chín giờ sáng, các công nhân được giao xây dựng ngọn hải đăng Cap Saint-Jacques đã đặt viên đá đầu tiên của công trình”.

“Viên đá này tạo thành góc phía đông phần thứ hai của đế và chứa một hộp chì trong đó có: 1) hai bản sao trên giấy da biên bản; 2) hai đồng tiền vàng và năm đồng tiền bạc có hình của Napoléon III”.

Hồi xưa, người Pháp gọi Vũng Tàu là Cap Saint Jacques, theo tên do những nhà hàng hải Bồ Đào Nha đặt từ thế kỷ 15 cho miền đất này, khi họ giong buồm ghé đây, trên đường đi Macao.

Cũng thật thú vị khi đọc một số tài liệu khác để hiểu việc xây dựng hải đăng được coi là “bậc nhất” này.

Đến ngày 25-7-1862, Bonard, viên chỉ huy các lực lượng Pháp chiếm đóng một phần đất miền Nam chúng ta, đã ký một văn bản liên quan đến việc khánh thành ngọn hải đăng. Văn bản chỉ rõ rằng một con tàu mang tên Forbin sẽ đến Cap Saint-Jacques vào ngày 15-8 và bắn vào dịp này “một loạt 21 phát đại bác chào mừng”. Vào lúc hoàng hôn, khi ngọn hải đăng được thắp sáng, con tàu này lại bắn thêm 21 phát đại bác nữa.

Việc khánh thành hải đăng như thế là khá long trọng.

Trong số các tài liệu đọc được, còn có báo cáo về việc quan sát hải đăng. Đó là báo cáo ghi ngày 15-8-1962 do L. Manen, phó kỹ sư khí tượng, trưởng nhóm, và Simon, hạm trưởng chỉ huy Forbin, cùng soạn thảo. Trích đoạn:

“Về bản thân ngọn hải đăng, trải nghiệm đầu tiên được thực hiện vào tối ngày 15-8. Rời Cap Saint-Jacques trên tàu  Forbin, lúc 8 giờ tối, trời rất quang, chúng tôi ra khơi và đến điểm Nam - một phần tư Đông Nam. Điểm này cũng ở khoảng cách 33 dặm một phần hai, và rằng ngọn lửa [hải đăng] đã biến mất bên dưới đường chân trời; trong khi, trước đó một lúc, độ sáng rõ của nó vẫn hoàn toàn tốt. Chúng tôi đã có thể theo dõi ngọn lửa trong những đêm tiếp theo từ các nơi neo đậu gần bờ, khoảng 18 dặm phía Tây và Tây - Tây Bắc. Trong những trường hợp này, độ sáng rõ của nó thật đáng kể”.

Và các tác giả báo cáo kết luận: “Cuối cùng, kể từ hôm nay, hoàn toàn yên tâm về sự vận hành của ngọn hải đăng và nó có thể hoạt động thường xuyên được rồi”.

Trước đó, vào ngày 6-7-1862, Bonard cũng ký văn bản về việc thu lệ thu phí cho hải đăng. Theo văn bản này, kể từ khi hải đăng hoạt động, tàu của bất cứ nước nào đi vào vùng biển do hải đăng chiếu sáng và cập cảng Sài Gòn đều phải trả lệ phí, gọi là “lệ phí bảo quản”, tính theo tấn trọng tải tàu. Cứ mỗi tấn là 3 xu. Lệ phí nộp ở Sài Gòn trong thời hạn tám ngày kể từ ngày tàu cập bến, hiệu lực trong vòng một năm cho một tàu hay một thuyền.

Được miễn đóng lệ phí đối với tàu chiến mọi quốc tịch, tàu buôn chỉ ghé tạm, không buôn bán tại chỗ, tàu chở bưu phẩm, bưu kiện Bắc, Nam và các thuộc địa lân cận, tàu do chính quyền Pháp thuê, nhưng khi rời bến có mang theo hàng hóa thì đóng một nửa lệ phí.

Vận hành ra sao?

Về vận hành ngọn hải đăng thì theo quy định về việc canh gác các ngọn hải đăng và đèn hiệu dọc các bờ biển Nam kỳ do Bonard ký trước, vào ngày 7-5-1862, mô phỏng những gì được áp dụng tại Pháp vào thời điểm đó.

Theo quy định này, nhân viên của ngọn hải đăng Cap Saint-Jacques bao gồm một giám đốc và năm người gác đèn là những người lính được giao phó nhiệm vụ này.

Quy định rất chi tiết; tiếp theo đây là phần tóm tắt.

Trước khi mặt trời lặn một giờ, những người gác đèn phải túc trực cả đêm; tuy nhiên, chỉ một người thức để gác. Người này ghi lại những gì quan sát được vào một cuốn sổ: hoạt động của ngọn hải đăng, đèn chiếu còn trong tầm nhìn, trạng thái của bầu khí quyển, các con tàu trong tầm nhìn… Ngoài ra, việc đèn bị tắt hoặc bị suy yếu cũng cần được báo cáo. Người gác có thể gọi thêm người khác nếu thấy cần.

Những người gác đèn phải trợ giúp các thủy thủ và tàu bị đắm; nếu cần thiết, giúp họ nơi trú ngụ.

Ngọn hải đăng phải lên đèn bắt đầu sau 15 phút tính từ khi mặt trời lặn, và phải tắt vào lúc bình minh. Ban ngày, những người gác đèn sẽ lo việc chuẩn bị đèn cho đêm hôm sau, và bảo dưỡng ngọn hải đăng, trong đó có cả việc vệ sinh cho nó được sạch sẽ.

Việc tham quan ngọn hải đăng được chấp nhận, nhưng chỉ sau khi nhân viên hoàn tất công việc của buổi sáng; việc thăm viếng phải chấm dứt trong vòng ít nhất một giờ trước khi mặt trời lặn. Và luôn phải có người của ngọn hải đăng đi kèm với khách, không được để họ vào buồng máy. Cũng chỉ để mỗi lần hai khách vào khu vực có đèn chiếu.

Ngoài ra, quy định này cũng đề cập đến việc xây dựng ngọn hải đăng thứ hai tại Pulo-Condore, tức Côn Đảo.

Hiện giờ, hàng ngày, hải đăng Vũng Tàu vẫn thực hiện nhiệm vụ y như thời Pháp thuộc. Và tiếp tục truyền thống mở cửa. Trước đại dịch Covid-19, khách tới đây vẫn được đón chào - không phải mua vé, có thể vào trong, leo lên đỉnh tháp từ cầu thang xoắn ốc trong lòng hải đăng, phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn biển bạc, hoặc nhìn gần xuống thành phố biển ngái ngủ những ngày trong tuần; sôi động vào những ngày cuối tuần. Và đương nhiên là… chụp ảnh!

Ngoài ra, người ngoạn cảnh còn có thể thưởng thức món sữa chua cùng những món bánh ngọt tại quán Cô Tiên, ngay phía dưới hải đăng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới