Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua vào không gian số của doanh nghiệp bất động sản đang nhanh hơn

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường bất động sản đã trải qua hai năm thử thách khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Việc duy trì hoạt động kinh doanh liên tục trở nên khó khăn với nhiều lần giãn cách xã hội được áp dụng. Đó cũng được xem là lý do khiến cuộc đua vào hệ sinh thái số trong bất động sản (proptech) được đẩy nhanh hơn với với sự tham gia của các startup lẫn các công ty truyền thống.

Kỷ nguyên số bất động sản đang đến sớm hơn

Mô hình kinh doanh bất động sản được dự báo sẽ có sự chuyển biến mạnh trong thời gian tới với xu hướng khách hàng sử dụng công nghệ ngày càng gia tăng. Dường như Covid-19 đang thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn với những động thái cụ thể của nhiều doanh nghiệp. Các ứng dụng về cộng đồng đầu tư hay quản lý danh mục bất động sản liên tiếp được ra đời.

Proptech đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tiếp cận khách hàng. Ảnh minh họa: DNCC

Việt Nam có số “kỳ lân” đứng thứ 3 Đông Nam Á thế nhưng các công ty Proptech vẫn chưa phát triển mạnh. Trong 15 năm qua, những tên tuổi như nhadat.com, rongbay, muabannhadat hay các nhân tố mới như Propzy, Rever, Houze, Propcom vẫn chưa thực sự có tác động lớn hoặc đóng vai trò quan trọng trong thị trường phát triển và phân phối bất động sản.

Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại Proptech đã có vị thế mới khi Covid-19 dường như thúc đẩy quá trình số hóa bất động sản sớm hơn. Cuộc đua giữa các đơn vị Proptech là sẽ được tính bằng tháng.

Ngay sau khi TPHCM gỡ bỏ giãn cách, hàng loạt ứng dụng proptech được công bố ra thị trường. Gần nhất là Công ty cổ phần Công nghệ Propcom đã chính thức ra mắt ứng dụng Propcom kết nối cộng đồng bất động sản - công nghệ - tài chính, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản hiện nay.

Theo đó, ứng dụng Propcom cho phép kết nối chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, công ty công nghệ, tài chính, chuyên gia công nghệ, tài chính với các thành viên, người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Điều này giúp cộng đồng được kết nối nguồn sản phẩm đa đạng phong phú, mở rộng mối quan hệ và nâng cao kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Người dùng sẽ được hỗ trợ các thông tin về các dự án từ chính các chủ đầu tư để đảm bảo tính chính xác, minh bạch.

Trước đó chỉ một tuần, ứng dụng Houze cũng giới thiệu thị trường bất động sản phiên bản mới nhất của mình với nhiều tiện ích được cập nhật. Trong đó, các tính năng như quản lý tài sản, thanh toán và đầu tư chung bất động sản cũng được xây dựng để tăng trải nghiệm cho người dùng.

Không chỉ các doanh nghiệp chuyên về công nghệ tìm kiếm cơ hội trong không gian proptech mà ngay cả những doanh nghiệp truyền thống trên thị trường bất động sản cũng bắt đầu chuyển hướng. Ông Vũ Hoàng Linh, Phó tổng giám đốc TopenLand, Tập đoàn Hưng Thịnh, đã có những chia sẻ về việc áp dụng công nghệ thông qua phương án M&A nhanh nhất có thể.

“Việc lựa chọn phương án M&A hay tự phát triển phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi bên. Có nhiều công nghệ nếu bắt tay làm bây giờ đến khi thành công có thể sẽ lỗi thời. Tôi cho rằng thời gian ra thị trường rất quan trọng, những công nghệ mang tính mấu chốt, là yếu tố quyết định cho sự thành công. Hưng Thịnh áp dụng phương án M&A, ngoài ra mức độ linh hoạt được chú trọng, cần sự thay đổi theo chiến lược kinh doanh hoặc theo thời gian, và cuối cùng là xây dựng tool (công cụ) để thực thi nhanh chóng”, ông Linh nói.

Trong khi đó, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, cho biết nhiều công ty công nghệ đang nghiên cứu những ứng dụng cho bất động sản như mua bán, cho thuê, quản lý vận hành, đầu tư chung. Đây cũng là xu thế trong tương lai và các công ty bất động sản đều ý thức được sự phát triển này để thay đổi.

“Bất động sản là kênh đầu tư giá trị lớn nên tôi mong sau này chỉ cần một số tiền nhỏ cũng đầu tư được. Ở nước ngoài, một người chỉ cần có 500 – 5.000 đô la là có thể tham gia đầu tư bất động sản. Theo số liệu của Google, trong 5 năm qua, tỷ lệ tìm kiếm từ khóa liên quan đến đầu tư chung hay chia nhỏ suất đầu tư tăng trưởng gấp 8 lần. Đến năm 2027, dự kiến sẽ có khoảng 870 tỉ đô la sẽ rót vào các kênh đầu tư chung”, bà Hương cho hay.

Startup Proptech trở thành hàng “nóng”

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra áp lực thay đổi chưa từng có lên ngành bất động sản – lĩnh vực vốn khá bảo thủ trước những đổi mới về mặt công nghệ. Proptech đã trở thành một xu hướng bắt buộc để các chủ đầu tư, doanh nghiệp, đại lý môi giới xây dựng cho mình vị thế nổi bật giữa vô số đối thủ cạnh tranh. Thậm chí startup Proptech đang nở rộ nhằm hấp dẫn các quỹ đầu tư hay các doanh nghiệp lớn đầu tư.

Với 100 nền tảng proptech đang hiện hữu tại Việt Nam là minh chứng cho sức hấp dẫn của thị trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bất động sản. Đặc biệt, nhiều startup proptech đời đầu đã chứng minh được năng lực khi gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư lớn.

Các startup công nghệ trong bất động sản xuất hiện ngày một nhiều và nhanh hơn. Ảnh minh họa: DNCC

Cuối tháng 10, Citics là một startup cung cấp giải pháp dữ liệu cho các ngân hàng để xác nhận giá trị của bất động sản, công bố gọi vốn thành công 1,3 triệu đô la từ Vietnam Investment Group, Vuples Investment Management và BHS Group. Trước đó, Citics đã huy động được 1,7 triệu đô la.

Hồi tháng 8, Rever, một startup tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào môi giới bất động sản, đã thành công huy động 10,2 triệu đô la của Mekong Capital. Vòng gọi vốn trước đó từ GEC-KIP và Golden Equator Capital, công ty đã huy động được 2,3 triệu đô la.

Còn rất nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ bất động sản khác cũng thành công thu hút các “cá mập”, như Propzy huy động tổng cộng 37 triệu đô la; Go2Joy nhận 8,6 triệu đô la. Các startup đi sau như Houze, Propcom cũng bắt đầu bước vào vòng đàm phán để gọi vốn.

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định, khách hàng ngày càng muốn trải nghiệm những dịch vụ tốt hơn, tiện lợi hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản phải đáp ứng được những yêu cầu này và sự liên kết với các startup công nghệ là lựa chọn tối ưu.

“Mô hình truyền thống vẫn gặp những rào cản về mặt địa lý hay nguồn lực nhưng khi sử dụng công nghệ thì những trở ngại này sẽ được xóa bỏ. Quy mô phát triển của doanh nghiệp sẽ lớn hơn, mạnh hơn khi có công nghệ. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng cho công nghệ. Điều này cho thấy họ đã nhìn thấy bức tranh tương lai của toàn ngành”, ông Lâm chia sẻ.

Theo ông Lâm, cách đây khoảng 3 năm, thị trường bất động sản chỉ có vài công ty nói về vấn đề Proptech. Thế nhưng, hiện nay mọi người đã nói đến chủ đề Proptech một cách phổ biến. Đây chính là sự thay đổi lớn trong xã hội và “miếng bánh” Proptech còn rất nhiều, ai cũng có cơ hội.

Bấy lâu nay, bất động sản vẫn đứng ngoài cuộc chơi chuyển đổi số do đặc thù sản phẩm giá trị cao, tính thanh khoản thấp, quá trình giao dịch tốn nhiều thời gian, kể cả rủi ro cao về pháp lý. Bước vào không gian Proptech là xu hướng nhưng kèm theo đó là những mô hinh kinh doanh mới xuất hiện có thể gây rủi ro cho người tham gia. Vấn đề ở đây là liệu các nhà lập pháp sẽ có cái nhìn thoáng hơn và sẽ mạnh dạn hoàn thiện khung pháp lý, sàng lọc được mô hình hợp lý và hòa mình cùng xu thế phát triển chung của thế giới?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới