(KTSG Online) – Nếu theo đúng như kết luận thanh tra của tỉnh Lâm Đồng thì rồi đây sẽ có không ít cán bộ từ xã đến huyện, thành phố và của một số sở ngành “dính” vào hàng loạt vụ “xẻ thịt đồi chè”, biến đồi chè, đồi cà phê thành đất ở, thành dự án bất động sản, phân lô bán nền bất hợp pháp rao bán ì xèo hai năm qua.
Thế nhưng nó lại đặt ra thách thức mới của ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường về vấn đề quy hoạch đất nông nghiệp trước tình cảnh diện tích trồng chè vùng đất này tụt dốc không phanh nhưng quy hoạch thì vẫn giữ như cũ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong talkshow Tiêu điểm do Kinh tế Sài Gòn thực hiện, khi đề cập vấn đề này, ông cho rằng ngành nông nghiệp hiện nay đang đi theo hướng quy hoạch linh hoạt, không bắt buộc các địa phương phải cố định diện tích trồng cây nông nghiệp cứng nhắc trong quy hoạch.
Đúng như ông Hoan nói, không ít địa phương đã thực hiện quy hoạch nông nghiệp linh hoạt, bằng chứng là tại TPHCM, khi huyện Bình Chánh chia tách thành quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, hay huyện Thủ Đức cũ, chia tách thành ba quận 2, 9 và Thủ Đức thì chính quyền thành phố đều có điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp, theo hướng giảm xuống, nhường chỗ cho đất đô thị. Điều này phù hợp với thực tiễn ở nông thôn khi đã đô thị hóa thì không thể mãi duy trì đất nông nghiệp trồng lúa như ở ngoại ô TPHCM. Thế nhưng không phải địa phương nào cũng “linh hoạt” đi trước một bước như TPHCM.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam đến năm 2020 và định hướng năm 2030 dài 187 trang được Thủ tướng phê duyệt tháng 2-2012, tức cách nay đã 9 năm, diện tích chè cả nước vào năm 2015 là 131.000 héc ta, tới năm 2020 lên 140.000 héc ta. Khu vực Tây Nguyên với trọng điểm trồng chè ở Lâm Đồng sẽ có diện tích chè 25.000 héc ta năm 2015, lên 27.800 héc ta năm 2020 và 30.000 héc ta vào năm 2030.
Đó là trên quy hoạch, còn thực tế thì theo số liệu trên cổng thông tin Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, cơ quan nghiên cứu chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích chè tại Lâm Đồng, thủ phủ chè của Tây Nguyên, đang giảm rất nhanh, bình quân 1.000 héc ta/năm. Tới tháng 7-2017 chỉ còn 20.950 héc ta, một năm sau giảm còn 12.700 héc ta.
Có nghĩa con số trong quy hoạch từ năm 2012 của ngành nông nghiệp vào năm ngoái là 27.800 héc ta ở Tây Nguyên nhưng ước tính của người viết cùng những con số của tính Lâm Đồng thì hiện nay diện tích còn 10.000 héc ta là đã quá nhiều.
Nhưng trong ngần ấy năm, nếu một chủ đồi chè rộng một héc ta không còn muốn trồng chè nữa vì đủ lý do, trong đó có lý do hiệu quả kinh tế, không lẽ chủ trang trại chè cứ khư khư giữ cây chè hay chặt đi và bỏ đất trống trong khi biết bao lời mời gọi hấp dẫn từ các nhà kinh doanh bất động sản, phân lô bán nền diễn ra hàng ngày hàng giờ?
Bài toán quy hoạch linh hoạt không hề dễ và nói theo câu cửa miệng của nhà quản lý là “quy hoạch phải đi trước một bước”. Rõ ràng việc diện tích chè giảm mạnh nhưng quy hoạch của chính quyền vẫn chưa thay đổi kịp thì rồi đây sẽ còn tiếp diễn hàng loạt các vụ “xẻ thịt” hay phân lô bán nền lén lút bằng cách này hay cách khác.