Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Startup Việt “chơi vơi” giữa dòng vốn chảy mạnh của y tế số

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với chi phí y tế ngày càng tăng. Chi phí chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam theo ước tính sẽ tăng vọt lên gần 43 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028, tức gần ba lần so với mức 15,6 tỉ đô la trong năm 2018.

Thị trường y tế số Việt Nam được cho là đầy tiềm năng nhưng số lượng các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ y tế (health-tech) này chiếm chưa đến 2% trong tổng số 4.000 startup châu Á trong cùng lĩnh vực. Trong khi dòng vốn đổ vào các startup nước ngoài vô cùng mạnh mẽ, thì chỉ nhỏ giọt vào các công ty khởi nghiệp của Việt Nam.

Startup Việt lép vế khi gọi vốn

Từ ba tháng đến sáu tuổi, trẻ thường hay sốt, nhất là vào buổi đêm. Cha mẹ phải thức canh con sẽ uể oải trong người vào ban sáng. Chỉ cần đeo cho bé thiết bị thân nhiệt điện tử iTemp, kết nối với app trên điện thoại, những đêm trắng lo cho con bị bệnh cũng trở nên nhẹ nhàng. Khi nhiệt độ của trẻ tăng cao, app sẽ cảnh báo liên tục. Dựa vào đây, cha mẹ sẽ biết lúc nào cần chăm hay cho trẻ uống thuốc hoặc người nhà có thể theo dõi bệnh nhân để có bước xử trí thích hợp.

iTemp là một trong những sản phẩm công nghệ cao của công ty khởi nghiệp iCare của Việt Nam có trụ sở ở tỉnh Đồng Nai thành lập vào tháng 4-2020. Startup này là ngã rẽ cuộc đời của Nguyễn Quang khi công việc kinh doanh bất động sản không còn dễ dàng như trước do dịch bệnh. Những thiết bị y tế công nghệ cao của nước ngoài như đồng hồ hay vòng đeo tay có giá khá mắc gợi cho Quang hướng đi mới. iTemp là sản phẩm công nghệ y tế đầu tiên được ra mắt với giá thích hợp 300.000-400.000 đồng mỗi thiết bị.

Và một iCare ra đời trong thời điểm dịch dã đã xuất hiện trong một chương trình gọi vốn trên truyền hình vào giữa tháng 8 vừa rồi, iCare buộc phải đổi 50% số cổ phần để nhận được 100.000 đô la Mỹ vốn đầu tư. Có nghĩa là, theo đánh giá của một shark, startup thiết bị y tế công nghệ cao iCare giá trị hơn 4 tỉ đồng.

Nhưng dù sao Nguyễn Quang vẫn may mắn nhiều nhà sáng lập startup công nghệ y tế khác. Có những nhà đầu tư “cá mập” đã không thương tiếc buông lời nhận xét “ngáo giá” và “nó bệnh hoang tưởng à” khi có người gọi vốn đòi 1,8 tỉ đồng và chỉ đồng ý 1% cổ phần cho shark.

Bỏ qua kịch tính mà chương trình truyền hình thực tế cố xây dựng theo kịch bản, gạt qua chuyện “cá mập” hứa lèo, chuyện dòng vốn cho các công ty khởi nghiệp health-tech tại Việt Nam luôn là câu chuyện buồn.

Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rằng năm 2021 là “năm thành công của các startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech), thương mại điện tử, ẩm thực, trò chơi điện tử và công nghệ blockchain”. Trong tổng kết sơ bộ, tổng vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong năm qua đạt 1,3-1,5 tỉ đô la, trong đó FinTech luôn tỏa sáng. Rõ ràng nhất là vòng gọi vốn series E đạt 200 triệu đô la của ví điện tử MoMo hôm 20-12.

Trong đại bản doanh của Doctor Anywhere tại Singapore. Ảnh: KrAsia

Chiến lược “xâm lấn” của doanh nghiệp ngoại

Vào Việt Nam từ năm 2019, Doctor Anywhere mang theo mô hình tích hợp trải nghiệm chăm sóc sức khỏe trực tuyến và ngoại tuyến. Doctor Anywhere có các dịch vụ tư vấn sức khỏe, tư vấn thuốc trực tuyến, giao thuốc, lưu trữ và quản lý hồ sơ bệnh án. Ứng dụng này có 200 bác sĩ cơ hữu và liên kết, hai phòng khám tại Hà Nội và TPHCM, hơn 100 nhân viên làm việc với trụ sở đặt tại Hà Nội.

Hiện trung bình mỗi ngày, Doctor Anywhere có hơn 350 ca thăm khám, tăng gấp ba lần so với nửa đầu năm 2020. Cách tiếp cận của Doctor Anywhere cũng khác hẳn các startup khác của Việt Nam.

Từ những ngày đầu, ứng dụng này đã bắt tay với các đơn vị bảo hiểm hàng đầu như Bảo Minh, Bảo Việt và PTI để tiếp cận mảng khách hàng doanh nghiệp. Từ đây, họ mới tiếp cận với người dùng cuối là nhân viên công ty và người thân của họ, bao gồm cả người cao tuổi. Ông Lê Ngọc Hải, CEO Doctor Anywhere Vietnam, nói rằng mảng B2B mang lại 80% doanh thu trên thị trường Việt Nam.

Kết hợp với ví ViettelPay, Doctor Anywhere mở rộng mảng khách hàng cá nhân. Khách của ViettelPay có thể sử dụng các dịch vụ của ứng dụng chăm sóc y tế ngay trên ví điện tử và có thể thanh toán bằng ví này. Doctor Anywhere cũng hợp tác với khoảng 100 bệnh viện, dưỡng đường và phòng khám - chủ yếu là mảng y tế tư nhân tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Thông thường, khách sử dụng dịch vụ thăm khám trực tuyến phải trả chi phí 100.000 đồng/lần - chỉ bằng một phần ba so với chi phí ở Singapore chẳng hạn. Nhưng mùa dịch vừa rồi, Doctor Anywhere tư vấn miễn phí về vaccine Covid-19, về chăm sóc người nhiễm cho các doanh nghiệp. Mùa dịch, Doctor Anywhere đã gấp rút xây dựng đội ngũ giao thuốc riêng, không phụ thuộc vào tài xế công nghệ như trước. Mục tiêu của Doctor Anywhere giai đoạn hậu dịch là trở thành công ty khởi nghiệp y tế số thành công nhất ở thị trường Đông Nam Á và đứng đầu tại Việt Nam.

Hồi tháng 9 vừa qua, khi TPHCM vẫn còn phong tỏa, tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã công bố kế hoạch đầu tư hàng chục triệu đô la cho Insmart - liên doanh y tế số giữa Việt Nam và Malaysia. Insmart là một sàn trung gian liên kết giữa công ty bảo hiểm và đơn vị cung cấp dịch vụ y tế như bệnh viện, phòng khám… Sàn trung gian sẽ xử lý những công việc cho hãng bảo hiểm như đánh giá xem liệu chi phí y tế có phù hợp với các giấy tờ và chế độ thanh toán.

Insmart đồng thời cung cấp rất nhiều dịch vụ cho người tiêu dùng trong đó có bao gồm lên đơn thuốc trực tuyến cũng như làm tham chiếu cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y tế, hồ sơ y tế cá nhân và thông tin y tế thông qua ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Sumitomo nói rằng Insmart có trên 1,5 triệu khách hàng, chiếm 60% thị phần dịch vụ y tế trung gian tại Việt Nam.

Ngay cả chuỗi nhà thuốc tây Pharma City cũng lấn sân sang mảng dịch vụ y tế số trong mùa dịch vừa qua dựa trên mạng lưới nhà thuốc đang mở rộng nhanh chóng.

Giữa dòng chảy phát triển

Số công ty health-tech nổi bật của Việt Nam có bề dày, quy mô gọi vốn và dịch vụ đa dạng trong thời gian qua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chẳng hạn, Docosan chuyên đặt lịch thăm khám đã ghi nhận mức độ tăng trưởng 108% trong bảy tháng đầu năm 2021. Docosan đã gọi thêm được 1 triệu đô la hồi tháng 4 vừa rồi. Nền tảng thăm khám trực tuyến eDoctor cũng đã hút vốn 1,2 triệu đô la vào năm 2020 sau sáu năm hoạt động. BuyMed, startup cung cấp nền tảng bán thuốc sỉ, cũng vừa hoàn thành vòng gọi vốn series A trị giá 9 triệu đô la.

Tốc độ tăng trưởng (scale up) của các công ty này khá chậm bởi dịch vụ “quá đơn lẻ và hơi nhàm”. Hiếm hoi lắm mới có Jio Health đa dạng hơn với dịch vụ bảo hiểm, chẩn đoán xét nghiệm, sức khỏe gia đình và nhà thuốc trực tuyến.

Chưa có nhiều sản phẩm để thu hút người tiêu dùng như iCare hay nói cách khác là bán lúa non khi mới chỉ có iTemp. Không định rõ mô hình, không có nhà lãnh đạo kiêm cổ đông có bản lĩnh và thuyết phục được nhà đầu tư như eDoctor mà các shark đã vạch ra. Trên truyền thông và trên mạng xã hội, các startup Việt khá im hơi lặng tiếng, nhất là trong thời gian phong tỏa vừa qua. Trong khi đó, các startup nước ngoài lại hoạt động sôi nổi với buổi hội thảo tìm hiểu về vaccine Covid-19, chăm sóc người nhiễm hay nghi nhiễm…

Họ cũng không tiếp cận được mảng khách hàng doanh nghiệp và bảo hiểm y tế như Doctor Anywhere hay Insmart. Trong khi đó, thị trường y tế số trong nước lại có thêm các đối thủ nước ngoài khá mạnh như MyDoc, Zenyum và Hello Health Group.

Các nhà khởi nghiệp y tế số Việt Nam luôn thuộc nằm lòng câu chuyện: “Người Việt sẵn sàng móc hầu bao khi mua bất cứ món gì liên quan đến trẻ em và người già, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Người giữ vai trò quyết định các chi tiêu này thường luôn là người vợ”.

Nhưng tiếp cận được người phụ nữ quyền lực ấy thì các startup Việt lại có vẻ kém, sau khi bỏ lỡ mảng thị trường doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới