(KTSG) - Hiện tại, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) hay theo phương thức truyền thống đều đang thực hiện chung một thủ tục hải quan. Tuy nhiên, hàng hóa qua TMĐT (sau đây gọi tắt là “hàng hóa TMĐT”) có những đặc điểm riêng và ngày càng tăng cao, đòi hỏi có những quy định riêng.
Bản Dự thảo Nghị định về quản lý hàng hóa TMĐT (sau đây gọi là “Dự thảo”) hiện đang được thẩm định tại Bộ Tư pháp để chuẩn bị trình Chính phủ xem xét. Dự thảo có những điểm nổi bật, được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa TMĐT.
Xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa TMĐT
Đây là một trong những điểm nổi bật của Dự thảo, theo đó, hàng hóa TMĐT sẽ tách khỏi hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hiện hành và sẽ được quản lý và giải quyết thông quan thông qua hệ thống riêng (sau đây gọi là “Hệ thống”).
Các hệ thống của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trang web TMĐT bán hàng, đại lý làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan, các tổ chức tín dụng (hoặc tương tự) và Cổng thông tin một cửa quốc gia (nơi người khai hải quan khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan) sẽ được kết nối với Hệ thống để phục vụ việc xử lý thông quan và quản lý thông tin có liên quan đến hàng hóa TMĐT(1).
Bằng việc kết nối và cấp quyền truy cập vào Hệ thống cho các chủ thể có liên quan, trách nhiệm cung cấp thông tin được phân chia cho từng chủ thể phù hợp với chức năng, vai trò của họ. Cụ thể, trước khi thực hiện khai hải quan, chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, chủ sở hữu trang web TMĐT bán hàng hoặc doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa được ủy quyền hợp pháp có trách nhiệm gửi thông tin đơn hàng đến Hệ thống; đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa được đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán ủy quyền cung cấp thông tin thanh toán; doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa hoặc đại lý của doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam cung cấp thông tin vận chuyển đến Hệ thống(2).
Các chủ thể sẽ chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin do mình cung cấp, là cơ sở để cơ quan hải quan quản lý, giám sát xuất nhập khẩu trong những việc như xác định mặt hàng; đánh giá, phân tích rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp; áp giá trị hải quan; ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể cung cấp thông tin(3). Chẳng hạn Hệ thống sẽ tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin trên tờ khai hải quan với thông tin về đơn hàng, thanh toán, vận chuyển. Nếu phát hiện không có sự phù hợp, Hệ thống sẽ phản hồi để người khai hải quan sửa đổi, bổ sung thông tin(4).
Vì đặc trưng của phần lớn hàng hóa TMĐT mang tính tiêu dùng đơn lẻ, có giá trị nhỏ, nhiều trường hợp thuộc diện miễn thuế, miễn kiểm tra chuyên ngành nên tờ khai điện tử cũng đơn giản hơn rất nhiều so với tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa thông thường khác. Chẳng hạn, tờ khai hàng hóa nhập khẩu thông thường có tới 96 mục thông tin có thể phải khai báo thì tại tờ khai nhập khẩu hàng hóa TMĐT chỉ tối đa 25 nội dung(5).
Bổ sung thêm đối tượng khai hải quan
Ngoài các đối tượng khai hải quan đã được quy định trong Luật Hải quan(6), Dự thảo bổ sung thêm người khai hải quan mới là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT và chủ sở hữu trang web TMĐT bán hàng. Nếu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT là thương nhân nước ngoài không hiện diện thương mại tại Việt Nam thì thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hoặc người đại diện hợp pháp tại Việt Nam(7).
Đây là quy định phù hợp với bản chất của hoạt động mua bán hàng hóa qua TMĐT, vì mặc dù chủ sở hữu sàn TMĐT hay chủ sở hữu trang web TMĐT không phải là bên bán hay bên mua hay đơn vị vận chuyển, nhưng họ nắm giữ toàn bộ thông tin về giao dịch, như giá cả trên đơn hàng, phương thức thanh toán, đơn vị vận chuyển, thông tin bên bán, bên mua và nhiều thông tin khác.
Đơn giản hóa cách xác định trị giá hải quan
Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường, việc xác định trị giá hải quan cần xem xét rất nhiều yếu tố, như cửa khẩu xuất khẩu (hoặc cửa khẩu nhập khẩu); phương pháp xác định giá bán hàng xuất khẩu, xác định trị giá hải quan hàng nhập khẩu; chi phí bảo hiểm quốc tế và vận tải quốc tế; các chứng từ, tài liệu, số liệu và các yếu tố khác(8).
Còn với hàng hóa TMĐT, người mua (thường là cá nhân tiêu dùng) thanh toán đơn hàng trên cơ sở giá bán niêm yết, nhận các chứng từ xác nhận thanh toán điện tử và hầu như không quan tâm các yếu tố xác định trị giá hải quan. Vì vậy, Dự thảo đã đơn giản hóa trị giá hải quan là giá bán (đối với hàng xuất khẩu) hoặc giá mua (đối với hàng nhập khẩu) ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ, tài liệu khác có giá trị tương đương, có thể bao gồm chi phí bảo hiểm và vận tải (đối với hàng nhập khẩu) hoặc không bao gồm (đối với hàng xuất khẩu)(9).
Miễn quản lý, kiểm tra chuyên ngành và miễn thuế nhập khẩu
Hiện nay, hàng hóa TMĐT có giá trị cao hay thấp vẫn phải tuân thủ các chính sách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành và chịu thuế nhập khẩu như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường và chỉ được miễn kiểm tra chuyên ngành, miễn thuế theo những quy định chung. Theo đó, hàng nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng trở xuống hoặc có số tiền thuế phải nộp từ 100.000 đồng trở xuống sẽ được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng và miễn thuế nhập khẩu(10).
Dự thảo đã kế thừa, quy định miễn kiểm tra chuyên ngành và miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu qua TMĐT xác định theo trị giá hải quan hoặc số thuế phải nộp như nêu trên. Ngoài ra, Dự thảo còn bổ sung miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu đơn chiếc có giá trị hải quan dưới 5.000.000 đồng.
Tuy nhiên, hàng được miễn kiểm tra hay miễn thuế chỉ khi không quá 01 đơn hàng/ngày và không quá 04 đơn hàng/tháng(11). Việc giới hạn đơn hàng này nhằm ngăn chặn tình trạng người mua “lách luật”, chia nhỏ giá trị hàng hóa để “trốn” kiểm tra hay trốn thuế.
Và để tránh nhập khẩu những hàng hóa có nguy cơ gây hại cho cộng đồng, Dự thảo loại trừ quy định miễn trừ kiểm tra chuyên ngành đối với một số loại hàng hóa, như hàng bị quản lý về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe, môi trường, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng đạo đức và thuần phong mỹ tục…
Thủ tục hải quan riêng cho từng nhóm hàng hóa
Dự thảo phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hai nhóm: (1) hàng hóa có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng trở xuống, được miễn giấy phép, miễn kiểm tra chuyên ngành; (2) các hàng hóa còn lại phải chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành(12).
Về cơ bản, thủ tục hải quan của nhóm (1) có sự khác biệt lớn với nhóm (2). Theo đó, chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan ít hơn, đơn giản hơn, được miễn kiểm tra hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Hàng được thông quan sau khi người khai hải quan hoàn thành nghĩa vụ về thuế, lệ phí. Người khai hải quan được khai trên một tờ khai cho nhiều đơn hàng(13). Đây sẽ là quy định có tính thực tế và có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện tốc độ thông quan hàng hóa, nhất là đối với hàng nhóm (1).
Tóm lại, Dự thảo là một bước chuẩn bị quan trọng về hàng rào pháp lý trong bối cảnh TMĐT phát triển nhanh chóng và sẽ chiếm ưu thế trong tương lai không xa. Những điểm mới, tích cực trong quy định về thủ tục hải quan được cho là rõ ràng, đơn giản và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm áp lực cho cơ quan hải quan và người khai hải quan, thuận tiện hơn cho quá trình giao dịch hàng hóa TMĐT.
-----------
(*)Công ty luật Phuoc & Partners
(1) Điều 7.2 Dự thảo
(2)Điều 11, 12, 13 Dự thảo
(3)Điều 21.3, 22.3, 27.3 và 28.3 Dự thảo
(4)Điều 27.3 (b2), 28.3 (b2) Dự thảo
(5)Phụ lục I của Thông tư 39/2018/TT-BTC và Phụ lục X và XI của Dự thảo
(6)Điều 5 Văn bản hợp nhất 46/VBHN-BTC
(7)Điều 4.1 Dự thảo.
(8)Điều 20 Văn bản hợp nhất 46/VBHN-BTC, điều 5 Văn bản hợp nhất 21/VBHN-BTC
(9)Điều 16 Dự thảo.
(10)Điều 22.2 và 22.3 Nghị định 85/2019/NĐ-CP và điều 1.11 Nghị Định 18/2021/NĐ-CP
(11)Điều 14.1 và điều 15.1 Dự thảo
(12)Điều 20, 26 Dự thảo
(13)Điều 21, 27 Dự thảo