Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Để bớt âu lo thi cử

Nguyễn Hoàng Chương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhiều người vẫn chưa quên vụ lùm xùm chuyện đề thi môn sinh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021 có nhiều câu giống với nội dung ôn thi tại lò luyện thi của một thầy giáo trường chuyên ở Hà Tĩnh. Vào lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thành lập tổ công tác liên ngành để xác minh.

Sau sáu ngày làm việc (từ ngày 4 đến 9-8) và biên bản làm việc đã cho thấy đề luyện thi môn sinh ngay trước ngày thi của thầy giáo này giống tới hơn 90% đề thi chính thức và có… dấu hiệu bất thường. Từ đó đến nay, Bộ GD-ĐT giữ im lặng, cho đến khi báo chí lật lại vấn đề này thì một vị lãnh đạo bộ mới lên tiếng hôm 23-12 rằng bộ đang xem xét trách nhiệm về sự bất thường ở đề thi tốt nghiệp.

Học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Lê Vũ

Bộ đã thừa nhận có sự bất thường - điều hoàn toàn không nên có trong một kỳ thi quốc gia rất quan trọng đối với học sinh lớp 12. Ai cũng biết kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm có cả triệu thí sinh dự thi. Khoảng một nửa trong số đó dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, mà với những trường tốp cao, sự cạnh tranh là rất “khốc liệt”, chỉ cần bài thi hơn kém nhau ở một câu hỏi trắc nghiệm, hay một ý nhỏ trong bài làm tự luận là có thể thay đổi kết quả từ đậu thành rớt và ngược lại. Cũng ở kỳ thi vừa qua, dư luận đã một phen cảm thấy “choáng” khi có thí sinh đạt 29 điểm vẫn… trượt đại học!

Không những thế, sự bất thường này còn đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT, cũng như đối với đặc thù thiên chức cao cả của hoạt động giáo dục. Hẳn mọi người vẫn chưa quên vụ gian lận thi cử năm 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, tuy đã được xử nghiêm nhưng nỗi buồn, sự xấu hổ về nó thì thật khó phai, bởi nó đã hằn một “điểm đen” trong việc tổ chức thi cử của ngành giáo dục.

Ấy vậy mà tới vụ đề thi môn sinh nêu trên, sau kết quả bước đầu của tổ công tác liên ngành, sự chậm trễ xác minh tiếp tục khiến nhiều người phải bức xúc, hoài nghi, thắc mắc: “Tại sao bộ im lặng?”.

Học sinh lớp 12 năm học 2021-2022 đang ở trong điều kiện và bối cảnh học tập không như những năm học trước: vấn đề học trực tiếp hết sức phức tạp giữa lúc dịch bệnh vẫn diễn ra tại nhiều địa phương; còn cách học trực tuyến thì vẫn còn nhiều bấp cập. Tâm trạng lo lắng của nhiều người cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới là lẽ tất nhiên, nhất là khi nghĩ tới những dấu hiệu bất thường ở những kỳ thi trước.

Liệu thầy và trò phải dạy và học thi như thế nào đây? Phụ huynh có thể phối hợp thế nào khi mà niềm tin vào việc thi cử vẫn bị thách thức? Cán bộ quản lý ở các trường xây dựng kế hoạch giáo dục ra sao, đặc biệt đối với khối lớp 12, để đáp ứng được nguyện vọng chung và phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị?

Trong những ngổn ngang âu lo ấy, nếu Bộ GD-ĐT vẫn không truy tận gốc để trả lời cho những hoài nghi, bức xúc, và để xử lý nghiêm nếu cần thiết, cũng như có những giải pháp thay đổi tích cực, thì những dấu hiệu bất thường rồi sẽ lặp lại, có khi với mức độ tinh vi và phức tạp hơn.

Nhiều năm làm công tác ra đề thi, coi thi, chấm thi, cá nhân tôi thấy có những khả năng khai thác quan hệ chuyên môn để nắm được hướng ra đề thi, đặc biệt là những câu hỏi khó (dạng câu hỏi vận dụng, vận dụng ở mức độ cao, hoặc dạng câu hỏi lạ, bất ngờ). Những câu này nhằm phân hóa thí sinh, giúp cho khâu xét tuyển đầu vào của các trường đại học tốp cao. Chỉ cần người ra đề và người ôn thi “chung link” thì đề bài ôn luyện sẽ giống với đề thi chính thức!

Hôm 5-10-2021, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2022, cơ bản “giữ ổn định” như năm 2021: Bộ sẽ quy định lịch thi (thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh ở địa phương) và vẫn là Bộ GD-ĐT ra đề thi. Nhân đây, tôi có mấy đề xuất ngoài những giải pháp mà bộ đã nêu.

Một là, tăng số lượng câu hỏi ở ngân hàng câu hỏi thi ngay trong năm nay. Bộ nên giao cho mỗi tỉnh, thành phố, tùy quy mô, biên soạn từ 200-500 câu hỏi cho mỗi môn, và thực hiện hai chế độ “mật” và “bồi dưỡng thỏa đáng” cho người ra đề thi. Việc bổ sung ngân hàng câu hỏi để phù hợp với hoàn cảnh dạy học đã thay đổi: chương trình tinh giản, vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến.

Hai là, nên cho bắt thăm để xác định danh sách cán bộ tham gia hội đồng ra đề thi, theo công việc (lãnh đạo, thư ký, tổ trưởng và các thành viên tổ ra đề thi), như vậy đến giờ G mới biết ai sẽ nhận nhiệm vụ gì. (Tất nhiên là vẫn trên cơ sở danh sách đề nghị từ các tỉnh, thành phố, các trường đại học và phải có tiêu chí để các cơ sở dựa theo đó giới thiệu người có năng lực chuyên môn và đạo đức tốt). Việc này cũng tương tự như việc bắt thăm cán bộ coi thi, giám sát ở mỗi điểm thi. Trước kia, ai cũng lo là sẽ có những bất cập nhưng mấy kỳ thi qua đã cho thấy là việc này dễ thực hiện, lại tăng tính nghiêm túc, tính khách quan. Cũng cần triệu tập và cách ly số thành viên tham gia hội đồng ra đề thi cho sớm để tập huấn, diễn tập và vào trận, kèm theo một chế độ giám sát chặt chẽ để tránh “sự cố”.

Ba là, đề thi bám sát các mức độ nhận biết, thông hiểu nhưng không theo mẫu, không lặp lại kiểu tái hiện kiến thức cũ mà chú trọng kiểm tra năng lực và kỹ năng sáng tạo trước tình huống đặt ra trong đề. Đề thi mà được như vậy thì việc dạy học sẽ dễ đi theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực hơn; việc ôn luyện trước kỳ thi sẽ dần giảm đi cùng với tính tự học của học sinh tăng lên.

Về lâu dài vẫn cần chú trọng nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục trong nhà trường và việc này phải được đánh giá theo quá trình, để tiến đến giao cho các cở sở giáo dục công nhận tốt nghiệp THPT. Việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng là câu chuyện tự chủ của các đơn vị này. Bộ GD-ĐT chỉ giám sát, kiểm tra, thanh tra các kỳ thi.

(*)Cựu Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Bảo lộc, Lâm Đồng)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới