Chủ Nhật, 23/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Không bán lên biên giới, biết bán đi đâu?!

Lê Uy Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc diễn ra cả tháng nay và theo những người trong ngành là còn có thể kéo dài đến Tết. Các nhà quản lý họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp xử lý trước mắt; trong đó có giải pháp… không tiếp tục đưa hàng lên biên giới.

Giải pháp này chắc được nhất trí cao, bởi không tiếp tục dồn hàng về các cửa khẩu nữa là sẽ giảm ùn tắc ngay!

Nhưng, những nông dân, thương lái, và cả doanh nghiệp chuyên đi hàng biên mậu không khỏi lúng túng với “lối thoát” mà nhà quản lý chỉ ra cho họ. Một người bình luận: “Không tiếp tục đưa lên biên giới thì đưa đi đâu? Đây đâu phải mới lần đầu!”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương thì nói rằng bộ “đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường năng lực tiêu thụ ở thị trường nội địa qua các kênh truyền thống như chợ, siêu thị và bằng cả thương mại điện tử”(1).

Sau chỉ đạo này của Bộ Công Thương, tình hình được cải thiện tới đâu chắc sẽ phải chờ xem, nhưng ý kiến bình luận nói trên là đã căn cứ từ những thực tế diễn ra bao nhiêu năm qua. Mỗi khi vào thu hoạch rộ, rau củ quả ùn ứ, thì hầu như luôn lặp lại một “giải pháp” phổ biến - kêu gọi “giải cứu”.

Hết thanh long, dưa hấu, rồi đến khoai lang, hành tím…, những lúc đó đều đã được tiêu thụ theo lời kêu gọi hơn là một giải pháp đúng nghĩa cung-cầu. Chính chợ, siêu thị, kênh bán hàng online cũng đã nhiệt tình “giải cứu” chứ không đợi đến bây giờ được bộ chỉ đạo “tăng cường năng lực tiêu thụ”. Nếu thị trường có nhu cầu tiêu thụ đến mức bao nhiêu hết bấy nhiêu, có lẽ các kênh này đã tăng cường năng lực từ lâu rồi.

Năm nay (thực ra là phải tính luôn năm 2020), một nguyên nhân khiến nông sản ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc đã được nhấn mạnh, đó là do Trung Quốc siết chặt quy định kiểm dịch để phòng chống Covid-19. Thực tế, nguyên nhân vừa nêu chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng ùn ứ, chứ còn câu chuyện này đã diễn ra từ bao lâu nay, đến mức các nhà quản lý cũng coi đây là “đến hẹn lại lên”; chỉ cần tìm kiếm trên công cụ Google là có thể đọc lại những bản tin tương tự của nhiều năm trước.

Như vậy, lý do sát hơn là năng lực thông quan tại cửa khẩu có một mức giới hạn nhất định, vượt quá năng lực là tất nhiên ùn ứ, và tình trạng ùn ứ là đã biết trước chứ không hoàn toàn đột ngột, bất ngờ. Biết trước nhưng tính đến năm nay vẫn phải thực hiện những biện pháp vốn cũng đã được đề ra từ nhiều năm trước. Đó là, không tiếp tục đưa hàng lên biên giới; làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để tăng lượng hàng thông quan, thời gian thông quan…(2)

Thực ra, bên cạnh giải quyết vấn đề trước mắt, các nhà quản lý cũng ngồi lại mổ xẻ những nguyên nhân sâu xa và biện pháp lâu dài. Như tại cuộc họp mới đây giữa Phó thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc...

Còn về giải pháp, Bộ Công Thương nói các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, nông dân phải khẩn trương chuyển đổi phương thức sản xuất, phải theo quy hoạch, kế hoạch và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Sản xuất cái gì phải tính bán cho ai, ở đâu, tuân thủ tín hiệu thị trường…(1)

Có nghĩa, nguyên nhân và giải pháp đã được bộ, ngành thấy hết, biết hết. Đáng nói hơn, những nguyên nhân và giải pháp này được đề cập nhiều lần, mỗi khi xảy ra chuyện ùn tắc nông sản hay rơi vào cảnh phải “giải cứu”.

Những nguyên nhân và giải pháp không nên chỉ dừng lại tại các cuộc thảo luận trong phòng họp như nói trên. Chúng phải được rốt ráo triển khai trong thực tế, dù tất nhiên ai cũng hiểu là không phải ngày một ngày hai là thành công.

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là một đòi hỏi cấp bách đã được nhiều chuyên gia lên tiếng. Ở đó, cần có sự phối hợp của nhà quản lý, nhà khoa học và đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành. Bản thân người nông dân không thể hiểu cặn kẽ thế nào là sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất cái gì, bán cho ai, ở đâu… Họ cần được tập hợp lại thành một khối dưới sự hỗ trợ và dẫn dắt của các tập đoàn sản xuất nông nghiệp lớn hay những hợp tác xã kiểu mới. Có như thế họ mới đủ sức ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào trong nuôi trồng, canh tác, từ đó mới có thể tạo những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, “hiên ngang” đi vào đường xuất khẩu chính ngạch và mở rộng thị trường, thay vì phải đi đường tiểu ngạch và phụ thuộc một thị trường như hiện nay.

----------------

 

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Dân ta rất linh hoạt và chịu khó, chưa khi nào chịu thua cuộc. Chẳng qua là chưa gặp phải thách thức đúng tầm vóc, hoặc chưa chuẩn bị tâm thế đầy đủ. Khó nhất không phải là bán hàng lên biên giới, mà là có nguồn lực hàng hóa tốt và đúng chuẩn hay không ? Bởi lẽ thời buổi này năng lực xuất khẩu của ta đã đi khắp thế giới vài trăm tỷ USD/năm, thị trường năm châu bốn bể, chưa kể thị trường nội địa vẫn còn nhiều dư địa, thì không có lý do gì phải quá lo lắng. Tốt nhất là bình tĩnh tháo gỡ những khó khăn trước mắt, có giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ người dân vượt qua thách thức. Nhưng gì thì gì, từ trên xuống dưới phải tập trung sức để thay đổi tận gốc và toàn diện cung cách làm ăn. “Bán cái gì người ta cần” là đúng, nhưng sẽ ngon ăn hơn nếu “Khi người ta cần ta mới bán” !

  2. Chống lãng phí như thế này là không được. Hỗ trợ doanh nghiệp như thế này cũng không được. Chưa nói đến làm gì để giải quyết cái gốc vấn đề gần như là để nổi mãi. Trước tiên và không đâu xa hãy nhìn qua Thailand xem chính sách hỗ trợ mía đường như thể nào, để thấy chúng ta luôn đồng hành cùng doanh nghiệp hiệu quả chưa.

  3. Chừng nào chưa có công nghiệp chế biến sau thu hoạch, kho bãi bảo quản, quy hoạch sản phẩm trồng theo yêu cầu thị trường… thì tất cả sẽ chỉ là một “tít mù nó lại vòng quanh”… vậy thôi! các quan nói ít thôi, xắn tay lên, cùng ông Bộ trưởng Bộ NN PT NT và các tỉnh ĐBSCL vào cuộc đi…!

  4. Vấn đề ở đây là phải chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch xang xuất khẩu chính ngạch. Để xuất hàng hoá nông nghiệp theo con đường chính ngạch, cần hỗ trợ các nhà sản xuất nhỏ lẻ các công nghệ cần thiết để thực hiện việc truy xuất/xác thực nguồn gốc và các phương tiện thanh toán như L/C. Thông thường chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có khả năng tài chính/con người để trang bị và vận hành các công nghệ và phương tiện thanh toán nói trên. Tuy nhiên với các công nghệ mới hiện nay như Blockchain, các giải pháp cho việc truy xuất/xác thực nguồn gốc , cũng như giải pháp công nghệ để các ngân hàng cấp L/C , có thể thực hiện với chi phí không cao – một khi chi phí đó được chia sẻ bởi nhiều nhà sản xuất/xuất khẩu nhỏ lẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới