(KTSG Online) - Tăng trưởng GRDP của TPHCM năm 2021 giảm 6,78% so với cùng kỳ, không chỉ giảm sâu hơn ước tính trước đó mà còn ghi nhận mức giảm kỷ lục từ trước đến nay.
Theo số liệu tăng trưởng năm 2021 do Cục Thống kê TPHCM công bố ngày 29-12, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố trong năm 2021 ước giảm giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước, giảm sâu hơn so với mức giảm 5,06% tại kỳ ước tính lần 1 vào tháng 9-2021.
Trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản giảm 13,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%, khu vực thương mại dịch vụ giảm 5,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,43%.
TPHCM là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, đặc biệt là biến chủng Delta. Từ đầu tháng 10, TPHCM bắt đầu mở cửa khởi động lại nền kinh tế, nhưng tăng trưởng GRDP trong quí 4 cũng chỉ ước bằng 88,36% so với cùng kỳ.
Các số liệu khác do dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến TPHCM trong năm 2021. Chẳng hạn như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tính giảm 14,3% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 21,9%, tổng vốn đầu tư trên địa bàn giảm 22%. Nguyên nhân được lý giải là vì ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài từ giữa năm 2020 cho đến nay, lực lượng lao động bị đứt gãy, chi phí đầu vào tăng, thói quen tiêu dùng thay đổi.
Thiếu hụt lao động cũng là một vấn đề rất lớn. Thống kê cho thấy tình hình lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tháng 12 tăng 3,7% so với tháng 11, nhưng lại giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lực lượng lao động tính chung cả năm đã giảm 19,9% so với cùng kỳ.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Cục thống kê TPHCM đánh giá kinh tế thành phố vẫn có những điểm sáng sau gần hai tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ (quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh).
Cụ thể, tổng thu ngân sách vẫn tăng 3% so với cùng kỳ, vượt 5,2% so với dự toán. Số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tuy giảm về số lượng dự án nhưng vẫn tăng về quy mô vốn. Dưới tác động của Covid-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nhưng cũng có nhiều lĩnh vực vẫn tăng trưởng tốt, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, chẳng hạn như nhóm thông tin và truyền thông, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ,…