(KTSG Online) – Các ông lớn ngân hàng quốc doanh đồng loạt gia nhập cuộc đua “miễn phí giao dịch”, đẩy cuộc chơi huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thêm sôi động.
Bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất trong hệ thống mới đây bất ngờ cùng lúc đẩy mạnh chương trình không thu phí khách hàng giao dịch trên các ứng dụng số.
Vietinbank công bố sẽ áp dụng mở rộng chính sách miễn phí “vô điều kiện” cho tất cả các khách hàng trên kênh VietinBank iPay từ đầu năm 2022. Các loại phí “0 đồng” bao gồm phí chuyển khoản, phí duy trì tài khoản, phí duy trì dịch vụ, biến động số dư hay phí phát hành thẻ.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Vietcombank phát đi thông cáo miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank, kênh ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân của Vietcombank vào hồi đầu tuần. Tương tự, BIDV cũng công bố chính sách miễn phí hoàn toàn cho khách hàng giao dịch trên kênh số.
Trước đó, hồi tháng 5, Agribank bắt đầu triển khai chương trình miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, áp dụng đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có tài khoản thanh toán tại Agribank, giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử và tại quầy.
Theo Agribank, việc đưa chính sách miễn phí giao dịch nằm trong xu hướng hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch Covid-19 và ủng hộ xu hướng thanh toán không tiền mặt mà Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực đẩy mạnh. Tương tự, BIDV trong thông cáo cho biết chính sách miễn phí không chỉ để hỗ trợ cho khách hàng trong đại dịch Covid-19, mà còn để ủng hộ chủ trương chuyển đổi số quốc gia và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
Khuyến mãi phí giao dịch cho khách hàng đang dần trở thành trào lưu. Sau khi nhóm ngân hàng “big 4” công bố chính sách mới, mới đây có thêm ngân hàng Bản Việt cũng cho biết sẽ miễn phí các dịch vụ trên kênh ngân hàng số mà không cần điều kiện kèm theo.
Trước đó, năm 2020, Ngân hàng Bản Việt đã miễn giảm phí chuyển tiền như nhiều ngân hàng khác. “Với chính sách về phí và bắt kịp xu hướng của thị trường, số lượng và giá trị giao dịch trên kênh ngân hàng số năm 2021 tăng gần 3 lần so với năm trước”, đại diện Bản Việt cho biết.
Trên thực tế, chính sách phí “0 đồng” này không phải là mới, mà đã được nhiều ngân hàng tư nhân thực hiện từ lâu. Dù vậy, chính sách khuyến mãi đa phần chỉ là miễn phí các giao dịch chuyển tiền, hoặc miễn, giảm nhiều loại phí nhất định khác, tuy nhiên một số kèm theo điều kiện cụ thể như số dư tối thiểu, hay nằm trong gói dịch vụ nhất định. Một số ngân hàng hoạt động theo mô hình ngân hàng số sau này cũng đi theo hướng miễn phí giao dịch ngay từ đầu để hấp dẫn khách hàng.
Để miễn phí giao dịch cho khách hàng, các nhà băng sẽ phải đánh đổi đáng kể về mặt chi phí, nhưng đồng thời cũng đem lại một lợi thế lớn trên khía cạnh kinh doanh.
Bên cạnh việc người dùng được hưởng lợi vì giao dịch không mất phí, ngân hàng cũng được lợi theo vì khách hàng có xu hướng để tiền trong tài khoản thanh toán để chờ giao dịch. Ngân hàng trả lãi cho số dư nằm trong tài khoản thanh toán là rất thấp, có khi quanh mức 0,1-0,2%/năm giúp giảm chi phí vốn của nhà băng đáng kể.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) này do đó là mục tiêu mà nhiều ngân hàng hướng đến trong thời gian qua. Trong kỳ đại hội thường niên trong 2 năm trở lại đây, câu chuyện CASA cũng được các lãnh đạo nhà băng chia sẻ nhiều hơn, bao gồm việc tối ưu hóa chi phí vốn, đa dạng hóa thu nhập và mở rộng dịch vụ hệ sinh thái.
Tính đến quí 3-2021, Techcombank dẫn đầu về tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi (khoảng 49%), tiếp theo sau là MB (40,3%) và Vietcombank (khoảng 31,9%), theo số liệu của MBS. Techcombank cũng nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân đầu tiên giới thiệu khái niệm “phí 0 đồng” đến thị trường từ năm 2016.
Trên thực tế, tỷ lệ CASA tổng thể trên thị trường hiện đang tăng nhanh trong thời gian qua. Tỷ lệ CASA trong năm nay có thể đạt 19,9% và tăng lên đến 23,2% trong năm sau, theo dự báo của Fiinpro và Công ty chứng khoán BSC.
Một lý do quan trọng là vì mặt bằng lãi suất ở mức thấp trong thời gian qua, khiến một phần lớn tiền gửi kỳ hạn dài đã được chuyển qua tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn ngắn có mức lãi suất thấp hơn, theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS.
Theo thống kê của VNDirect, chi phí vốn trung bình của các ngân hàng quốc doanh niêm yết trong 9 tháng đầu năm giảm 56 điểm cơ bản, còn các ngân hàng tư nhân niêm yết giảm 106 điểm cơ bản. “Những ngân hàng có lợi thế chi phí vốn dựa trên tỷ lệ CASA cao hoặc ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt, đều đã duy trì hoặc mở rộng NIM đáng kể trong 9 tháng đầu năm”, báo cáo VNDirect nhận định.
Ngoài ra, các dịch vụ ngân hàng số mới nở rộ và tăng nhanh trong hai năm trở lại đây, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng góp phần tăng đáng kể CASA. Từ tháng 3 đến tháng 10 năm nay, đã có hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở theo hình thức eKYC (định danh trực tuyến), giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngay lập tức, còn nhà băng thì có thêm nguồn vốn giá rẻ dồi dào.
Dù vậy, khi chính sách miễn phí trở nên đại trà, người dùng cũng sẽ dần thờ ơ. Khi đó, thị trường cần thêm những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tốt thì mới có thể giữ chân khách hàng, giữ lại dòng vốn giá rẻ.
Nhiều ngân hàng hiện nay tập trung vào việc phát triển đa dịch vụ trên một nền tảng số của ngân hàng, khách hàng có thể được miễn phí dịch vụ này nhưng được bù đắp khi sử dụng dịch vụ khác trên cùng một hệ sinh thái. Cuộc đua CASA vì thế sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Miễn phí giao dịch chỉ là câu chuyện bề nổi của dịch vụ ngân hàng. Đó là chuyện nhỏ. Nhiệm vụ chính của ngân hàng là mang lại cơ hội và lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và bất lợi cho khách hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế. Chỉ khi nào khách hàng sẵn sàng trả tiền xứng đáng cho những gì ngân hàng mang đến cho họ, và nền kinh tế sẵn sàng cất cánh khi có một hệ thống ngân hàng mạnh cùng đồng hành. Đó mới là chuyện lớn trong năm 2022.