Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Qua thời đỉnh cao CASA?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(PTNH) - Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020 và 2021, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của hệ thống ngân hàng nói chung và các ngân hàng nói riêng đã bắt đầu đi xuống từ năm 2022 cho đến nay. Dù vẫn còn cơ hội để cải thiện tỷ lệ này trong những năm tới, nhưng dường như thời đỉnh cao của CASA đã qua đi.

Techcombank chỉ là một trong những nét chấm phá nổi bật trong bức tranh CASA của toàn ngành ngân hàng trong thời gian qua. Ảnh: T.L

Giảm nhanh trong hơn một năm qua

Từ đỉnh cao hơn 50% vào cuối năm 2021, tỷ lệ CASA của Techcombank cuối năm 2022 chỉ còn hơn 34%, rồi tiếp tục giảm xuống còn quanh 30% tính đến cuối quí 1-2023. Theo đó, số dư CASA cũng chứng kiến xu hướng đi xuống nhanh, khi từ mức gần 158.900 tỉ đồng vào cuối năm 2021 xuống còn 118.200 tỉ đồng vào thời điểm cuối tháng 3-2023, tương ứng tốc độ giảm hơn 25% chỉ trong vòng hơn một năm.

Techcombank chỉ là một trong những nét chấm phá nổi bật trong bức tranh CASA của toàn ngành ngân hàng trong thời gian qua. Thống kê dữ liệu khảo sát từ 28 ngân hàng có công bố thông tin cho thấy, tổng CASA của các ngân hàng này đã giảm ròng xấp xỉ 177.000 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm 2023, tương ứng tốc độ giảm 10,5%, trong đó có đến 27/28 ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm.

Những ngân hàng từng dẫn đầu về cuộc đua CASA không thể tránh khỏi xu hướng chung này. Ngoài Techcombank đã nói ở trên, MBBank cũng chứng kiến CASA giảm gần 17.700 tỉ đồng trong quí 1-2023, tương đương giảm 10,6%, đưa tỷ lệ CASA về chỉ còn 33% . Dù vậy, sự sụt giảm quá nhanh của Techcombank trong năm 2022 đã giúp tỷ lệ 33% này của MBBank (tuy cách xa thời đỉnh cao cũng của chính MBBank lên tới 45% vào cuối 2021) vươn lên cao nhất hệ thống.

Nếu như thời điểm cuối quí 1-2022, lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân đạt đỉnh cao hơn 1,05 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 18,6% tiền gửi của dân cư và 9,2% tổng tiền gửi, thì đến cuối năm 2022 chỉ còn 861.405 tỉ đồng. Theo đó, tỷ trọng trong tiền gửi của dân cư cũng giảm xuống còn 14,7% và so với tổng tiền gửi giảm xuống còn 7,3%.

Trong khi đó tại Vietcombank, ngân hàng luôn dẫn đầu hệ thống về số dư tuyệt đối CASA, cũng cho thấy lượng sụt giảm gần 34.000 tỉ đồng trong ba tháng đầu năm 2023. Tương tự, BIDV và VietinBank giảm lần lượt 33.200 tỉ đồng và 20.400 tỉ đồng, nằm trong nhóm ba ngân hàng có số dư tuyệt đối giảm nhiều nhất.

Có thể thấy những ngân hàng từng có quy mô CASA thuộc tốp đầu cũng là những ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong xu hướng sụt giảm CASA hơn một năm qua. Hiện chỉ còn chín ngân hàng có tỷ lệ CASA trên mức 15%, trong khi có đến 14 ngân hàng dưới mốc 10%.

Nguyên nhân sụt giảm

Theo số liệu cập nhật từ trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, trong khi tiền gửi của dân cư tăng mạnh 7,08% so với cuối năm 2022, đạt hơn 6,28 triệu tỉ đồng tính đến cuối quí 1-2023, thì ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh 4,87%, còn hơn 5,66 triệu tỉ đồng. Thông tin này càng tô đậm nét cho bức tranh CASA đang ảm đạm.

Về cơ bản, CASA của các ngân hàng chủ yếu là các khoản tiền gửi thanh toán, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là tiền gửi thanh toán, ký quỹ của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn từ nửa cuối năm ngoái đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nên tiền gửi của các tổ chức giảm, mà phần lớn là tiền gửi thanh toán không kỳ hạn, cũng không có gì lạ.

Yếu tố tác động thứ hai là trong cuộc cạnh tranh ngân hàng số, ngân hàng điện tử thời gian gần đây, các ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ trực tuyến, trong đó dịch vụ tiền gửi trực tuyến đã ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều ngân hàng hiện nay có chính sách tiền gửi tiết kiệm trực tuyến lãi suất sẽ cao hơn khi gửi tại quầy, cộng thêm việc chuyển dịch từ tiền gửi thanh toán qua tiết kiệm trực tuyến dễ dàng và nhiều tiện ích, nên lượng CASA có xu hướng giảm dần là tất yếu.

Ngoài ra, trước việc hai kênh đầu tư phổ biến là chứng khoán và bất động sản không còn mấy hấp dẫn, nhiều khách hàng trước đây luôn giữ tiền ở tài khoản thanh toán để tìm kiếm cơ hội giải ngân bất cứ khi nào, thời gian qua cũng chuyển dịch sang gửi tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay ở mức rất cao. Đặc biệt, việc chênh lệch lãi suất giữa không kỳ hạn, kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài mở rộng lên rất nhiều càng thúc đẩy sự dịch chuyển từ tiền gửi thanh toán sang tiền gửi tiết kiệm mạnh mẽ hơn.

Điều quan trọng hơn là theo Thông tư 04/2022 của NHNN, kể từ ngày 1-8-2022, người gửi tiền rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm thì chỉ riêng phần rút trước hạn mới chịu lãi suất không kỳ hạn, phần tiền gửi còn lại sẽ được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất ban đầu. Quy định này đã khuyến khích khách hàng thay vì luôn phải duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn để đáp ứng các nhu cầu chi trả, thanh toán, giờ đây sẽ chuyển tất cả sang có kỳ hạn và khi cần tiền thanh toán thì chỉ cần rút trước hạn đúng lượng tiền đang cần.

Cũng theo dữ liệu từ NHNN, nếu như thời điểm cuối quí 1-2022, lượng tiền gửi thanh toán của cá nhân đạt đỉnh cao hơn 1,05 triệu tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 18,6% tiền gửi của dân cư và 9,2% tổng tiền gửi, thì đến cuối năm 2022 chỉ còn 861.405 tỉ đồng, giảm 18% so với thời điểm quí 1-2022. Theo đó, tỷ trọng trong tiền gửi của dân cư cũng giảm xuống 14,7% và so với tổng tiền gửi giảm xuống còn 7,3%.

Xu hướng sắp tới

Định hướng thanh toán không dùng tiền mặt vẫn được đẩy mạnh triển khai và đang ngày càng phổ biến hơn, khuyến khích các tổ chức, người dân giảm nắm giữ tiền mặt và tích cực thanh toán, mua sắm qua các ứng dụng, nền tảng trực tuyến như ngân hàng số, ví điện tử, quét mã QR, tiền di động…, cũng giúp ngân hàng tiếp tục thu hút tiền gửi thanh toán.

Bên cạnh đó, với chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các ngân hàng có mạng lưới rộng khắp, mở rộng đại lý ngân hàng hoặc có hệ thống ngân hàng số phát triển mạnh mẽ, mà có thể phủ rộng hoạt động về các vùng sâu, vùng xa, thì cũng có thể phát triển thêm được số dư tiền gửi thanh toán.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng các hoạt động thanh toán hiện nay, đặc biệt ở mảng dịch vụ công, gần như đã đến giai đoạn bão hòa. Đơn cử như ở dịch vụ chi lương điện tử, nhiều doanh nghiệp nhà nước, tư nhân ở các tỉnh, thành đã sử dụng sản phẩm, nên các ngân hàng chỉ có thể cạnh tranh bằng cách lôi kéo khách hàng của nhau khi miếng bánh khó mở ra thêm.

Đáng lưu ý là việc cạnh tranh thu hút tiền gửi thanh toán của các ngân hàng trong những năm qua chủ yếu dựa vào các chính sách miễn, giảm phí để lôi kéo khách hàng của nhau, chứ ít có thêm công cụ nào khác. Cạnh tranh theo cách như vậy sẽ khó có thể duy trì về lâu dài, vì ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của các ngân hàng.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với các nền tảng ví điện tử của các công ty công nghệ tài chính (FinTech), vốn cung cấp những dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện lợi hơn rất nhiều và cũng thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, giảm giá, khi chiến lược của nhiều công ty trong số này là “đốt tiền” để lấy được người dùng, với nguồn tài chính dồi dào nhờ các đợt gọi vốn thành công từ các quỹ đầu tư quốc tế và các tập đoàn tài chính đa quốc gia.

Vì vậy, dù vẫn còn có cơ hội thu hút thêm nguồn tiền gửi thanh toán để cải thiện tỷ lệ CASA trong giai đoạn tới, nhưng có lẽ nhiều ngân hàng khó có thể quay lại thời kỳ đỉnh cao như giai đoạn trước - giai đoạn mà tỷ trọng CASA có thể chiếm đến non nửa trong tổng số dư tiền gửi từ khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới