Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp ‘hạt nhân’ của chuỗi cung ứng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ cần hướng nguồn lực tới những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và các khu vực khác của nền kinh tế hoặc doanh nghiệp đóng vai trò “hạt nhân” của chuỗi cung ứng để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội.

Chia sẻ với KTSG Online, PGS. TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân – khuyến nghị Chính phủ tăng tỷ trọng các chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiết giảm dần chính sách hỗ trợ về tiền tệ trong bối cảnh nhiều quốc gia có xu hướng thu hẹp các giải pháp nới lỏng tiền tệ.

Nền kinh tế trước áp lực lạm phát và lãi suất

KTSG Online: Động thái thu hẹp các giải pháp nới lỏng tiền tệ của một số ngân hàng trung ương lớn và chính phủ nhiều quốc gia sẽ tác động như thế nào tới kinh tế Việt Nam năm 2022, thưa ông?

- PGS. TS Tô Trung Thành: Động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát của chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTƯ) các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ sẽ tạo ra một số tác động đến kinh tế, tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

PGS. TS Tô Trung Thành. Ảnh: NVCC.

Với Việt Nam, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn. Cụ thể, lãi suất đồng đô-la Mỹ tăng có thể làm gia tăng tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trong bối cảnh tỷ lệ nợ nước ngoài bằng đồng đô-la của nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ nước ngoài.

Nợ công gia tăng sẽ thu hẹp không gian tài khóa, nhưng tác động này không quá lớn do cơ cấu nợ công những năm gần đây đã giảm dần tỷ trọng vay nợ nước ngoài và hiện chỉ chiếm 1/3 tổng dư nợ công trong nước.

Không gian tiền tệ sẽ chịu tác động mạnh hơn vì hai lý do sau.

Thứ nhất, lãi suất đô-la Mỹ có xu hướng tăng khiến NHTƯ các nước, bao gồm Việt Nam có xu hướng tăng lãi suất, hoặc chí ít cũng khó có thể giảm sâu lãi suất. Điều này khiến quá trình tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế khó khăn hơn.

Thứ hai, tỷ giá đô-la Mỹ có xu hướng tăng có thể ảnh hưởng đến lạm phát trong nước qua việc nhập khẩu lạm phát. Vì vậy, chính sách nới lỏng tiển tệ trong nước phải cẩn trọng hơn để ổn định vĩ mô.

Để hỗ trợ kinh tế trong nước hồi phục trong bối cảnh thế giới thu hẹp các giải pháp nới lỏng tiền tệ, Việt Nam cần dựa chủ yếu vào chính sách tài khóa và tiết giảm dần hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ.

KTSG Online: Vậy các chính sách hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ nên được thiết kế ra sao nhằm hài hoà hai mục tiêu: hỗ trợ tích cực doanh nghiệp và nền kinh tế, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát?

- Trong tình hình hiện nay, để đạt được các mục tiêu vừa hồi phục kinh tế, vừa ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, chúng ta cần quán triệt ba quan điểm cơ bản sau khi đưa ra các chính sách.

Thứ nhất, các chính sách cần tập trung vào mục tiêu hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”, thay vì “ứng phó với Covid-19”. Ngoài ra, chỉ tập trung tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch.

Định hướng này phù hợp với chiến lược hiện tại của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thay vì chiến lược “Không Covid-19” như trước đây.

Thứ hai, các chính sách tài khóa và tiền tệ cần hướng các giải pháp cũng như nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến các doanh nghiệp, các khu vực khác của nền kinh tế và các doanh nghiệp hạt nhân của các chuỗi cung ứng do dư địa chính sách dần thu hẹp.

Điều này sẽ tạo điều kiện để tạo cầu lao động, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua doanh nghiệp, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người lao động.

Thứ ba, bám sát mục tiêu giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, hệ thống tài chính tiền tệ an toàn thì nền kinh tế mới có thể hồi phục và phát triển một cách bền vững.

Giảm gánh nặng thuế khoá

KTSG Online: Với những nguyên tắc trên, ông có thể chia sẻ những khuyến nghị cụ thể với hoạt động xây dựng và điều hành chính sách tài khóa những năm tới?

- Chính sách tài khóa phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất vì tác động của thế giới đến không gian tài khóa của Việt Nam không đáng kể. Ngoài ra, các cân đối lớn của nền kinh tế đang ở trong ngưỡng an toàn.

Vì vậy, Chính phủ có thể tăng hỗ trợ tài khóa lên khoảng 5-6% GDP trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới đây.

Hiện quy mô hỗ trợ tài khóa của Việt Nam còn khá thấp so với thế giới, chỉ chiếm khoảng 3% GDP, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia mới nổi là hơn 5% GDP. Còn ở các quốc gia phát triển, tỷ lệ này là hơn 10% GDP, theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Đầu tư, sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu giúp các địa phương miền Trung có kết quả phát triển kinh tế khả quan trong năm 2021. Ảnh: Nhân Tâm

Việc mở rộng hỗ trợ tài khóa cần hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào hai khó khăn lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Theo đó, cần thay thế các chính sách thuế dựa trên thu nhập như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các công cụ tài khóa để giảm chi phí cho doanh nghiệp, như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở mức cao hơn và bao phủ nhiều đối tượng hơn.

Ngoài ra, Chính phủ có thể kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, giảm tiền thuê đất và bổ sung đối tượng được gia hạn.

Bên cạnh đó cần tạm dừng hoặc giảm đóng bảo hiểm xã hội, tạm dừng hoặc giảm kinh phí công đoàn và cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí này để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Một số giải pháp khác cũng cần được thực hiện, gồm giảm cước và chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt; giảm giá và giảm tiền điện, nước, viễn thông, miễn, phí dịch vụ thanh toán điện tử.

Để các hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả cao, các chính sách hỗ trợ phải rõ ràng và minh bạch về thủ tục, đối tượng thụ hưởng. Thêm vào đó, cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các hỗ trợ.

KTSG Online: Như vậy dịch bệnh là một cơ hội để Việt Nam cải cách chính sách tài khóa theo hướng bền vững hơn?

- Đúng vậy. Chính phủ cần cải cách hệ thống thuế theo hướng giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định. Trong đó, cân bằng phải được coi là quan điểm chủ đạo.

Về chi, cần cơ cấu lại chi ngân sách hà nước theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển.

Với nợ công, việc quản lý nợ phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, kỷ luật, giám sát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và đánh giá theo kết quả đầu ra, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

KTSG Online: Với chính sách tiền tệ, ông có khuyến nghị gì?

- Dự địa chính sách tiền tệ có xu hướng thu hẹp khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế thấp, áp lực lạm phát gia tăng, các nước trên thế giới có động thái thu hẹp nới nỏng tiền tệ. Còn các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung ít có tác dụng trong khi dễ dẫn đến rủi ro lạm phát và bất ổn vĩ mô.

Vì vậy, quy mô và công cụ hỗ trợ tiền tệ trong thời gian tới có thể giữ như hiện nay, nhưng cần tập trung vào một số vấn đề sau.

Thứ nhất, chú trọng vào việc hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản.

Thứ hai, tập trung cải thiện về thể chế, giảm thiểu các thủ tục để gia tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ cung tiền, nhưng cần cho phép nới lỏng chỉ tiêu tín dụng ở các ngân hàng có chỉ tiêu an toàn cao như đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu thấp. Việc này giúp tăng cường các dòng vốn tín dụng có chất lượng cho nền kinh tế.

Thứ tư, xem xét điều chỉnh lùi thời hạn tạm thời với các quy định về các tỷ lệ an toàn của hệ thống ngân hàng và quy định về cơ cấu lại nhóm nợ để các ngân hàng có thể mở rộng hỗ trợ cho nền kinh tế đến khi đại dịch được kiểm soát và tiềm lực của doanh nghiệp, ngân hàng đã vững hơn.

KTSG Online: Nợ xấu của nền kinh tế có xu hướng gia tăng trong gần 2 năm qua do tác động dịch bệnh, ông có giải pháp gì để kiểm soát nợ xấu và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh mới?

- Dịch Covid-19 khiến tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế, cũng là nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cao, đặt ra những thách thức lớn trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Để giải quyết vấn đề này, cần một số giải pháp cơ bản.

Về cơ chế xử lý nợ xấu, Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sắp hết hiệu lực sau 5 năm thực thi. Như vậy, cơ chế xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ không được ưu tiên áp dụng cơ chế hiện nay.

Điều này khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống sẽ rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn.

Vì vậy, cần cho phép kéo dài hiệu lực thi hành Nghị quyết 42 hoặc ban hành luật mới về xử lý nợ xấu, tạo khung pháp lý hiệu quả hơn để xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, cần cân nhắc việc mở cửa thị trường nợ xấu, thành lập sàn giao dịch nợ. Đồng thời, hoàn thiện thể chế và quy định về hoạt động mua bán và giao dịch nợ, tạo cơ chế thanh lý nợ xấu hiệu quả.

Bên cạnh những phần việc này, cần thành lập các tổ chức quản lý thị trường để giám sát thị trường hoạt động minh bạch, công khai, hiệu quả, chặt chẽ.

Chính phủ, NHNN cũng nên xem xét lùi thời hạn tạm thời về cơ cấu lại nhóm nợ để các TCTD và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, khi hết thời hạn cơ cấu lại nợ, các khoản nợ xấu thực chất có thể sẽ bộc lộ nên TCTD cần chủ động đánh giá lại rủi ro có thể phát sinh và trích lập dự phòng đầy đủ.

Ngoài ra, các TCTD cần tập trung tín dụng vào khu vực sản xuất có khả năng hồi phục tốt, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các khu vực có rủi ro cao như bất động sản hay chứng khoán.

Về hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và phát triển là điều kiện quan trọng nhất để có thể giảm được nợ xấu. Vì vậy, các chính sách tài khóa và tiền tệ, cần tập trung các hỗ trợ mạnh mẽ vào khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng hồi phục và có tính lan tỏa cao.

KTSG Online: Khu vực dịch vụ đã chịu những thiệt hại nặng nề sau 2 năm dịch bệnh, khiến nền kinh tế thiếu một động lực tăng trưởng. Chính phủ cần có sự hỗ trợ như thế nào để giúp khu vực này phục hồi, thưa ông?

- So với các ngành khác, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch là những ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dễ bị tổn thương nhất do đặc tính di chuyển, tiếp xúc của khách hàng. Điều kiện tiên quyết để các ngành này có thể hồi phục là phải khống chế được đại dịch Covid-19, gỡ bỏ được các biện pháp giãn cách xã hội.

Hiện chúng ta đã chấp nhận “sống chung với COVID-19” và gia tăng tốc độ tiêm chủng vaccine, vì vậy cần mở cửa dần các ngành này thông qua “hộ chiếu vaccine” và giảm thiểu điều kiện cách ly với khách quốc tế. Ngoài ra, cần thiết kế những hình thức tương tự cho khách nội địa như “thẻ xanh” để họ được tới các địa điểm du lịch đã kiểm soát được dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù thích ứng với đại dịch, gồm du lịch ngắn ngày với khoảng cách gần; du lịch nghỉ dưỡng tại các khu vực có không gian độc lập; du lịch gói gọn và thiết kế riêng cho các nhóm khách hàng để đảm bảo an toàn; các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, công nghệ số.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, Chính phủ cần có một số hỗ trợ đặc thù. Cụ thể, có chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho các lao động trong ngành do họ tiếp xúc gần và thường xuyên với khách hàng. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho lao động, đảm bảo tuân thủ 5K, chủ động thích ứng nhanh chóng với những thay đổi về quy định phòng chống dịch bệnh ở các địa phương theo quy định hiện nay.

Ngoài ra, cần giảm các chi phí chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp như giá điện, tiền thuê đất, chi phí cấp phép kinh doanh...

Bên cạnh đó, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp khi cần vốn vay để xây dựng, sửa chữa các cơ sở hay khu du lịch đang dần xuống cấp sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh.

KTSG Online: Với đầu tư công, cần cải thiện yếu tố gì để lĩnh vực này thực sự trở thành trụ cột ‘kéo’ tăng trưởng kinh tế?

- Trong bối cảnh khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn thì đầu tư công được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng, đồng thời là “vốn mồi” để lan toả đến khu vực doanh nghiệp.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần cập nhật, tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch để điều chuyển cho các dự án quan trọng. Ngoài ra, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thông qua tháo gỡ các nút thắt thể chế và tạo cơ chế đặc thủ để tập trung vào các dự án lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, có tính kết nối cao, liên kết vùng, có tính lan tỏa cao như các dự án giao thông, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, viễn thông, chuyển đổi số.

Bên cạnh việc với thúc đẩy đầu tư công, cần xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo việc giải ngân nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, nhưng tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Cảm ơn ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới