(KTSG Online) - Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP). Bộ Công Thương làm đầu mối triển khai kế hoạch này.
Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện hiệp định cho các đối tượng liên quan, nhất là các đối tượng có thể chịu tác động như cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương, các thành phần lao động khác.
Việc phổ biến, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả hiệp định.
Các bộ ngành, địa phương xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ nông dân phù hợp với các cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ cho những ngành hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực hiện hiệp định.
Thiết lập đầu mối thông tin về Hiệp định RCEP tại Bộ Công Thương để cung cấp thông tin, hướng dẫn, làm rõ các nội dung cam kết và các vấn đề liên quan đến hiệp định.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình phát triển thị trường, chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam; thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững…
Bộ Công Thương chủ trì theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch này. Đồng thời, kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của bộ, ngành, địa phương, từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ, nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
Việc đào tạo kỹ năng chuyên sâu cho doanh nghiệp, nghiên cứu và khai thác thị trường thành viên; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp từ các nước đối tác tham gia Hiệp định RCEP… cũng nằm trong kế hoạch này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký là 4-1-2022.
Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand ký kết vào ngày 15-11-2020 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.
Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký ASEAN.
Đến ngày 2-11-2021, đã có 6 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của nước mình cho Tổng thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1-2022 sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.