Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Rồi sẽ như hoa xuyên tuyết

Đoàn Khắc Xuyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Như một cơn ác mộng, bốn tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt (từ tháng 6 đến tháng 9-2021) đã biến Sài Gòn từ một thành phố nắng ấm sôi động thành một thành phố như đông cứng, tê dại dưới lớp tuyết dày. Sự sống như ngưng đọng, thoi thóp dưới bàn tay phù thủy độc ác nào đó.

Từ chợ búa, công sở, trường học, nhà thờ, chùa chiền, nhà hàng, quán xá, điểm vui chơi giải trí cho đến nhà riêng… cửa đóng im ỉm. Đường phố vắng hoe, lác đác mới có bóng người, bóng xe cộ vội vã lướt qua như những bóng ma. Ở đầu nhiều con phố, ngõ hẻm dựng lên những hàng rào kẽm gai, rào chắn sơ sài, dây giăng đủ loại. Dù là “vùng đỏ” hay “vùng xanh” thì người dân trong đó cũng bị cách ly với bên ngoài, theo chủ trương từ trên đưa xuống “ai ở đâu ở yên đó”. Im ắng phủ trùm cả thành phố, ngoại trừ tiếng còi xe cấp cứu chốc chốc lại vang lên, rền rĩ, ám ảnh đến rợn người.

Cả thành phố như một đô thị bỏ hoang. Ở các trung tâm cách ly, các bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực là một cuộc chiến đấu căng thẳng nhằm giành giật sự sống cho hàng chục ngàn bệnh nhân Covid-19, mà nhiều người thậm chí không được chăm sóc, chữa trị bởi bệnh viện và lực lượng y tế quá tải, phương tiện chữa trị (như oxy, thuốc men) thiếu thốn.

Chỉ trong mấy tháng, một thành phố gần 10 triệu dân đã phải chịu một đại tang với gần 20.000 người chết vì Covid, chết cô độc không có người thân bên cạnh vào những giây phút cuối và chỉ trở về nhà sau đó trong những hũ tro cốt. Và nữa, hàng chục, hàng trăm ngàn công nhân lao động quê ở các tỉnh, không sống nổi trong những ngày mất việc làm cũng như sợ hãi trước sự đe dọa của dịch bệnh đã lũ lượt rời bỏ thành phố về quê bằng đủ mọi cách, mọi phương tiện, tạo nên lắm cảnh thương tâm.

* * *

Ấy vậy mà, chỉ cần thay đổi chiến lược chống dịch, chỉ cần chuyển từ Zero Covid sang sống chung an toàn, linh hoạt với SARS-CoV-2 từ tháng 10, Sài Gòn như bừng tỉnh và dần lấy lại sức sống dù chưa phải 100%. Những thanh âm quen thuộc dần trở lại. Hàng quán bắt đầu mở lại, dù khách chưa đông do vẫn còn lo sợ lây nhiễm và có đến quán người ta vẫn không quên 5K để ngăn ngừa lây nhiễm.

Có việc đi vài nơi trong thành phố, tôi đã bắt gặp trên nhiều con đường cảnh tượng người dân sửa chữa, sơn phết lại cửa hàng, cửa hiệu, chuẩn bị trở lại kinh doanh, làm ăn. Có nơi người ta đập nhà cũ đi để xây mới. Tất cả đều nói lên sức sống mãnh liệt không gì khuất phục nổi của thành phố này, một thành phố mà lịch sử hơn 300 năm đã chứng kiến và vượt qua biết bao thăng trầm, thử thách. Nó cũng nói lên niềm tin vào tương lai, niềm tin rằng dịch bệnh rồi sẽ phải lùi bước, sớm hay muộn.

Nói gì đâu xa, ngay trong những ngày dịch Covid-19 bi thảm còn hoành hành, khi từng đoàn xe chở quan tài người qua đời vì dịch nối tiếp nhau vào khu hỏa táng Bình Hưng Hòa, thì giữa giờ tuyệt vọng, người dân thành phố đã nghĩ ra nhiều cách tương trợ nhau để giúp nhau vượt qua sự đe dọa của dịch bệnh và giữ vững niềm tin.

“ATM oxy” tiếp sức cho bệnh nhân cách ly tại nhà là một trong những sáng kiến như vậy. Có oxy là còn duy trì được sự sống. Nếu những cây “ATM gạo” ở TPHCM trước đây là minh chứng của tình người trong gian khó thì một mô hình ATM khác trong đại dịch đã được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Thành đoàn TPHCM và anh Hoàng Tuấn Anh triển khai là “ATM oxy” với thông điệp “Trao oxy - nối dài sự sống”. Những trạm “ATM oxy” chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2-8-2021 đã cứu mạng sống nhiều người.

Đó còn là những nhóm thiện nguyện như nhóm “Mai táng 0 đồng” Nhất Tâm và vô số hình thức làm thiện nguyện của vô số cá nhân, đội nhóm, tổ chức khác. Làm thiện nguyện là thứ vốn chảy trong huyết quản của người dân thành phố này. Nhờ đó mà thành phố chống chọi được với đại dịch, dù tổn thất là vô cùng to lớn.

* * *

Ở cột mốc này của đại dịch Covid-19, khi biến chủng Delta chưa qua, Omicron đã tới nhưng chúng ta đã lựa chọn sống chung với nó, chỉ cần công cuộc chống dịch của chúng ta luôn ghi nhớ bài học sai lầm chết người mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên từng thố lộ: gom F0, F1 vào một chỗ rồi để đó không biết làm gì khiến thiệt hại về nhân mạng là quá lớn; chỉ cần thành phố có đủ nguồn lực để cải thiện điều kiện sống của người lao động và nâng cấp hệ thống y tế cơ sở cũng như trang bị đủ cho các đơn vị chữa trị; chỉ cần người dân thành phố vẫn giữ được ngọn lửa thiện nguyện vô vị lợi thì có thể tin rằng thành phố rồi sẽ vượt qua đại dịch để trở về cuộc sống bình thường (mới).

Thành phố rồi sẽ ra khỏi tình trạng như một thành phố đông cứng, tê dại dưới tuyết. Mầm sống rồi sẽ vươn lên, như hoa xuyên tuyết vươn lên nở hoa mùa xuân, dù xuân này có thể không hoàn toàn như xuân cũ.

2 BÌNH LUẬN

  1. Trong nguy có cơ. Trong cơ có may. Không nên nhìn nhận tiêu cực hoàn toàn về những gì diễn ra trong những ngày phong tỏa diện rộng toàn thành phố. Những ngày tháng bình lặng là khoảng thời gian sống chậm của toàn xã hội, nhịp sống tuy không hối hả, quay cuồng như mọi khi, nhưng nguồn sống vẫn diễn ra một cách âm ỉ, bền bỉ, mặc dầu không kém phần khốc liệt. Mọi người đã thấu hiểu rất rõ những gì đã xảy ra, những nguồn cơn sự việc chưa từng thấy, và cũng nhận thức rõ rằng thời gian sắp đến phải làm gì đó thực sự khác đi, hoặc chí ít không thể hoàn toàn sống theo như cách cũ. Mọi việc có vẻ như trở lại bình thường, hoặc bình thường mới gì gì đó, nhưng trong tâm khảm mỗi người trưởng thành chắc chắn sẽ mang theo những nỗi niềm, tâm trạng khôn nguôi và tỉnh thức.

  2. “Omicron đã tới nhưng chúng ta đã lựa chọn sống chung với nó”

    Hoan nghênh chính sách này của Việt Nam . Hiện nay, y tế Mỹ đã conclude mọi thứ vaccines đang có không ngăn được Omicron, và bắt đầu nghiên cứu loại vaccine đặc chủng cho Omicron. Số tử vong ở Mỹ vẫn tăng . Việt Nam không cần sợ gì cả

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới