Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát ở các nước giàu tăng vọt lên mức cao nhất trong 25 năm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lạm phát ở 38 nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tăng lên mức cao nhất 25 năm, làm dấy lên lo ngại chi phí sinh hoạt tốn kém hơn cho người dân và gia tăng áp lực tăng lãi suất đối với các ngân hàng trung ương.

Giá nhiên liệu đắt đỏ là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở khu vực OECD tăng lên mức cao nhất trong 25 năm. Ảnh: AP

Dữ liệu của OECD, công bố hôm 11-1, cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình ở 38 nước thành viên của tổ chức này tăng 5,8% trong tháng 11 năm ngoái, so với mức 1,2% của cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng lạm phát cao nhất ở khu vực OECD kể từ tháng 5-1996.

Lạm phát của OECD tăng nóng phần lớn là do chi phí năng lượng tăng đến 27,7% trong tháng 11, mức tăng cao nhất kể từ tháng 6 -1980 khi thế giới trải qua cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ do các cuộc chiến tranh ở Trung Đông đẩy giá năng lượng lên mức cao chót vót. Bên cạnh đó, giá cả thực phẩm cũng tăng khá mạnh 5,5% trong tháng 11.

Dữ liệu trên được công bố ra khi ông Joachim Nagel, thống đốc sắp tới của Ngân hàng trung ương Đức (Deutsche Bundesbank) cảnh báo rằng lạm phát có thể vẫn duy trì ở mức cao lâu hơn dự kiến của các nhà kinh tế.

Trong tuần này, Joachim Nagel, người cũng là thành viên của Hội đồng điều hành Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), nói: “Ví tiền của người dân sẽ giảm đi đáng kể (do lạm phát). Nhiều người lo ngại về tình trạng mất sức mua này”. Ông cho biết điều này đã đặt ra câu hỏi: “Liệu chính sách nới lỏng tiền tệ có còn phù hợp không? Nếu còn phù hợp thì trong bao lâu nữa?”.

Một báo cáo về các rủi ro toàn cầu mới công bố gần đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng cho thấy giới lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đang lo ngại về “cuộc khủng hoảng mưu sinh” vì tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu đang ở mức cao hơn trước đại dịch và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.

Tại Mỹ, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và Anh, lạm phát đang ở mức cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương của họ đặt ra. Báo cáo của OECD cho biết: “Mức tăng lạm phát đặc biệt cao ở Mỹ, nơi CPI hàng năm tăng từ mức 6,2% trong tháng 10 lên mức 6,8% trong tháng 11, mức tăng cao nhất kể từ tháng 6 -1982”.

Các số liệu công bố vào tuần trước cho thấy lạm phát ở khu vực đồng euro đã chạm mức 5% trong tháng cuối cùng của năm ngoái. Trong khi đó, số liệu CPI của Mỹ trong tháng 12 dự kiến sẽ tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo các nhà kinh tế được Reuters khảo sát. Tại Anh, CPI tăng 5,1% trong tháng 11.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã phát tín hiệu họ có thể sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng tới. Hồi tháng 12, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất điều hành lần đầu tiên trong 3 năm và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng cảnh báo có thể phải tăng lãi suất nhanh hơn so với kế hoạch trước đó. Cuối năm ngoái, ECB thông báo sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu để kích thích kinh tế trong thời kỳ đại dịch vào tháng 3 tới.

Một số chính  phủ châu Âu đã hành động để giảm thiểu tác động của chi phí năng lượng đang tăng nhanh. Pháp, Tây Ban Nha và Ý đều cam kết trợ cấp để giảm bớt chi phí sử dụng năng lượng của các hộ gia đình nghèo. Tuần trước, Christian Lindner, tân Bộ trưởng tài chính Đức, cũng tuyên bố sẽ trợ cấp toàn bộ chi phí sưởi ấm cho các hộ gia đình có thu nhập. Ông nói: “Nhiều người dân đang lo lắng theo dõi xu hướng lạm phát tăng nhanh”.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt vào cuối năm nay. Ben May, nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Oxford Economics, nói rằng tốc độ tăng giá ở Mỹ và khu vực đồng euro dường như đã đạt đỉnh, trong khi ở Canada và Anh, tốc độ tăng giá dự kiến đạt đỉnh vào tháng 4-2022. Ông nhận định mức tăng trưởng CPI ở các nền kinh tế phát triển “sẽ giảm mạnh trong năm 2022”, nhờ chi phí năng lượng và lạm phát cốt lõi giảm xuống.

Silvia Ardagna, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Ngân hàng Barclays, cũng dự báo lạm phát của khu vực eurozone  “có thể sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2021”. Tuy nhiên, bà lưu ý thêm rằng chỉ số giá sản xuất cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia châu Âu trong tháng 11 cho thấy áp lực lạm phát có thể còn kéo dài trong những tháng tới vì các công ty sản xuất hàng hóa rốt cục sẽ chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới