Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bài học từ đại dịch cho cách thức lựa chọn chính sách

Huỳnh Thế Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG XUÂN) - Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, tâm lý sợ hãi đã bao trùm trong xã hội Việt Nam. Quan điểm chống dịch bằng mọi giá hay nói cách khác là ưu tiên chống dịch mà không quan tâm đến các khía cạnh khác đã trở thành nếp nghĩ và cách hành xử của đa số người dân, cũng như các cấp chính quyền. Đợt dịch lần thứ tư đã làm mọi thứ đảo lộn và cho thấy điểm yếu trong cách tiếp cận của Việt Nam. Thực tế, vaccine và năng lực của hệ thống y tế mới là yếu tố quyết định đến khả năng phòng chống dịch của một quốc gia. Hơn thế, cần đứng trên quan điểm duy lý để có thể đưa ra các chính sách hữu hiệu thay vì chạy theo sự cảm tính của số đông.

Những chú gà tây đã nghĩ gì?

Trong Thiên nga đen, Taleb đã đưa ra một ẩn dụ rất thú vị về cách tư duy của loài người. Lễ Tạ ơn ở Mỹ có thể được xem như ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Các thành viên trong gia đình tụ tập và tổ chức ăn uống linh đình. Trong đó, gà tây là món ăn ưa thích và gần như nhà nào cũng có. Vì lý do này mà rất nhiều gà tây đã được nuôi vỗ béo để đến ngày giết thịt trong Lễ Tạ ơn.

Từ khi chào đời cho đến trước khi được đưa lên lò mổ, những chú gà tây đã có cuộc sống hết sức sung sướng. Trong tâm trí của chúng thì cuộc sống là thiên đường, trong khi thực tế ngày vào lò mổ đang đến gần. Tư duy và hoạch định của những chú gà tây này là dựa vào “thế giới thần tiên” mà chúng đang được tận hưởng chứ hoàn toàn không có sự chuẩn bị gì cho việc lên lò mổ.

Suy nghĩ nêu trên là cách hành xử khá phổ biến trong xã hội loài người. Nhiều khi chúng ta chỉ dựa vào thế giới bị đóng khung với những thông tin và kiến thức giới hạn mà mình có được.

Điều này đã được thể hiện rất rõ ở Việt Nam. Tâm lý lạc quan thái quá, hay nói thẳng thắn là chủ quan, chỉ nghĩ về những điều tốt đẹp đã chi phối trong xã hội sau những thành công của cách làm giãn cách, cách ly và truy vết đến cùng. Tình huống xấu đã xảy ra lúc bất ngờ nhất với tinh thần lạc quan và thiếu sự chuẩn bị nhất.

Việt Nam chúng ta đã phạm phải hai sai lầm có tính chiến lược. Thứ nhất, không quyết tâm để có được vaccine (xin hỗ trợ và mua) sớm nhất có thể. Điều này được thể hiện rất rõ trong tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam gần như bằng 0 và thấp nhất của các nước trong khu vực khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Trên thực tế, đến tháng 4-2021, Bộ Y tế đã có văn bản trình Chính phủ chỉ mua 40 triệu liều vaccine cho các đối tượng ưu tiên chứ không phải là vaccine cho toàn dân.

Thứ hai, sự không thực tế và nhất quán trong việc thực thi chiến lược giãn cách, cách ly và truy vết một cách hợp lý. Sự nới lỏng quá mức với rất nhiều hoạt động đông người có thể nói là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư cùng với sự xuất hiện của chủng virus Delta.

Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, việc áp dụng các biện pháp giãn cách và cách ly quá mức, như chăng dây thép gai ở các khu dân cư và tập trung những người nhiễm, đã gây ra những hậu quả tai hại về dịch bệnh cũng như tâm lý của xã hội.

Nếu Việt Nam nhất quán với cách làm giãn cách, cách ly và truy vết hợp lý (thực hiện 5K nghiêm túc, nhưng không cố truy vết và cách ly hay phong tỏa tất cả các đối tượng liên quan) cùng với việc có được vaccine sớm nhất có thể thì có lẽ đã không nghiêm trọng như điều đã xảy ra. Chúng ta đã có những bài học rất đắt giá.

Tư duy chính sách duy lý

Lúc ban đầu, tâm lý lo sợ bao trùm với những phản ứng thái quá. Kinh tế học hành vi giải thích hiện tượng này theo nguyên tắc luật số bé. Con người thường có xu hướng khuếch đại những hiện tượng có vẻ nguy hiểm và rùng rợn với phản ứng thái quá và không xét đến những tác hại hay hậu quả do phản ứng thái quá của mình.

Tuy nhiên, khi mọi thứ trở nên “ổn định” thì tư duy duy lý, đánh giá cẩn thận tất cả các mặt liên quan sẽ hình thành.

Trạng thái “bình thường mới” của Việt Nam coi như đã được xác lập vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 với số ca nhiễm dao động từ 13.000-15.000 ca và số tử vong trên dưới 200 người mỗi ngày. Giờ đây xã hội thấy mọi chuyện rất bình thường. Covid với đa phần mọi người chỉ như một loại cảm thông thường và số tử vong không còn gây sốc hoặc tâm lý chữa bệnh bằng mọi giá không còn nữa.

Cách tiếp cận hay tư duy của đa phần người dân và các cơ quan nhà nước giờ đây là xem xét tổng thể các vấn đề, tính toán mặt được và không được của mỗi chính sách chứ không còn là chống dịch bằng mọi giá. Việc giãn cách (thậm chí là cách ly) toàn xã hội đã không còn được đặt ra nữa.

Nhìn lại những gì đã xảy ra, có thể thấy chính sách hợp lý nên là: (1) giãn cách xã hội ở mức hợp lý; (2) khai báo y tế và theo dõi sức khỏe; (3) cách ly tại nhà đối với các trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; (4) chuẩn bị năng lực điều trị cho những ca nặng cần chăm sóc y tế; (5) đảm bảo hệ thống y tế hoạt động ở mức có thể để đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe cần thiết khác; và (6) quan trọng nhất là phủ vaccine cho toàn dân càng sớm càng tốt.

Hai vấn đề quan trọng

Đúng ra, tư duy chính sách như trên nên được đặt ra ngay từ ban đầu. Trong đó, hai vấn đề quan trọng cần được quan tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất, xác định những vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định để dành nguồn lực một cách thích đáng. Cái đích bao phủ vaccine cho người dân của cả nước đang đến gần. Tuy nhiên, điểm yếu năng lực hệ thống y tế vẫn như vậy. Giờ đây Nhà nước cần phải dành đủ nguồn lực để đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế.

Hơn thế, việc đảm bảo cho cả hệ thống y tế phát huy vai trò của mình là hết sức quan trọng. Nhà nước không nên phân biệt y tế công hay y tế tư và không quá đặt nặng vấn đề cán bộ y tế đang rời bỏ các cơ sở y tế công. Xu hướng này cho thấy sự bất cập của hệ thống y tế công. Tuy nhiên, giải pháp không nhất thiết chỉ tập trung vào bất cập của hệ thống này mà là làm sao để cả hệ thống y tế bao gồm cả công và tư được đầu tư và phát huy một cách tốt nhất.

Thứ hai, cần xem xét tất cả các khía cạnh liên quan đối với từng chính sách để tránh tình trạng ban hành và thực thi những chính sách quá cực đoan và bất ngờ. Dừng gần như tất cả các hoạt động thiết yếu cho đời sống người dân (chợ, đi lại, khám chữa bệnh…) đã tạo ra sự đứt gãy, đổ vỡ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Tóm lại, những bài học từ đại dịch Covid-19 cho thấy, tư duy chính sách cần tường minh trong trạng thái tỉnh táo và xét đến tất cả các khía cạnh liên quan thay vì dựa vào xúc cảm của số đông như thời gian vừa qua. Hy vọng sai lầm đắt giá sẽ không còn lặp lại trong tương lai.

1 BÌNH LUẬN

  1. Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Dịch bệnh là chuyện chẳng đặng đừng nhưng lại là chuyện thực tế sẽ xảy ra và buộc ta phải chấp nhận. Covid chỉ là một câu chuyện chứ không phải là cốt truyện, bởi vì cốt truyện về bệnh tật chắc chắn sẽ rất nhiều tập nữa mà thế hệ chúng ta hoặc sau đó sẽ không thể lường hết. Trong khi chính sách lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chính sách tốt luôn là một chính sách mang tính dài hạn, chứ không phải sớm nắng chiều mưa. Để có chính sách tốt thì trước hết bắt buộc phải có những con người biết quản trị tốt. Khi chính sách tốt rồi thì lá chắn trước rủi ro dịch bệnh sẽ trở nên hoàn hảo hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới