Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Xóa bỏ trung gian, nhưng xóa được không?

Nguyễn Vạn Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nếu phải tóm tắt những gì đang diễn ra trên lĩnh vực tài chính với hàng loạt từ nghe rất kêu và khó hiểu như DeFi, DAO, Dai thì đó là sự chuyển đổi mô thức hoạt động - từ “tập trung”, tức cần những định chế trung gian như ngân hàng sang “phi tập trung”, khi không ai quản lý ai, không ai phụ thuộc ai.

Thế giới phi tập trung quen thuộc

Trong một cộng đồng lớn, không thể tự mình kiếm người có tiền để xin vay cũng như không thể tìm người muốn bán cổ phiếu để đòi mua - tất cả phải qua trung gian, có thể là ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán. Đó là hình thức quản lý tập trung từng tỏ ra rất hiệu quả trong một thời gian dài. Ngân hàng sẽ là đầu mối kết nối hàng triệu người với nhau, người thì có tiền nhàn rỗi gửi vào kiếm lãi, người thì muốn vay tiền mua nhà; từ đó ngân hàng sẽ tạo ra thanh khoản cho nền kinh tế.

Hình thức tập trung như thế xuất hiện ở rất nhiều hoạt động kinh tế khác, có thể kể ra một cách ngẫu nhiên như trung tâm giới thiệu việc làm, dịch vụ mai mối, các hãng taxi hay kể cả sòng bạc. Những nơi này đóng vai trò trung gian để người có nhu cầu khỏi mất công đi tìm lẫn nhau hay chờ nhau cho khớp cung cầu. Dù rất hiệu quả, người dùng vẫn than bị cắt hoa hồng cho bên trung gian quá nhiều, có nơi trở nên quan liêu nếu hưởng lợi thế độc quyền.

Ở đây nên nhớ các hình thức tổ chức hoạt động dựa vào công nghệ mới xuất hiện cũng chưa phải là cơ chế phi tập trung mà chúng ta muốn nói đến. Các hãng xe công nghệ dù nấp sau lưng một ứng dụng để người đi xe có thể tìm gặp người lái xe khá trực tiếp, hai bên vẫn phải cậy nhờ vào phần mềm sắp xếp cho họ gặp nhau và dân lái xe công nghệ vẫn than bị ăn hoa hồng quá dày. Apple và Google tổ chức sàn ứng dụng trên iOS hay Android tưởng đâu để người dùng lên đó chọn nơi cung cấp rồi thỏa thuận mua bán, tải về dùng một cách trực tiếp. Thực tế, Apple và Google hiện như những lãnh chúa ngồi đó thu tô, có lúc lên đến 30% doanh thu của ứng dụng và muốn cho ai lên thì lên, muốn gỡ ai xuống thì gỡ, cấm cãi.

Thế giới DeFi và hợp đồng thông minh

Hình thức phi tập trung mà chúng ta đang chứng kiến sự manh nha kèm theo tốc độ phát triển vượt trội muốn xóa bỏ hết các định chế trung gian này, từ ngân hàng truyền thống đến cả các đại công ty công nghệ như Facebook hay Google cũng đang bị đe dọa sẽ hết thời. Hãy nhìn vào lĩnh vực tài chính để thấy sự dịch chuyển này.

Tạm thời nên quên bitcoin đi vì nó gây nhiễu do giá cả lên xuống bất thường, dân đầu cơ chăm chăm mua bán để kiếm lãi; cái đáng quan sát hơn là Ethereum, là nơi đang sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để tạo ra các hợp đồng thông minh (smart contract) làm nền tảng cho nhiều hoạt động tài chính. Hợp đồng thông minh là chương trình máy tính theo kiểu nếu... thì... trong đó các điều khoản của hợp đồng sẽ tự động thực thi nếu các điều kiện định trước được thỏa mãn. Giả dụ A ký hợp đồng với B để B xây cho A cái biệt thự; hai bên có thể viết cái hợp đồng theo trình tự ký xong A chuyển tiền vào một tài khoản đóng băng. B xây nhà xong có một nơi thứ ba nghiệm thu và chứng nhận đúng cam kết, lúc đó tiền sẽ tự động chuyển trả vào tài khoản cho B. Còn hợp đồng bị phá vỡ thì tiền quay về A.

Nhờ hợp đồng thông minh, các giao dịch trên thế giới tài chính ảo nay không còn cần bên trung gian thứ ba nữa; các bên có thể trực tiếp mua bán tài sản với nhau, miễn sao quy định trước các điều kiện cần thỏa mãn và từ mua bán tài sản lan ra cho vay, thế chấp, gửi tiền crypto, tạo ra đồng stablecoin, tạo ra các loại token... Đủ thứ. Những chức năng này gọi chung lại là DeFi, tức “tài chính phi tập trung” và thị trường này đang bùng nổ. Chuỗi khối Ethereum đầu năm 2020 chỉ mới xử lý các giao dịch trị giá 116 tỉ đô la Mỹ thì nay đã tăng vọt lên 2.500 tỉ đô la chỉ tính riêng trong quí 2-2021 (cùng thời kỳ, hãng Visa xử lý một lượng giao dịch tương đương qua thẻ tín dụng). Tháng 1 năm nay mới chỉ có 29 tỉ đô la stablecoin được tạo ra, đến tháng 9-2021 đã tăng lên 117 tỉ đô la.

Họ giao dịch cái gì trên đó? Khác với Visa tạo điều kiện để người tiêu dùng quẹt thẻ mua vật dụng tiêu dùng hàng ngày cầm trong tay được, các giao dịch trên Ethereum blockchain nhìn chung chỉ phục vụ những người tham gia với nhau như kiểu nhà cái của một sòng bài, dùng các ứng dụng DeFi để đánh cược với nhau đồng tiền ảo này sẽ lên giá, tác phẩm NFT kia sẽ bán được ở mức giá kỷ lục, phát hành đồng stablecoin rồi đổi qua đổi về với các đồng tiền mã hóa khác.

Hiện nay chỉ có một triển vọng thế giới DeFi sẽ kết nối với thế giới thật thông qua các hoạt động tạo ra video, hình ảnh, âm nhạc, bài viết - tức những sản phẩm sẵn có trên không gian số. Nhờ hợp đồng thông minh và cơ sở dữ liệu kiểu blockchain, một nghệ sĩ có thể sáng tác một bản nhạc rồi bán trực tiếp cho người mua. Việc sáng tạo ra các NFT, tức bản sao duy nhất của một tác phẩm nào đó là hoạt động sôi nổi nhất, làm ra tiền nhiều nhất trong lĩnh vực này, bất kể thực tế bạn chỉ cần bấm chuột phải và lưu cái NFT bạn thấy trên màn hình là cũng đã có một bản sao y chang.

Các loại tài sản mới

Nói tóm lại, từ nền tảng blockchain như Ethereum, người ta có thể tạo ra các “tài sản ảo” (assets) như các token, tức là bản sao kỹ thuật số một tài sản thật. Token có thể là loại “fungible” - tức token nào cũng như nhau, thay thế nhau được ví dụ các stablecoin, tức đồng tiền mã hóa gắn chặt giá trị với một đồng tiền truyền thống như Dai hay Tether. Token cũng có thể là loại “non-fungible”, duy nhất một cái thôi như các NFT mà có lẽ bạn đã nghe nhắc đến. Cũng từ nền tảng Ethereum, người ta tạo ra các giao thức (protocol) để xây dựng các sàn giao dịch hoàn toàn tự động hay các dịch vụ cho vay cũng tự động chứ không có người trung gian. Điều đáng nói là các giao thức tự động này để thực hiện các chức năng tài chính là do các cộng đồng phi tập trung soạn ra, làm chủ và thực thi chứ không phải là một công ty nào cả. Từ đó mới có cái tên DAO (decentralised autonomous organisations) - các tổ chức tự chủ phi tập trung.

Hiện nay có ba nhóm người hoạt động sôi nổi trên thế giới tài chính phi tập trung. Nhóm đầu tiên là những người rất thông minh, đầy sáng tạo, lại không ưa sự ràng buộc của các định chế truyền thống nên ngày đêm suy nghĩ cải tiến cái thế giới phi tập trung theo lý tưởng của họ - đáng tiếc nhóm này rất nhỏ dù có tiếng nói quyết định. Hai nhóm còn lại gồm những người muốn làm giàu nhanh khi chứng kiến bitcoin lên giá vù vù hay một ai đó bỗng bán được tác phẩm NFT cả triệu đô la; nhưng chiếm đa số vẫn là những tay ranh ma, lừa đảo, thấy thế giới hoang dã này như thời chinh phục miền viễn Tây, cứ chăm chăm tìm con mồi để lừa đảo. Chính nhóm này gây tổn hại uy tín của nền tài chính phi tập trung nhất.

Vụ một nhóm người tạo ra đồng tiền mã hóa Squid Game ăn theo bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc, bán ra một mớ rồi rút ra bỏ chạy là một ví dụ điển hình của tình trạng tranh nhau tạo ra tiền crypto để làm giàu nhanh chóng. Hiện có đến 20 đồng tiền đặt theo tên các con chó như Dogecoin, Shiba Inu, Kishu Inu... thế mà thiên hạ vẫn tranh nhau mua đẩy giá chúng lên trên trời.

Hiện tượng NFT cũng là chuyện kỳ lạ khi ai nấy đều cố tạo ra các NFT như tờ Economist làm chuyên đề về tài chính phi tập trung vẽ bìa dùng hình ảnh Alice ở xứ sở thần tiên đang chui vào hang thỏ rồi chụp hình đó đưa lên blockchain Ethereum để tạo ra một NFT duy nhất và bán được cả nửa triệu đô la. Từ tháng 4 đến tháng 11-2021, chỉ tính riêng trên sàn OpenSea đã có 7,2 tỉ đô la trị giá các NFT trao tay. Ngay cả các doanh nghiệp như Nike cũng tính tạo ra các NFT hình các đôi giày thể thao của họ để bán trên thế giới ảo. Có lẽ cư dân metaverse đang dành dụm mua các vật ảo để sau này đem ra sử dụng hay bán lại kiếm lời chăng?

Từ web1, web2 nay đến web3

Nỗ lực xây dựng một thế giới phi tập trung còn thể hiện trong hiện tượng web3. Lúc Internet mới ra đời, mọi người dùng web1 để kết nối nhưng chỉ một chiều, tức người dùng chỉ việc truy cập và tiếp nhận thông tin từ nội dung trang web. Giai đoạn này kéo dài từ năm 1991-2004. Giai đoạn kế tiếp với web2 đã có sự tương tác giữa người dùng và trang web như ai cũng có thể tải video lên YouTube, ai cũng có thể viết nhăng viết cuội trên Facebook hay Twitter. Web2 tạo ra một sức mạnh khuếch đại ở một số người, tự dưng có cả triệu người nghe hay xem họ nói nhưng cũng tạo điều kiện cho điều xấu lan xa, lan rộng. Với web2 dữ liệu người dùng trở thành món hàng của các công ty công nghệ khai thác và kiếm tiền.

Web3 nâng cấp thế giới Internet hiện nay để tạo ra các đặc điểm: xác minh được, không chịu sự quản lý của bất kỳ ai, người dùng bình đẳng, sẽ không có các ứng dụng lưu trữ dữ liệu người dùng lên các máy chủ nữa. Thay vào đó web3 sẽ là một tập hợp các máy tính ngang hàng, phi tập trung để chạy các chuỗi khối; các ứng dụng do cộng đồng tạo ra, gọi là dapps (tức decentralized app - ứng dụng phi tập trung).

Kết hợp các NFT và web3, người ta đang kỳ vọng cộng đồng người dùng sẽ giành lại quyền kiểm soát Internet từ tay Google, Facebook, YouTube, kể cả Spotify... để chia sẻ giá trị do họ tạo ra, từ nhạc sĩ, ca sĩ phải dùng Spotify để phân phối tác phẩm đến người viết nội dung cho Facebook sử dụng bán quảng cáo và thỉnh thoảng đe dọa ẩn bài, xóa bài. Sẽ có những ứng dụng tương tự như Spotify nhưng nghệ sĩ sẽ giao dịch trực tiếp với người nghe, có thể thu tiền về mà không cần chia hoa hồng cho ai cả. Cũng sẽ có mạng xã hội mới thay cho Facebook hay Twitter nơi người dùng được chia doanh thu từ nội dung họ chia sẻ...

Đó là kỳ vọng - còn kỳ vọng này có trở thành hiện thực hay không, sớm hay muộn phụ thuộc phần lớn vào nhóm lừa đảo, có biến bất kỳ cơ hội mới nào thành miếng mồi ngon hay bị trói tay bởi công nghệ cao cấp hơn do nhóm thông minh nghĩ ra.

Tiền được tạo ra như thế nào?
Trong nền tài chính tập trung truyền thống tiền được tạo ra từ hai nguồn: ngân hàng nhà nước và ngân hàng tư nhân. Phát hành tiền mới là nhiệm vụ của ngân hàng nhà nước còn ngân hàng thương mại khi cho vay, tức khi ghi có vào tài khoản của người vay một khoản tiền nào đó, họ đã tạo ra từng ấy tiền cho nền kinh tế. Chuyện thu hút tiền gửi của dân cư là để tuân thủ các quy định tài chính về các loại tỷ lệ và phòng ngừa rủi ro chứ không phải họ lấy tiền gửi đem cho vay như người ta thường hình dung.
Các đồng tiền stablecoin là một tài sản kết nối giữa thế giới thật và thế giới ảo khi đồng tiền mã hóa được gắn chặt giá trị với một đồng tiền thật. Gắn chặt giá trị để giá khỏi lên xuống thất thường thì mới làm đơn vị thanh toán trong các hợp đồng tài chính. Để gắn như thế thì đồng stablecoin phải có vật thế chấp, như đồng Tether và USD Coin là hai đồng stablecoin lớn nhất hiện nay, đã có trên 100 tỉ đô la được phát hành ở dạng token. Vật thế chấp bằng tiền mặt hay bằng trái phiếu doanh nghiệp được lưu giữ tại ngân hàng hay tài khoản của bên môi giới - thực chất cũng chưa “phi tập trung” hoàn toàn. Thành phố New York từng cáo buộc Tether không thế chấp đầy đủ nên phạt 18,5 triệu đô la.
Đồng stablecoin thế hệ mới như Dai thì thế chấp bằng đồng ether, lưu ngay trên blockchain nên minh bạch và gắn với hợp đồng thông minh nên không chạy đi đâu được cả. Vấn đề là giá đồng ether lại lên xuống thất thường nên bất kỳ ai cũng tạo ra đồng Dai được nhưng phải thế chấp bằng gấp mấy lần trị giá tính bằng đồng ether. Khi giá trị thế chấp rơi xuống dưới 150% giá trị đồng Dai, hợp đồng thông minh tự động bán đấu giá vật thế chấp để bù vào khoản thua lỗ. Bằng không phải tự hủy đồng Dai mới được nhận thế chấp về. Hiện có chừng 6,5 tỉ đô la đồng Dai đang tồn tại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới