(KTSG Online) - Thay vì đầu tư trực tiếp để sở hữu cửa hàng kinh doanh, các nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển sang nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các thương hiệu Hàn Quốc trong những năm qua. Tuy nhiên diễn biến gần đây cho thấy các nhà bán lẻ xứ kim chi đang có xu hướng thay đổi chiến lược. Thay vì đầu tư sở hữu trực tiếp, các nhà bán lẻ nước này chuyển sang nhượng quyền thương mại.
Có các lý do khác nhau cho sự chuyển hướng kinh doanh này nhưng trong số đó một phần theo các nhà bán lẻ Hàn Quốc là do khó khăn phát triển điểm kinh doanh mới nhưng cũng có doanh nghiệp là nhằm phát triển nhanh hệ thống điểm bán.
Câu chuyện Emart hoàn tất chuyển nhượng siêu thị duy nhất của mình tại TPHCM cho Thaco Group vào tháng 9 vừa qua đã đánh dấu nhà bán lẻ này rẽ hướng đi nói trên sau nhiều năm nỗ lực tự phát triển điểm bán bị thất bại.
Dù 2 năm qua hoạt động siêu thị đầu tiên đã sinh lời nhưng tập đoàn bán lẻ Shinsegae, chủ thương hiệu Emart, vẫn quyết định ngưng trực tiếp đầu tư ở Việt Nam. Thay vào đó, Emart nhượng quyền thương mại cho Thaco, trong đó Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng siêu thị Emart. Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết trong năm 2022 sẽ mở thêm 3 điểm Emart và sẽ tăng lên 10 điểm vào năm 2025.
Trong khi đó Emart không chỉ nhận được tiền bản quyền, duy trì được thương hiệu mà còn tiếp tục đưa các sản phẩm nhãn riêng của mình vào bán ở Việt Nam.
Cũng phát triển theo hướng nhượng quyền, liên doanh giữa GS Retail và Sơn Kim Group đang triển khai nhượng quyền cửa hàng GS25 cho các nhà đầu tư thứ cấp để có thể đạt tới mục tiêu 10.000 cửa hàng so với gần 150 cửa hàng hiện nay.
Được biết mô hình nhượng quyền của GS25 sẽ là cửa hàng có quy mô từ 80 đến 140 mét vuông với mức đầu tư dao động từ 1,5 đến 2 tỉ đồng/điểm.
GS25 là thương hiệu cửa hàng tiện lợi đến từ Hàn Quốc, được Tập đoàn Sơn Kim đưa vào Việt Nam vào cuối năm 2018, góp mặt vào thị trường vốn cũng đã khá sôi động với sự tham gia của nhiều tên tuổi như 7-Eleven, FamilyMart; Circle K, MiniStop, B'smart…
Trên thực tế, GS Retail, tập đoàn bán lẻ đang điều hành hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam, đã bước vào thị trường Mông Cổ hồi tháng 9-2020 bằng cách ký hợp đồng nhượng quyền với tập đoàn Shunkhlai Group của nước này.
Theo KoreaTimes, Đông Nam Á từng được các nhà bán lẻ Hàn Quốc xem là một trong ba khu vực tăng trưởng mạnh để tập trung rót vốn mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc gặp phải hai rào cản lớn: sức mua kém hơn kỳ vọng và các quy định phòng chống dịch ngặt nghèo khiến các cửa hàng và siêu thị giảm doanh thu do phải đóng cửa phòng dịch. Các chuỗi này đang chuyển sang các hợp đồng nhượng quyền và tránh sở hữu trực tiếp.
Có mặt sớm hơn ở thị trường Việt Nam ngay khi thị trường bán lẻ trong nước mở cửa, Lotte Shopping có chuỗi siêu thị nhiều nhất ở thị trường Việt Nam tính đến hiện tại. Gần đây, tờ KoreaTimes cho biết, thương hiệu siêu thị Lotte Mart của Lotte Shopping đang vận hành 14 cửa hàng ở Việt Nam đã ghi nhận doanh số đang giảm dần và khoản lỗ tương ứng 2 tỉ won (1,69 triệu đô la).
Vào giữa năm 2021, Lotte Mart Việt Nam quyết định đóng cửa Lotte Mart Đống Đa, siêu thị lớn nhất tại Hà Nội với quy mô lên tới 20.000 m2 khiến nhiều người nghĩ đến việc Lotte Mart sẽ là nhà bán lẻ Hàn Quốc kế tiếp thoái lui khỏi thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên khi đó phía Lotte Mart cho rằng việc ngưng hoạt động của chi nhánh Đống Đa là nằm trong kế hoạch thay đổi chiến lược phát triển và mở rộng mạng lưới của hệ thống Lotte Mart trên lãnh thổ Việt Nam và không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống này.