Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp kỳ vọng bứt phá từ phát triển hạ tầng và công nghiệp chế biến

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tỉnh Đồng Tháp đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm nay tăng 7% so với kỳ năm ngoái. Trong đó, địa phương xác định phát triển hạ tầng giao thông và công nghiệp chế biến sẽ là những yếu tố mở ra hướng đi giúp kinh tế Đồng Tháp bứt phá trong năm 2022 cũng như ở nhiệm kỳ này.

Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí. Ảnh: Trung Chánh

Chia sẻ tại buổi họp mặt các cơ quan báo chí diễn ra ở TP Cao Lãnh hôm 14-1, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cho biết, lãnh đạo địa phương đặt yêu cầu rất cao về tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm nay, đó là phải tăng 7% so với cùng kỳ.

Ông Phong nhấn mạnh, đây là nhiệm kỳ đầu tiên mà ngay từ đầu tất cả nghị quyết, kết luận phải được ban hành ngay trong năm 2021 và các năm còn lại là cụ thể hoá. “Bây giờ là tập trung giải pháp, triển khai thực hiện và 2022 phải bứt phá được ngay từ năm đầu tiên này”, ông nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nêu trên, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xác định việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và công nghiệp chế biến sẽ là một trong những tiền đề “mở mũi” giúp đưa kinh tế của địa phướng “bứt phá”.

Theo ông Phong, có một tín hiệu rất vui, đó là ngay từ đầu năm, Quốc hội đã bàn gói kịch cầu về chính sách tài khóa tiền tệ và Đồng Tháp cũng là một trong những địa phương được thụ hưởng. “Trong đó, dự án (cao tốc) An Hữu-Cao Lãnh cũng nằm trong gói kích cầu này để tập trung mở rộng tuyến lưu thông mới”, ông Phong cho biết và nói rằng, tuyến mới sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ vùng kinh tế trọng điểm TPHCM đến tỉnh.

Khi có thêm tuyến đường mới, nhà đầu tư đến với Đồng Tháp sẽ thuận lợi hơn; việc đi lại, giao thương và kết nối đầu tư cũng .

“Toàn bộ tuyến đường này đã được đặt trong gói đầu tư công và trách nhiệm của tỉnh là cùng làm với Tiền Giang để đoạn 27km này xong sớm, đạt được hiệu quả theo yêu cầu”, ông Phong cho biết.

Xác định hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ mở ra không gian phát triển cho tỉnh nên ngay từ đầu năm nay Đồng Tháp đã khánh thành một công trình và cũng triển khai đầu tư một công trình mới.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến, yếu tố quyết định nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, ông Phong cho biết, từ trước đến nay, địa phương vẫn tìm kiếm và kêu gọi nhà đầu tư. Đầu năm 2022, nhà máy chế biến nông sản với quy mô giai đoạn 1 khoảng 500 tỉ đồng đã chính thức được khởi công và sẽ được vận hành trong cùng năm. Nhà máy sẽ góp phần giúp nông sản có thêm phương thức đi vào thị trường, giúp giảm rủi ro, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, người đứng đầu Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cũng thông tin, địa phương có hàng loạt quyết định chuyển đổi số liên quan các ngành hàng chủ lực. “Nội dung này, TP Cao Lãnh đi đầu”, ông nói và thông tin, trong năm nay, tỉnh cũng sẽ có trung điều hành thông minh để nâng cao năng lực điều hành của chính quyền cũng như hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết bài toàn “vừa nâng cao chất lượng điều hành, nhưng cũng phải đi nhanh và tốt”.

Theo ông Phong, các nhà đầu tư lớn cũng đã tìm về Đồng Tháp, nhưng địa phương đặt yêu cầu cao và lựa chọn kỹ lưỡng, tức nhà đầu tư phải có cam kết tiến độ thời gian để “giữa ý tưởng đến hiện thực hóa" phải đạt yêu cầu, chứ không dừng ở mức đến tìm hiểu, đặt vấn đề nhưng sau đó chậm tiến độ. “Tinh thần của chúng tôi là doanh nghiệp nào đến cũng trân trọng, nhưng cái chúng tôi cần là đầu tư đó phải phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với quy hoạch và rất mong nhà đầu tư dồn tâm huyết, nguồn lực để hiện thực hóa dự án sớm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp", ông Phong chia sẻ.

Trước đó, báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đồng Tháp cho thấy, năm 2021 địa phương thực hiện đạt và vượt 15/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, 100% chỉ tiêu môi trường đạt kế hoạch; 7 chỉ tiêu ước không đạt kế hoạch, gồm 5 chỉ tiêu kinh tế và 2 chỉ tiêu văn hóa - xã hội.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá 2010) ước thực hiện năm 2021 là 2,22% trong khi kế hoạch đưa ra hồi đầu năm 2021 phải tăng 7% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người ước thực hiện năm 2021 đạt 56,44 triệu đồng, trong khi kế hoạch là 58,84 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, kế hoạch đưa ra đầu năm là 8.140,9 tỉ đồng, nhưng ước thực hiện năm 2021 là 6.744 tỉ đồng.

Huy động vốn đầu tư phát triển so với GRDP ước thực hiện năm 2021 là 20% trong khi kế hoạch đưa ra hồi đầu năm là 25,24%; giá trị xuất khẩu hàng hoá (không tính hàng hoá tạm nhập tái xuất) ước thực hiện đạt 1,1 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn kế hoạch 110 triệu đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới