Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dịch bệnh không phải là yếu tố ‘cản bước’ người dân đi du lịch

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dịch Covid-19 đã có tác động nặng nề đến ngành du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Song, du khách quyết định chọn đến TP Cần Thơ hay không cốt lõi nằm ở giá cá và chất lượng dịch vụ, chứ không phải do yếu tố dịch bệnh.

Biểu diễn nhạc Ngũ Âm Khmer Nam bộ phục vụ du khách tại Hiếu's Cottage (TP. Cần Thơ). Ảnh: Huỳnh Kim

Nội dung trên được nêu ra tại hội thảo khoa học “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch TP Cần Thơ và giải pháp phục hồi” do Sở Văn hoá Thể thao và du lịch TP Cần Thơ phối hợp với Khoa khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Cần Thơ) tổ chức vào hôm nay, 22-1, tại TP Cần Thơ.

Phát biểu tại hội thảo, vị đại diện Phòng quản lý du lịch thuộc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ nhấn mạnh, ngành du lịch có đóng góp đáng kể trong thu hút đầu tư, xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.

Cụ thể, đóng góp của du lịch trực tiếp vào GDP cả nước là khá cao, đạt 7,9% vào năm 2017 và năm 2018-2019 là 8,4-9,2%. “Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã kéo giảm đáng kể sự đóng góp của ngành du lịch vào GDP, mà cụ thể năm 2020 chỉ đóng góp khoảng 4% và ước năm 2021 là 2,4%", ông cho biết.

Theo vị này, trong bối cảnh chung của cả nước như nêu trên, thì ngành du lịch của TP Cần Thơ cũng bị tác động nặng nề khi số lượng du khách đến và doanh thu của ngành cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khách sạn Victoria Cần Thơ cho biết, trên địa bàn TP Cần Thơ có 616 cơ sở lưu trú với gần 11.000 phòng, trong đó, khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao chiếm 22%. “Tuy nhiên, trong đợt dịch diễn ra từ tháng  5 đến 10-2021 đã có hơn 600 cơ sở lưu trú phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động”, bà cho biết và nói rằng, chỉ 1 số ít cơ sở hoạt động do có khách ở công tác dài hạn hoặc phục vụ cách ly.

Theo bà Thư, các cơ sở lưu trú thông tin có 50% lao động phải tạm ngưng hoặc mất việc, nhưng trên thực khả năng con số mất việc trong ngành còn cao hơn vì khách không có, cho nên, tất cả cơ sở lưu trú buộc phải giảm lượng lao động.

Bà Thư cho biết, việc đóng cửa các cơ sở lưu trú không chỉ những đơn vị này và người lao động bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng liên đới đến các ngành khác như: cung cấp nguyên vật liệu cho khách sạn, thực phẩm… “Do đó, ảnh hưởng là liên đới các ngành khác và có tác động khá lớn đến an sinh xã hội”, bà Thư cho biết.

Trước đó, tại hội thảo này, ông Huỳnh Văn Đà đến từ Đại học Cần Thơ đã chỉ ra rằng, an toàn dịch bệnh không phải là yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự hài lòng và quyết định đi du lịch của người dân. “Giá cả và chất lượng dịch vụ mới là yếu tố quyết định đối với chuyến đi của du khách trong thời kỳ dịch bệnh”, ông cho biết.

Theo ông Đà, nhóm nghiên cứu tìm cách giải thích vấn đề nêu trên, thì phát hiện thông qua giải pháp được các doanh nghiệp áp dụng như: khuyến cáo nhân viên phòng chống dịch; giữ vệ sinh phòng bệnh hoặc tạm ngưng kinh doanh để đảm bảo an toàn khi xảy ra trường hợp nghiêm trọng…, đã tạo được niềm tin về mức độ an toàn cho du khách, tức du khách không quá lo lắng vấn đề an toàn dịch bệnh.

Một phát hiện tiếp theo khi thực hiện khảo sát 280 doanh nghiệp du lịch ở TP Cần Thơ về các biện pháp hỗ trợ của cơ quan nhà nước, theo ông Đà, có 30% doanh nghiệp cho rằng họ có nhận được các hỗ trợ về nâng cao năng lực; 20% doanh nghiệp cảm nhận có hỗ trợ của nhà nước về giảm thuế.

Ông Đà cho biết, quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu có tham vấn từ các  cơ quan quản lý về du lịch, chính quyền địa phương, thì địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong khi doanh nghiệp nhận thấy các biện pháp đó chưa đáp ứng hết kỳ vọng của họ. “Điều này cho thấy, phối hợp của nhà nước và doanh nghiệp chưa tìm gặp nhau”, ông cho biết và gợi ý, sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp cần thực chất hơn để mang lại hiệu quả cao hơn.

Từ kết quả nghiên cứu, ông Đà đề xuất, cần tiếp tục duy trì tốt hơn yếu tố an toàn dịch bệnh trong tình hình mới. Bởi, đây là yếu tố du khách đã tin tưởng và đánh giá cao.

Trong khi đó, do giá cả và chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định chọn đi du lịch của du khách, cho nên, cần tập trung vào giá cả và chất lượng dịch vụ nhằm thu hút để phục hồi du lịch nhanh nhất. “Một yếu tố nữa, đó là phải tăng cường hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nước trong tiến trình phục hồi ngành du lịch”, ông Đà gợi ý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới