(KTSG Online) - Năm 2022, ngành công thương TPHCM phấn đấu phục hồi tăng trưởng nhiều mặt, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5%, bán lẻ hàng hóa tăng 10% và kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố (trừ dầu thô) tăng 9% so với năm 2021.
Ngành công thương sẽ đánh giá lại tác động của các chương trình, gói hỗ trợ kích cầu đầu tư thời gian qua, từ đó hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp.
Những thông tin này được ghi nhận tại hội nghị tổng kết ngành công thương thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 vào chiều ngày 24-1.
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/01/Phan-Thi-Thang.jpg)
Tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, trong năm 2022 - năm thứ hai thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nên mục tiêu chủ yếu là nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tạo đà cho các năm tiếp theo trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 14,34% so với năm 2020 (cùng kỳ giảm 4%). Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước giảm 10,63% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,5%). Để thúc đẩy phục hồi nhanh các ngành kinh tế, năm 2022, Sở Công Thương sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm.
Sở Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp, thương mại với tốc độ tăng trưởng khá, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, sở sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và phát triển bền vững.
Sẽ phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Ngành công thương cũng sẽ phát huy vai trò hoạt động các hội đồng phát triển các ngành công nghiệp thành phố: triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố đến năm 2025; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm: cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm giai đoạn 2020 - 2030... qua đó nhằm tập trung nguồn lực để hỗ trợ các ngành, các nhóm sản phẩm này tiếp tục phát triển, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và làm động lực cho toàn ngành công nghiệp thành phố phát triển.
Việc phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm cũng được sở đưa vào giải pháp thực hiện.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đổi mới công nghệ như thực hiện chương trình kích cầu đầu tư các dự án phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của thành phố để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sở cũng sẽ tăng cường tổ chức kết nối doanh nghiệp - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ.
Về lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu, sở sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với các doanh nghiệp bình ổn để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa.
Sở cũng thúc đẩy phát triển thương mại theo hướng hiện đại gắn với triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng.
Sở Công Thương cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu; tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm giải pháp phát triển thị trường; tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.
Sở cũng tổ chức chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ, hội nghị kết nối cung - cầu TPHCM với các tỉnh, thành nhằm đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại giữa các tỉnh, thành; góp phần hỗ trợ lẫn nhau phát triển; hỗ trợ các tỉnh, thành tìm kiếm đầu ra, mở rộng thị trường cho sản phẩm thế mạnh của địa phương; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thành phố kết nối, phát triển thị trường tại các tỉnh, thành.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chỉ đạo Sở Công Thương triển khai ngay kế hoạch năm 2022 đã được UBND thành phố phê duyệt nhằm nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đánh giá lại tác động của các chương trình, gói hỗ trợ kích cầu đầu tư thời gian qua, từ đó hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp, tránh trường hợp đề ra nhiều chương trình hỗ trợ nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận được.