(KTSG) - Đã có ba quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) từ chức trong vòng sáu tháng qua, tất cả đều liên quan đến những ồn ào tranh cãi quanh việc mua bán cổ phiếu của cá nhân các quan chức này trong khi họ tham gia hoạch định các chính sách quan trọng cho thị trường.
Fed có chức năng tương đương với một ngân hàng trung ương ở các nước, nhưng cách tổ chức lại khác với các nước khác. Fed có Hội đồng các thống đốc gồm bảy người và 12 ngân hàng Fed khu vực, do 12 chủ tịch đứng đầu. Hồi tháng 9-2021, hai quan chức Fed gồm Eric Rosengren, Chủ tịch Ngân hàng Fed Boston và Robert Kaplan, Chủ tịch Ngân hàng Fed Dallas, tuyên bố từ chức. Và đầu năm nay, Richard H. Clarida, Phó chủ tịch Fed trung ương cũng tuyên bố nghỉ hưu sớm trước thời hạn.
Trước đó dư luận râm ran về chuyện ba quan chức này đã từng mua bán cổ phiếu trị giá nhiều triệu đô la của cá nhân họ sở hữu vào năm 2020, cùng thời gian họ có những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Nhiều người ngạc nhiên vì với dân chúng Fed là một tổ chức độc lập, vừa không chịu ảnh hưởng chính trị vừa không bị lợi ích cá nhân ràng buộc. Đã có những lời phê phán mua bán như vậy, các quan chức Fed sẽ không vì lợi ích của nền kinh tế, của người dân mà rất có thể hành động vì lợi ích của riêng họ.
Sau các vụ ồn ào này, Fed cập nhật chính sách “quản lý” nội bộ - nay cấm quan chức Fed sở hữu cổ phiếu từng công ty riêng lẻ, họ chỉ được quyền mua cổ phiếu các quỹ sở hữu nhiều công ty. Ngay cả với loại cổ phiếu quỹ này họ cũng không được mua bán thoải mái.
Bản thân Fed có những quy định để tránh xung đột lợi ích; chẳng hạn, các quan chức Fed không được mua bán cổ phiếu trước khi có những tuyên bố chính sách, họ bị hạn chế không được sở hữu cổ phiếu ngân hàng… Có một nội quy dài hai trang về quy tắc hành xử mà các quan chức Fed phải tuân thủ. Tinh thần là quan chức Fed phải tránh tham gia vào các giao dịch tài chính mà thời điểm tham gia có thể tạo ra ấn tượng giao dịch nội gián dựa trên thông tin về chính sách tương lai của Fed. Quan chức Fed có quyền đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm đầu tư khác nhưng phải công khai mọi giao dịch tài chính.
Thông thường ít ai để ý đến các giao dịch mà quan chức Fed tiết lộ theo luật định nhưng năm 2020 là một năm đặc biệt khi Fed có nhiều chính sách chưa từng có để giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. Chính trong năm Fed có nhiều can thiệp vào nền kinh tế người ta mới quan tâm đến việc mua bán chứng khoán của quan chức tổ chức này.
Tờ Wall Street Journal có bài về việc Chủ tịch Fed Dallas tiết lộ khoản giao dịch có thể lên đến 5 triệu đô la cổ phiếu của các công ty như Johnson & Johnson, Verizon, Apple và cổ phiếu của những công ty năng lượng, dầu mỏ khác. Fed Dallas là ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực năng lượng, chủ tịch Robert Kaplan lại từng cho biết ông nói chuyện với khoảng 30 CEO của đủ loại công ty mỗi tháng. Như thế rõ ràng Kaplan có những thông tin mà công chúng không biết, liệu ông ta có tận dụng nó vào việc mua bán cổ phiếu cho riêng mình không thì không ai biết.
Kaplan trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Fed Dallas từ năm 2015; trước đó ông làm cho ngân hàng Goldman Sachs. Với vai trò mới tại Fed Dallas, Kaplan phải bán hết cổ phiếu của Goldman Sachs, còn các cổ phiếu khác ông vẫn bán bán, mua mua cho đến năm 2020 thì vướng vào dư luận tranh cãi, ai lại là quan chức Fed mà đi mua bán chứng khoán như thế!
Tương tự là Eric Rosengren, Chủ tịch Fed Boston từ năm 2007 và theo kế hoạch sẽ nghỉ hưu vào năm 2022. Ông mua bán giá trị tuy nhỏ nhưng mua đi bán lại nhiều lần các cổ phiếu của công ty đầu tư vào tài sản thế chấp địa ốc, là loại chứng khoán Fed bỏ tiền ra mua để can thiệp vào thị trường thế chấp địa ốc và vì thế giá cả biến động lớn mỗi khi Fed có chính sách can thiệp mới. Ông cũng bị cáo buộc là có thể dùng vị thế của mình tại Fed để hưởng lợi cho cá nhân.
Cả hai quan chức này đều cho rằng họ hành xử trong khuôn khổ nội quy Fed, không làm gì sai nhưng muốn từ chức để tránh tạo ra sự xung đột giữa trách nhiệm vạch chính sách và hoạt động kinh doanh cá nhân (riêng ông Rosengren nêu thêm lý do sức khỏe). Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ tỏ ra không hài lòng, đã đem chuyện này ra chất vấn Jerome Powell, Chủ tịch Fed vào buổi điều trần tại Thượng viện ngay sau khi xảy ra các vụ từ chức.
Với Richard Clarida, Phó chủ tịch Fed, thông tin cho thấy năm 2020 ông có hai lần giao dịch chứng khoán, đặc biệt là lần vào ngày 27-2-2020. Đó là tuần lễ thị trường bắt đầu nghĩ đại dịch sẽ tác động lớn lên nền kinh tế, giá chứng khoán bắt đầu giảm mạnh và ngày 28-2-2020, Chủ tịch Fed, Powell ra tuyên bố nói rõ Fed sẽ can thiệp, hàm ý sẽ cắt giảm lãi suất nếu cần thiết. Thế mà hôm trước Clarida lại bán cổ phiếu và mua trái phiếu. Người ta không khỏi thắc mắc, liệu ông này có biết trước tuyên bố của Powell rồi hành động nhằm hưởng lợi. Nếu Fed cắt giảm lãi suất thì giá cổ phiếu sẽ giảm còn giá trái phiếu sẽ tăng.
Dư luận tạm lắng dịu khi Clarida nói việc mua bán là đã lên kế hoạch từ trước và chỉ là động thái cân đối lại danh mục đầu tư. Nhưng đến tháng 12-2021 Clarida cập nhật thông tin kê khai theo luật định và hóa ra còn một lần giao dịch nữa vào ngày 24-2-2020, lúc ông ta bán ra ít nhất một triệu đô la cổ phiếu rồi ba ngày sau lại mua vào đúng y cổ phiếu này. Không ai cân đối danh mục đầu tư và lên kế hoạch vừa bán lại vừa mua cùng một cổ phiếu chỉ sau ba ngày. Tất cả đều diễn ra vài ngày trước khi Fed có một công bố chính sách quan trọng. Thế nên cuối cùng Clarida phải từ chức, hai tuần sớm hơn ngày kết thúc nhiệm kỳ.
Sau các vụ ồn ào này, Fed cập nhật chính sách “quản lý” nội bộ - nay cấm quan chức Fed sở hữu cổ phiếu từng công ty riêng lẻ, họ chỉ được quyền mua cổ phiếu các quỹ sở hữu nhiều công ty. Ngay cả với loại cổ phiếu quỹ này họ cũng không được mua bán thoải mái; phải lên kế hoạch trước ít nhất 45 ngày và được phê duyệt thì mới tiến hành giao dịch. Giới quan sát cho rằng với những quy định mới này quan chức Fed khó lòng tư lợi nên nhờ đó mới bảo vệ được uy tín của Fed - một uy tín cần có để ổn định thị trường, nhất là trong giai đoạn nhiều bất trắc như hiện nay.