Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán 2022: Kỳ vọng về ổn định vĩ mô

Hương Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc năm 2021 với sự bùng nổ, tiếp đà năm 2020, trong bối cảnh tăng trưởng vẫn bị chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19. Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên ngày 31-12-2021 ở sát ngưỡng 1.500 điểm, tăng hơn 33% so với phiên giao dịch đầu tiên của năm cùng kỳ. Vậy yếu tố nào sẽ là nhân tố chính chi phối thị trường trong năm 2022?

Nhìn nhận lại thị trường năm 2021

Nhìn nhận lại bối cảnh kinh tế năm 2021, có thể thấy dịch bệnh vẫn tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt là đợt dịch lớn tại TPHCM - làm đóng cửa vùng kinh tế đầu tàu của cả nước trong một khoảng thời gian kéo dài. Dịch bệnh cũng buộc nhiều tỉnh, thành cả nước phải dừng hầu hết hoạt động thương mại, ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế. Năm 2021, chúng ta đã trải qua quí 3 tăng trưởng giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quí đến nay (theo Tổng cục Thống kê) do tác động từ dịch bệnh.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó, dòng tiền đã đổ sang kênh đầu tư tài chính, trong đó có chứng khoán như một giải pháp cho bài toán lợi nhuận và không để “tiền chết”. Sự tăng trưởng của thị trường trong năm 2020 dường như càng khiến chứng khoán hấp dẫn hơn dòng tiền của cá nhân và cả doanh nghiệp. Cũng cần kể tới các biện pháp hỗ trợ thị trường từ tài khóa tới tiền tệ cũng là cú hích lớn cho thị trường.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm tiền lượng lớn thông qua việc mua đô la Mỹ và bán tiền đồng ra thị trường. Đây cũng là kênh bơm tiền chủ đạo của NHNN trong những năm qua. Sự tăng trưởng trong quy mô dự trữ ngoại hối phần nào thể hiện lượng tiền đồng mà NHNN đã bơm ra thị trường. Kết hợp cùng duy trì mặt bằng lãi suất thấp, đã tạo điều kiện lớn để dòng vốn giá rẻ chảy vào thị trường chứng khoán trong năm qua.

Chính sách tài khóa cũng tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua công cụ thuế và tăng cường đầu tư công, làm tăng kỳ vọng cho một số nhóm cổ phiếu được hưởng lợi.

Sẽ không có yếu tố vĩ mô nào lớn tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán năm nay, song hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi cho thể chi phối dòng tiền đổ về kênh chứng khoán, đồng nghĩa với dư địa để tăng trưởng hơn nữa của thị trường cũng sẽ hạn chế hơn so với hai năm vừa qua.

Vậy tựu trung lại, có thể thấy, nguồn cung vốn cho thị trường chứng khoán được bổ sung dòng tiền từ kênh sản xuất, kinh doanh và hệ quả bơm tiền lũy kế trong những năm gần đây của NHNN. Về nhu cầu đầu tư, lãi suất thấp, kỳ vọng tăng trưởng hậu dịch trong nền tăng trưởng kinh tế thấp năm trước và các gói kích thích từ tài khóa của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ về lượng, biểu hiện thông qua doanh số giao dịch, số tài khoản mở mới kỷ lục và vốn hóa toàn thị trường tăng cao.

Điều này liệu có thể tiếp diễn trong năm 2022 và yếu tố trọng yếu nào sẽ chi phối thị trường?

Gần đây truyền thông đưa tin và bình luận nhiều về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc gói nới lỏng định lượng QE, tăng lãi suất mạnh trong năm sau, có thể tới 4 lần và giai đoạn 2022-2023 có thể là quãng thời gian Fed tập trung tăng lãi suất. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã chuẩn bị kế hoạch tăng lãi suất. Điều này đồng nghĩa với thời kỳ nới lỏng tiền tệ dần tới hồi kết và thắt chặt trở thành tất yếu. Điều này hàm ý Việt Nam cũng không ngoại lệ trong xu hướng mới này. Với chỉ số CPI năm 2021 ở mức thấp, đạt 1,84% - mức thấp nhất kể từ năm 2016 (theo Tổng cục Thống kê) thì NHNN có nhiều dư địa hơn để kéo dài thời gian tới thắt chặt tiền tệ, nhưng rất khó để nằm ngoài xu thế này và vấn đề ở thời điểm mà thôi.

Lạm phát là yếu tố quan trọng tác động tới thị trường và giai đoạn năm 2008-2009 là minh chứng điển hình khi lạm phát hai chữ số đã kéo mặt bằng lãi suất lên rất cao, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động doanh nghiệp và là một “gọng súng” khiến thị trường chứng khoán sụp đổ.

Đánh giá lạm phát năm 2022, có một góc nhìn thông qua lạm phát năm 2021 và 2020. Có thể thấy năm 2021, khi mà lạm phát Mỹ tăng khoảng 7% thì chỉ số CPI Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm ngoái. Năm 2020, lạm phát Mỹ chỉ tăng 1,4% cả năm thì Việt Nam tăng tới 3,23%; đặc biệt quí 1 tăng mạnh tới 5,56% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này là do tỷ trọng các nhóm hàng chịu ảnh hưởng từ giá hàng hóa thế giới tăng trong năm 2020 và 2021 trong rổ tính CPI mỗi nước.

Năm 2020, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng rất mạnh và cấu phần trong rổ CPI rất lớn là nguyên nhân trọng yếu khiến lạm phát quí 1-2020 và cả năm 2020 tương đối cao. Trong khi năm 2021, nhóm hàng hóa này tăng chậm (giá mặt hàng thực phẩm còn giảm 0,54% so với năm ngoái) đã góp phần làm lạm phát tăng chậm lại; trong khi giá xăng dầu trong nước tăng tới 31,75% so với năm trước, là nguyên nhân khiến nhóm hàng giao thông tăng mạnh, song cấu phần của nhóm hàng giao thông trong cơ cấu CPI lại tương đối thấp, nên hạn chế đáng kể tác động tới chỉ số CPI.

Vì vậy, lạm phát Việt Nam có thể tách biệt với lạm phát toàn cầu, nếu Chính phủ kiềm chế được nhóm hàng có trọng số lớn trong rổ CPI. Điều này là có thể nếu điểm lại trong năm 2020, Chính phủ đã có nhiều biện pháp bình ổn giá thịt heo, góp phần kéo CPI quí 3 và 4 tăng chậm lại, đưa CPI cả năm tăng dưới 4% - đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống gồm nhiều mặt hàng Việt Nam có thể tự sản xuất và ít lệ thuộc nguồn cung từ nước ngoài. Đây cũng là một tiền đề để kỳ vọng nhóm hàng có trọng số lớn nhất rổ CPI này không tăng mạnh trong năm nay, cũng như kỳ vọng lạm phát năm nay không tăng mạnh so với năm ngoái, nhất là trong bối cảnh nền giá hàng hóa năm 2021 đã ở tương đối cao.

Bình ổn được lạm phát sẽ luôn là dư địa quan trọng cho NHNN bình ổn lãi suất điều hành vì lạm phát luôn là mục tiêu hàng đầu của nhà điều hành. Lạm phát ổn định cũng góp phần ổn định nền tảng vĩ mô như dòng vốn đầu tư nước ngoài, cán cân thương mại, tỷ giá, qua đó sẽ không tạo ra cú sốc nào lớn cho thị trường chứng khoán.

Song với kỳ vọng nền kinh tế mở cửa liên tục, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, kỳ vọng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn trong năm nay, cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền sẽ đẩy sang sản xuất kinh doanh thay vì chứng khoán. Điều này cũng là yếu tố kìm hãm đà tăng trưởng của chứng khoán trong năm nay, nhất là khi thị trường đã tăng quá nhiều trong hai năm vừa qua khi kinh tế không tăng trưởng một cách tương xứng. Hay nói khác đi, thị trường chứng khoán đã phản ánh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai quá nhiều trong hai năm qua.

Tựu trung lại, với suy luận kể trên, có thể kỳ vọng sẽ không có yếu tố vĩ mô nào lớn tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán năm nay, song hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi có thể chi phối dòng tiền đổ về kênh chứng khoán, đồng nghĩa với dư địa để tăng trưởng hơn nữa của thị trường cũng sẽ hạn chế hơn so với hai năm vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới