(KTSG) - Giữa tháng Mười một ta, khi mùa mưa ở Sài Gòn và cả ở phương Nam vừa mãn cũng là lúc những ngọn gió nam nhè nhẹ cùng với những làn sương mỏng mảnh lúc đầu hôm cuối ngày mang đến cho cư dân nơi dãi đất này chút rét lạnh điệu đàng, khả ái. Dường như suốt cả năm đây là thời điểm chiếc chăn mỏng, chiếc áo khoác nhẹ được người ở đây dùng đến để dỗ yêu cho giấc ngủ, để làm đẹp khi ra đường lúc sớm mai, chiều tối hơn là để “ngự hàn”.
Thật tuyệt vời, quả là một bước đệm tiết mùa đầy êm ả mà thiên nhiên đã trao tặng vùng đất phía Nam trước khi mùa nắng cường bắt đầu vào giữa các tháng Giêng, Hai!
Với nắng gió dịu êm cùng cái rét nhẹ nhàng, nũng nịu, rõ là mùa xuân phương Nam đã đến sớm hơn. Cái mưa phùn, mưa bụi, cái gió đông, gió bắc hay với cái lặng lờ, ảm đạm của bấc với lớp mây mù ngưng đọng - tất cả đều mang đến cái buốt lạnh từng đợt ngắn, đợt dài xen kẽ từ đầu tháng Mười một (đến cuối năm và cả đến Giêng, Hai) là nỗi nhọc nhằn, khổ sở của người miền Trung, miền Bắc. Bởi vậy, sẽ là những ngày Tết đẹp ở những vùng quê này khi trời không mưa, không rét lạnh lại có nắng hanh vàng!
Xuân sớm cũng làm chồi nụ của cây cối phương Nam đơm nẩy sớm theo. Nhìn những tàng cây ven đường hay ở vườn nhà, ở công viên số mang lộc nõn, số vẫn tươi xanh màu cũ mới thấy mùa đông nơi đây đã nhường bước sớm cho xuân. Trên những tàng cây đây đó đã có những tiếng chim gầy đôi hót rộn chuẩn bị cho chiếc tổ đón chim non. Và khúc dạo đầu của bản hòa ca của chim chóc cũng bắt đầu từ đây.
Những người từ miền ngoài vào phương Nam cho cuộc mưu sinh ai cũng nói cứ chừng giữa tháng Mười ta là họ bắt đầu nôn nao cho ngày trở lại quê. Nhìn phố phường trải nắng bên ngọn gió hây hây họ lại mong sao những ngày Tết quê nhà ngày họ trở lại dù không được nắng ấm như phương Nam thì cũng bớt đi phần gió bấc mưa bay. Và bao giờ cũng vậy, trong hành trang ngày về món quà quý họ mang về cho người thân luôn là những quần áo ấm!
Vào những ngày xuân sớm ở Sài Gòn hay những nơi khác ở phương Nam, tôi thường nghĩ về những di dân sớm nhất của miền đất này. Nhìn những con rạch còn sót vài đoạn ngắn với những chồi cây, những cụm dừa nước sừng sững bên những khu nhà tầng, những dinh cơ tráng lệ, những trang sử mở đất của người xưa lại đến với tôi.
Đất phương Nam đâu cũng đầy sình lầy bởi đây vốn là phần phù sa được bồi tụ hàng trăm năm từ triều dâng nước cuộn của những sông ngòi, những kinh rạch chằng chịt thông ra những cửa lớn. Hàng hàng lớp lớp di dân từ phía ngoài đổ đến để khai phá rừng cây, cỏ dại, chống chỏi với muỗi mòng sên vắt, với rắn rết, sâu bọ độc hại để biến hoang vu bạt ngàn thành làng ấp, ruộng đồng, thành đường đi, bến bãi làm nền móng cho những bước phát triển mãi đến nay với ngập tràn cam go khổ nhọc ngày ấy.
Nhưng điều may mắn của những lớp người khai khẩn chính là nắng gió phương Nam hiền hậu, những sản vật sẵn cho người từ thiên nhiên có nhiều, và đất đai phong nẫm. Nhìn xem hình ảnh những người cần lao nơi ruộng đồng hay bến bãi, chợ búa còn lưu lại, thấy họ chỉ với chiếc quần cộc ngắn củn cùng chiếc áo cánh sơ sài, có người không mặc áo, đủ biết chuyện nắng mưa ở đây không gay gắt như ở miền ngoài.
Và điều hoan hỉ với những lớp người mở đất có lẽ cũng là chuyện họ luôn được vui xuân đón Tết với nắng vàng gió nhẹ trải khắp những cánh đồng, những vườn cây và những làng ấp yên hòa bên những dòng nước không lúc nào vơi cạn. Nắng xuân nâng đầy niềm tin vào sự may mắn, tốt lành ở một năm mới. Để làm tươi thêm cho ánh nắng vàng của Tết, có lẽ những người mở đất đã mang cây mai hoang trong vùng về trồng ở vườn nhà để ngày Tết hoa mai nở sẽ thêm sắc vàng tươi cho điều may mắn, cho nắng xuân thêm rạng rỡ, yêu kiều. Và cây mai vườn cho hoa vàng biểu trưng cho Tết ở phương Nam có lẽ là di sản của những lớp di dân mở đất ở đây!