Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Vượt’ đại dịch thành công, thủy sản kỳ vọng thắng lợi trong năm mới

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỉ đô la Mỹ, ngành thuỷ sản trong năm 2021 vượt khó ngoài mong đợi. Kết quả này có được nhờ Chính phủ đã thực hiện chính sách ứng phó Covid-19 kịp thời và linh hoạt. Bước sang năm 2022, ngành hàng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, nhất là khi đã có kinh nghiệm chống dịch.

Việt Nam hiện cung cấp một lượng đáng kể thủy sản cho thế giới nên nếu sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn nữa, thì sẽ giành được thị phần tốt hơn ở thị trường nước ngoài. Ảnh minh họa: TTXVN

“Vượt khó” ngoài mong đợi

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủy sản trong năm 2021 của cả nước đã cán đích 8,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm mang về gần 3,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 4%; cá tra đạt trên 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4% và các loại hải sản khác đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả nêu trên nằm ngoài mong đợi của doanh nghiệp, bởi trước đó khi rơi vào cao điểm bùng phát dịch Covid-19, đã khiến xuất khẩu thủy sản sụt giảm rất mạnh vào tháng 8 và 9-2021.

Cụ thể, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9-2021, sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước đạt khoảng 129.000 tấn với kim ngạch đạt khoảng 600 triệu đô la Mỹ, giảm 34,3% về lượng và 27,39% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8-2021 đạt 128.580 tấn với trị giá đạt 595,28 triệu đô la Mỹ, giảm 30,6% về lượng và 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là hai tháng ngành thủy sản Việt Nam chứng kiến mức sụt giảm khá nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguyên nhân chính là do tác động từ dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu gặp khó khăn.

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP lúc bấy giờ đã gợi ý, cần điều chỉnh linh hoạt các quy định phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Trong đó, cần xem xét cho F0 đã điều trị hết bệnh và những người đã tiêm 1 mũi vaccine được tham gia phục hồi sản xuất. Tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại thuận lợi.

Mặt khác, cần thay thế phương án sản xuất “3 tại chỗ” bằng những phương án hiệu quả hơn, giảm chi phí và tạo sự an toàn, tâm lý an tâm cho người lao động làm việc. Cho phép các nhà máy có số lượng công nhân tiêm mũi 2 trên 60%, có năng lực kiếm soát dịch tốt, thực hiện y tế tại chỗ, đảm bảo các biện pháp chống dịch và điều kiện nhà xưởng đảm bảo quy định của Bộ Y tế được mở rộng quy mô tối đa, tức không khống chế số lượng.

Thực tế, khi Chính phủ có những quyết sách chiến lược ứng phó với dịch một cách linh hoạt để phục hồi sản xuất. Trong đó, quan trọng nhất là việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 ngày 11-10-2021 đã giúp nền kinh tế nói chung và ngành thuỷ sản nói riêng phục hồi đáng kể.

Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản tháng 10-2021, tức sau nới lỏng giãn cách mở cửa trở lại ở nhiều địa phương, đã giúp xuất khẩu thuỷ sản tháng 10-2021 đạt 918 triệu đô la Mỹ, tăng 47% so với tháng trước đó, đạt tương đương cùng kỳ năm ngoái. Bước sang tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 875 triệu đô la Mỹ, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng, việc thích ứng chống dịch linh hoạt và hiệu quả đã giúp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam phục hồi mạnh và đạt 8,9 tỉ đô la Mỹ cho cả năm 2021, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Đây là kết quả vượt khó nằm ngoài mong đợi của các doanh nghiệp trong ngành.

Để ngành thuỷ sản thắng lợi trong năm mới

Trao đổi với KTSG Online, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP cho rằng, các nghị định, chính sách được Chính phủ đưa ra trong chống dịch năm 2021 là áp dụng cho cả nền kinh tế và có tính chất phục hồi, chứ chưa nhắm đến mục tiêu phát triển. “Nhưng rõ ràng, với chính sách của Chính phủ kịp thời và sát tình hình thực tế, cho nên, nó vẫn tác động, giúp tăng trưởng trong năm 2021 so với 2020”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hoè, trong bối cảnh năm 2022 khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, thì bên cạnh chính sách mang tính phục hồi, cần có chính sách hỗ trợ cho phát triển. “Tôi nghĩ rằng, trong năm 2022 cần có những biện pháp, giải pháp và chính sách phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy sản xuất nhiều hơn, xuất khẩu mở rộng thị trương hơn”, ông Hoè gợi ý.

Theo ông Hoè, với ngành thuỷ sản, cốt tử vẫn là sản xuất nguyên liệu, bởi 70% nguyên liệu xuất khẩu đến từ khẩu nuôi trồng- vốn là một lợi thế của Việt Nam. “Giả sử, đối với ngành tôm, rõ ràng giá thành tôm Việt Nam cao hơn tôm Ấn Độ, cho nên, vấn đề là phải có chính sách phù hợp giúp người nông dân kéo giảm giá thành sản xuất thông qua cải tiến về công nghệ, con giống, thức ăn để trên cơ sở đó cạnh tranh được”, ông dẫn chứng.

Vị tổng thư ký VASEP cho rằng, Việt Nam hiện cung cấp một lượng đáng kể thủy sản cho thế giới nên nếu sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn nữa, thì sẽ giành được thị phần tốt hơn ở thị trường nước ngoài, kể cả con cá tra. “Cho nên, về chính sách tôi nghĩ phải tập trung làm sao phát triển được nguồn nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu nuôi trồng”, ông Hoè tái nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có một vấn đề ông Hoè cũng lưu ý, đó là cần phải xem xét thêm về “sức khoẻ” doanh nghiệp sau đại dịch, xem họ cần gì để trên cơ sở đó có chính sách hợp lý thúc đẩy việc phát triển.

Còn vấn đề ứng phó dịch Covid-19, theo ông, việc trải qua một kỳ đại dịch lớn như năm vừa qua, thì cái được lớn nhất, đó là nhà nước, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm vượt qua đại dịch. “Đây là một yếu tố giúp doanh nghiệp vững vàng hơn, tâm lý tốt hơn và sẽ có những cách ứng phó để giải quyết các vấn đề của ngành hàng tốt hơn trong năm 2022”, ông nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Trường Giang cho rằng, năm 2022 khả năng sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu khi các nhà máy đã hoạt động trở lại bình thường, tức không lo vấn đề tiêu thụ, cho nên, việc còn lại cần giải quyết, đó là đường vận chuyển phải thông suốt, giá cước hợp lý. “Khi nó hạ xuống, thì tự nhiên người nông dân và nhà máy có lãi liền”, ông Văn nói.

Liên quan việc này, ông Hoè cho rằng, với việc Hàn Quốc xử phạt các hãng tàu “bắt tay” tăng giá cước cũng là một cơ hội để các nước khác, trong đó, có Việt Nam xem xét để trên cơ sở đó tạo được sân chơi công bằng, góp phần thúc đẩy ngành thuỷ sản tăng tốc xuất khẩu trong năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới