(KTSG Online) - Hổ Mã Lai, biểu tượng của đất nước Malaysia, đang đối mặt với tương lai u ám khi nạn săn bắn trộm, tình trạng môi trường sống bị thu hẹp đẩy quần thể hổ này, với số lượng chỉ còn chưa đến 150 cá thể, đến bên bờ vực tuyệt chủng.
Khi Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần, các thương hiệu thời trang và kim hoàn đua nhau nắm bắt cơ hội kinh doanh bằng cách tung ra các sản phẩm chủ đề hổ. Chẳng hạn tại Hồng Kông, hãng kinh doanh kim hoàn King Fook tung ra bộ sưu tập trang sức “Hổ Thần tài” bằng vàng, trong khi đó, đối thủ Chow Tai Fook ra mắt các phụ kiện trang sức vàng hình hổ.
Thông điệp quảng cáo sản phẩm của Chow Tai Fook ca ngợi: “Chú hổ trong tư thế sống động và nét mặt lan tỏa những lời chúc phúc ấm áp, báo hiệu một năm thành công và may mắn với ánh hào quang rực rỡ”.
Nhưng triển vọng của đàn hổ trong tự nhiên, với số lượng trên khắp Nam Á và Đông Á và một số vùng của Nga ước tính chỉ còn dưới 4.000 con, vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Tại Malaysia, tương lai của hổ Mã Lai, một trong sáu phân loài hổ trên thế giới và là biểu tượng quốc gia và được chọn làm logo huy hiệu của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, rất u ám.
Christopher Wong, người đứng đầu Chương trình Bảo tồn hổ của chi nhánh Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Malaysia (WWF-Malaysia) trăn trở: “Nạn săn trộm và tình trạng môi trường sống bị thu hẹp vẫn là những mối đe dọa lớn nhất và tức thời nhất đối với hổ hoang dã”.
Trong giai đoạn 2016 -2020, WWF - Malaysia, Bộ Động vật hoang dã và Công viên quốc gia Malaysia cùng các tổ chức phi chính phủ khác đã tiến hành một cuộc khảo sát cho thấy số lượng hổ trong tự nhiên ở Malaysia đã giảm xuống còn dưới 150 cá thể. Vào những năm của thập niên 1950, có đến 3.000 cá thể hổ sinh sống ở Malaysia.
Ông Wong nói: “Mọi bộ phận của con hổ, từ râu đến đuôi, đều được bày bán ở các chợ động vật hoang dã bất hợp pháp. Xương và các bộ phận cơ thể khác của chúng được sử dụng để chế biến thành các loại thuốc hiện đại tẩm bổ cho sức khỏe cũng như các bài thuốc dân gian, còn da của chúng được coi là biểu tượng địa vị cao sang trong một số nền văn hóa châu Á”.
Hổ Mã Lai một phân loài hổ chỉ được tìm thấy tại khu vực trung tâm và phía nam của bán đảo Mã Lai với phần lớn diện tích thuộc chủ quyền của Malaysia . Năm 2015, nó được phân vào loài đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp thuộc Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Điều đó có nghĩa là nó đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cực cao.
Ông Wong cho hay nguồn lực để bảo vệ các khu bảo tồn ở các quốc gia có hổ sinh sống thường hạn hẹp. Hổ có thể được tìm thấy ở 13 nước, từ vùng Viễn Đông của Nga đến các vùng của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khu vực Tây Nam Á cho đến đảo Sumatra của Indonesia
Wong nói: “Ngay cả những nước, vốn đang thực thi mạnh mẽ luật bảo vệ hổ, vẫn tiếp tục cuộc chiến không hồi kết để chống lại nạn săn trộm, thường do các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia giật dây”.
Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu chuyên điều tra và vận động chống lại tội phạm môi trường, cho biết số lượng hổ toàn cầu đã giảm 96% trong 100 năm qua.
Theo báo cáo của EIA, các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tiếp tục thu lợi nhuận từ nhu cầu, chủ yếu ở Trung Quốc, về các bộ phận và sản phẩm có nguồn từ hổ,.
Traffic, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu chuyên theo dõi hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã, cho biết trung bình 124 con hổ bị săn giết mỗi năm từ năm 2000 đến 2018.
Theo một báo của Traffic, có tổng cộng 1.142 vụ thu giữ hổ trên toàn thế giới trong giai đoạn này, trong đó, 95,1% vụ thu giữ, với 2.241 cá thể hổ, diễn ra ở 13 nước châu Á.
Ông Wong nói rằng tác động từ cái chết của một con hổ dưới bàn tay của những kẻ săn trộm vượt quá một tổn thất riêng lẻ. Ông nói: “Nếu một con hổ cái đang nuôi đàn hổ con nhỏ bị giết, các con của nó rất có thể sẽ chết vì không có mẹ và tiềm năng sinh sản trong tương lai của con hổ cái này sẽ mất đi vĩnh viễn”.
Vị chuyên gia này nhận định với việc số lượng hổ trên toàn cầu đã giảm 95% so với mức thông thường trong các thời kỳ trước đây, mất môi trường sống là một vấn đề lớn đối với loài hổ.
“Các khu vực sinh sống rộng lớn của hổ đã bị phá hủy, suy thoái và ngày càng bị chia cắt bởi các hoạt động của con người”, Wong nói và cho biết thêm, việc chặt phá rừng để làm nông nghiệp và lấy gỗ, cũng như xây dựng mạng lưới đường giao thông và các hoạt động phát triển khác đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của hổ.
Ông cho biết: “Hổ cần môi trường sống rộng rãi để sinh tồn vì chúng có phạm vi sống rộng và rất có ý thức về kiểm soát lãnh thổ”. Theo ước tính, khu vực di chuyển của hổ đực là 300km vuông và đối với hổ cái là 100km vuông.
“Lượng hổ ít ỏi sinh sống ở các khu vực nhỏ và bị phân mảnh sẽ dẫn đến nguy cơ giao phối cận huyết cao hơn. Điều này cũng làm cho hổ dễ bị săn trộm hơn khi chúng mạo hiểm vượt ra ngoài các khu bảo tồn để thiết lập lãnh thổ của mình”.
Con người và hổ đang ngày càng cạnh tranh không gian sống gay gắt hơn . Ông nói: “Khi rừng bị thu hẹp và con mồi trở nên khan hiếm, hổ có thể mạo hiểm đi vào các khu vực do con người sinh sống để săn bắt các vật nuôi trong nhà mà nhiều cộng đồng địa phương đang dựa vào chúng để kiếm sống”.
Bên cạnh đó, việc người dân địa phương vào rừng để lấy củi, thực phẩm và gỗ làm tăng nguy cơ xung đột với hổ. Virus gây bệnh sài sốt, thường thấy ở chó, đã lây lan sang các loài động vật có vú nhỏ khác và được xem là mối đe dọa đối với các phân loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh mục tiêu của WWF-Malaysia là tăng quần thể hổ hoang dã bằng cách tạo điều kiện tốt nhất và an toàn cho hổ sinh sản. “Chúng cần những vùng lãnh thổ rộng lớn với đủ con mồi ”, ông nói.
Theo SCMP