(KTSG Online) - Ngành đóng tàu của Hàn Quốc nhận được nhiều đơn đặt hàng đóng tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) khi các nước châu Âu tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế, phòng ngừa các căng thẳng Nga – Ukraine leo thang. Ba hãng đóng tàu hàng đầu là Hyundai, Daewoo và Samsung chiếm hầu hết các đơn đặt tàu chở LNG của thế giới. Tuy vậy, ngành đóng tàu Hàn Quốc đang có biên lợi nhuận rất mỏng.
Số liệu của chính phủ Hàn Quốc cho thấy, các đơn đặt hàng tàu biển theo giá trị đã tăng gấp 2-3 lần so với năm trước lên 43,9 tỉ đô la vào năm 2021. So với năm 2019, giá trị đơn hàng tăng 93% và là mức cao nhất trong tám năm kể từ năm 2013.
Chiếm hơn 80% đơn hàng tàu chở LNG
Theo hãng tin Yonhap, các hãng đóng tàu của Hàn Quốc chiếm 37,1% tổng lượng đơn hàng toàn cầu với 46,96 triệu tấn tổng hợp (CGT) trong năm 2021, tăng từ con số 31,2% trong năm 2019 và 34,1% trong năm 2020. Tuy xếp sau Trung Quốc – với 48,8% sản lượng toàn cầu trong năm ngoái, nhưng ngành đóng tàu Hàn Quốc đứng đầu thế giới về số lượng những con tàu giá trị cao, chẳng hạn như các con tàu chở khí đốt và cả các con tàu có lượng phát thải thấp.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Clarkson Research của Anh, các hãng đóng tàu trên thế giới nhận đóng 83 tàu chở LNG trong năm ngoái. Trong đó, Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering giành được 15 hợp đồng. Tập đoàn Korea Shipbuilding & Offshore Engineering, gồm Hyundai Heavy Industries là một thành viên, nhận được đơn đặt hàng 32 tàu. Riêng Samsung Heavy Industries có đơn đặt 22 tàu. Như vậy, ba hãng đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc đã giành được 83% đơn hàng trên toàn cầu trong năm ngoái.
Hôm 3-2, Daewoo thông báo đã nhận được đơn hàng tổng trị giá 1.840 tỉ won (1,5 tỉ đô la) từ châu Âu. Các đơn đặt hàng bao gồm hai tàu LNG cho một chủ tàu Hy Lạp, cùng với sáu tàu container cho một khách hàng khác. Daewoo đã đảm bảo được đơn đóng 5 tàu chở LNG chỉ trong một tháng.
Các tàu chở LNG là động lực thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của các hãng đóng tàu Hàn Quốc. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang bùng phát ở châu Âu cũng khiến nhu cầu về tàu tăng vọt.
Cả thế giới theo dõi
Nhất cử nhất động của các hãng đóng tàu Hàn Quốc luôn được cả thế giới chú ý theo dõi.
Tháng 6-2020, ba gã khổng lồ trong ngành đóng tàu Hàn Quốc – Daewoo Shipping & Marine Engineering, Hyundai Heavy Industries và Samsung Heavy Industries – đã giành được đơn hàng “khủng” trị giá 20 tỉ đô la để đóng hàng loạt các tàu LNG cho Qatar Petroleum. Đây là đơn đóng tàu chở LNG kỷ lục từ trước đến nay. Năm 2004, Qatar Petroleum cũng ký một thỏa thuận tương tự với ba hãng tàu của Hàn Quốc với hơn 50 tàu chở LNG.
Hiện các chi tiết về đơn hàng cho Qatar Petroleum như số lượng, kích thước, giá cả sẽ được quyết định lần cuối vào năm 2024. Hợp đồng sẽ hoàn tất trong năm 2027. Nikkei Asia nói một phần của các hợp đồng này có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ.
Tập đoàn dầu khí của Trung Đông đang có kế hoạch mở rộng đội tàu chở khí đốt từ 74 hiện nay lên 190 trong năm 2027, nhằm chuẩn bị cho nhu cầu mua bán LNG đang gia tăng mạnh mẽ. Các hãng đóng tàu của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh quyết liệt để giành các đơn hàng đóng tàu từ các nước xuất khẩu dầu khí ở Trung Đông.
Sự thống lĩnh của ngành đóng tàu Hàn Quốc, đặc biệt trong mảng tàu chở LNG, đã buộc châu Âu để ý thương vụ Hyundai mua lại Daewoo dù giá trị thương vụ chỉ 2 tỉ đô la.
Ủy ban châu Âu (EC) giữa tháng 1 vừa rồi đã phủ quyết thương vụ hợp nhất giữa hai hãng đóng tàu lớn thứ hai và thứ tư thế giới. EC đưa ra lý do rằng thị phần kết hợp ít nhất 60% của các hãng Hàn Quốc trong ngành đóng tàu LNG sẽ làm giảm cạnh tranh toàn cầu.
Nỗ lực thâu tóm Daewoo sẽ giúp Hyundai chiếm 22,6% thị trường – vượt qua hãng đóng tàu quốc doanh CSSC của Trung Quốc để giành vị trí lớn nhất thế giới. Tuy vậy, nỗ lực này đã bị EC cản lại. Nhưng đây không hẳn là tin tốt cho các đối thủ của họ.
Thương vụ hợp nhất Hyundai – Daewoo “có thể dẫn đến giá tàu sẽ cao hơn” – Giám đốc điều hành của một hãng đóng tàu Nhật Bản nói. Tuy nhiên, trước đó mọi người đã kỳ vọng rằng thương vụ hợp nhất sẽ làm giảm bớt cuộc cạnh tranh gay gắt về giá đang gây nhiều khó khăn cho ngành đóng tàu. Thương vụ sẽ tạo đòn bẩy tốt hơn trên diện rộng, sẽ vượt qua bất lợi khi tạo ra một đối thủ to lớn hơn.
Ngụp lặn trong biến động
Ngành công nghiệp đóng tàu đang tận hưởng thời gian “trăng mật” khi nhu cầu tàu container tăng cao do ảnh hưởng của Covid-19. Hãng Clarkson Research nói đơn đặt hàng đóng tàu đã tăng gấp đôi vào năm ngoái. Tuy nhiên, sự bùng nổ này không tỷ lệ thuận với thu nhập và lợi nhuận của các hãng.
Ngay cả Hyundai có 8.310 tỉ won (7 tỉ đô la) cho năm 2020 và lợi nhuận hoạt động là 33 tỉ won, nhưng tỷ suất lợi nhuận lại “mỏng như dao cạo” là 0,4%. Công ty đã ghi nhận tổng số lỗ là 320 tỉ won trong chín tháng đầu năm 2021.
Trong thời kỳ suy thoái của ngành từ năm 2016-2018, các hãng đóng tàu đã nhận đơn đặt hàng với giá thấp để duy trì hoạt động của các nhà máy đóng tàu, thậm chí có nguy cơ thua lỗ. Vào năm 2021, họ bị ảnh hưởng bởi chi phí thép và các vật liệu khác tăng cao. Ngành công nghiệp đóng tàu đã vật lộn trong nhiều năm qua khi thị trường lên xuống thất thường và ngày càng có nhiều hãng mới tham gia, đẩy giá đóng tàu theo hướng đi xuống.
Nhưng chuyện hợp nhất như thế này lại dễ dàng và nhanh chóng hơn ở Trung Quốc khi hai hãng đóng tàu lớn nhất của nước này sáp nhập vào năm 2019. Bởi cả hai đều là doanh nghiệp nhà nước, sáp nhập theo mệnh lệnh từ trên và phục vụ chủ yếu cho khách hàng trong nước. Quy trình phê duyệt vì thế đơn giản hơn nhiều.
Các hãng tàu Hàn Quốc trên sân chơi nước ngoài không gặp thuận lợi. Điểm mạnh của Hyundai và Daewoo, và kế cả Samsung, trong việc đóng các tàu chở LNG đã trở thành điểm yếu của họ, phá hủy các kế hoạch sáp nhập nhen nhóm từ nhiều năm qua.
Điều này tương tự như kế hoạch sáp nhập giữa hai hãng hàng không Korean Airlines và Asiana Airlines. Nhưng mức độ phản đối ít hơn vì thị trường nước ngoài được sáp nhập của hai hãng bay này vẫn chưa đủ mạnh để lấn át các hãng hàng không Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.