(KTSG Online) - Trong tháng đầu năm 2022, Việt Nam thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) điều chỉnh tăng vốn và vốn đăng ký mới có vốn lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ.
Trong số này có thể kể đến dự án điều chỉnh mở rộng đầu tư của Tập đoàn Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc) tại Khu công nghiệp WHA ở tỉnh Nghệ An nâng vốn đầu tư từ 100 triệu đô la Mỹ lên 500 triệu đô la. Đây là dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện.
Như vậy chỉ sau khoảng một năm triển khai, Tập đoàn Goertek đã quyết định tăng thêm 400 triệu đô la, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 500 triệu đô la, trở thành dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay. Goertek được biết đến là một trong những nhà lắp ráp tai nghe AirPods chính của Apple, bắt đầu chuyển sản xuất sang Việt Nam từ năm 2018.
Tại Bắc Ninh, dự án mở rộng Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử JNTC của Công ty TNHH JNTC Vina của Hàn Quốc điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu đô la.
Tại Phú Thọ, dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu đô la.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, chỉ trong tháng đầu tiên cả nước có hơn 70 lượt dự án đầu tư nước ngoài đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 1,27 tỉ đô la, tăng gấp 2,69 lần so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Đáng chú ý trong số này là các doanh nghiệp châu Âu (EU) đã kết thúc năm 2021 với tinh thần lạc quan hơn về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp này cho biết có kế hoạch tăng nguồn nhân lực, mở rộng đầu tư ngay trong quí 1-2022.
Cụ thể theo báo cáo về kết quả khảo sát mới nhất về Chỉ số Môi trường kinh doanh (Business Climate Index – BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), lãnh đạo các doanh nghiệp EU tin tưởng hơn về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới” này. Và có đến 43% có kế hoạch tăng đầu tư vào quí đầu tiên của năm 2022, so với 17% ba tháng trước.
Tương tự, 38,5% doanh nghiệp dự định tăng số lượng nhân viên của họ – một mức tăng khoảng 15% so với kỳ trước. Và 51,5% số người tham gia khảo sát dự đoán tăng đơn đặt hàng và doanh thu, một mức tăng 7,5 điểm phần trăm so với quí 3.
Lãnh đạo EuroCham cho rằng những số liệu mới nhất này là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam hiện nay khi đại dịch đã được kiểm soát trở lại cũng như theo định hướng của Chính phủ là học cách sống chung với virus.
Tương tự, các doanh nghiệp châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... cũng có ý định mở rộng đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
Đáng chú ý là các doanh nghiệp Nhật Bản, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) được công bố gần đây có đến 55,3% doanh nghiệp được hỏi cho biết mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Đây là tỷ lệ doanh nghiệp dự định mở rộng kinh doanh cao nhất của khối doanh nghiệp Nhật Bản ở khu vực ASEAN.
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, cho rằng do yếu tố dịch bệnh đi lại khó khăn. Do vậy, dòng vốn mới phụ thuộc rất nhiều vào việc mở cửa đi lại giữa hai quốc gia, trong đó có việc kết nối lại các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, ông tin rằng những doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam sẽ là động lực để tiếp tục nâng vốn đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam tăng lên trong năm nay và những năm tới.
Trên thực tế, trong năm 2021, cả nước có 985 lượt dự án FDI đang hoạt động đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỉ đô la (tăng 40,5% so với 2020). Nhờ vậy mà khép lại năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 31,15 tỉ đô la.
Sau các đợt giãn cách kéo dài vì Covid-19, hiện các hoạt động sản xuất dần quay trở lại. “Giờ đây, với việc bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, chúng ta nên bắt đầu tập trung vào tương lai. Mục tiêu của chúng tôi không còn chỉ là để tồn tại, mà là để phát triển”, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nói, và cho rằng: “Nếu tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra một làn sóng thương mại đầu tư mới”.
Triển vọng thu hút vốn FDI ở Việt Nam được xem là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đến Việt Nam. Các nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU,… tin tưởng việc đẩy nhanh cải thiện môi trường kinh doanh, pháp lý và cải cách thể chế sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh sau đại dịch và sẽ tiếp tục nhận được những khoản đầu tư lớn, chất lượng hơn.