Thứ Ba, 30/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Để mô hình ‘con tôm ôm cây lúa’ hết cảnh… lên rồi xuống

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mô hình lúa – tôm từng bước được khẳng định tạo thu nhập cao hơn cho người nông dân ở vùng sản xuất gắn với điều kiện sinh thái ngọt – lợ của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, theo các chuyên gia cũng như người nông dân, để nhân rộng mô hình này cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, cách gợi mở để thúc đẩy.

Nông dân thu hoạch tôm trong mô hình tôm- lúa. Ảnh: Chúc Ly

Tại hội thảo “Phát triển mô hình lúa thơm – tôm sạch vùng Mekong – hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, bền vững và tích hợp đa giá trị” diễn ra chiều 10-2 ở tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Chí Mến, nông dân ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang – người đã thực hiện 5 vụ với mô hình “con tôm ôm cây lúa” – cho biết khi chuyển sang mô hình này thu nhập của ông và những hộ nông dân cùng khu vực đã được cải thiện đáng kể.

Theo ông Mến, với cây lúa, cho thu nhập 70 triệu đồng/héc ta, trong khi con tôm mang lại thu nhập 100 triệu đồng/héc ta. “Tổng thu nhập khi tôi áp dụng mô hình này là 170 triệu đồng”, ông Mến nói. Ông cho biết hiện có khoảng 98% nông dân ở khu vực này chọn canh tác mô hình tôm- lúa ST (ST24 và ST25).

Liên quan đến mô hình lúa – tôm, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết toàn bộ tiểu vùng phía bắc của địa phương sản xuất lúa, trong khi ở phía nam có một số vùng sản xuất lúa – tôm.

Tuy nhiên, theo ông Sử, do việc đầu tư về hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nên vùng lúa – tôm trước đây hiện trở thành vùng chuyên tôm và vùng chuyên lúa thì trở thành vùng lúa – tôm. “Hiện Cà Mau đang lấn dần trở lại, tức quay trở lại một vụ lúa luân canh một vụ tôm ở vùng chuyên tôm”, ông Sử cho biết.

Theo ông Sử, với mô hình lúa – tôm, giá trị thu nhập của người nông dân đạt từ 60-80 triệu đồng/héc ta/năm. “So với các loại cây trồng khác, giá trị của mô hình lúa-tôm còn khiêm tốn, nhưng so với vùng chuyên tôm thì đây là con số vùng chuyên tôm đang ao ước đạt được”, ông Sử nói.

Ông Dương Thành Trung, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng vấn đề phát triển mô hình lúa-tôm không phải bây giờ mới đặt ra. “Ngày xưa, chúng ta nói “con tôm ôm cây lúa”, nhưng dần dần mô hình này không còn nữa”, ông Trung nói. Theo ông, khoảng 2-3 năm trở lại đây, mô hình này đã “sống” lại.

“Vì sao nó sống lại?”, ông Trung nêu câu hỏi và giải thích, khi nông dân phá bỏ ruộng lúa để độc canh con tôm thì chỉ sau một thời gian nuôi tôm chết hết. “Bây giờ, muốn con tôm tồn tại thì phải trồng lại lúa, thậm chí có thời gian, bà con nông dân trồng lúa chỉ để có gốc rạ nuôi tôm thôi”, ông nói.

Để mô hình lúa – tôm phát triển, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Miền Trung, gợi ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giao cơ quan đầu mối có khảo sát và thông qua các đầu mối thị trường tiêu thụ thống kê nhu cầu, giá trị của dòng sản phẩm này.

Theo ông Hoàng Anh, phải có thông tin cung cấp cho các địa phương và cần quy hoạch, phân vùng cũng như định vị toạ độ có định danh cho từng khu vực có sản xuất mô hình lúa – tôm.

Ông Hoàng Anh cũng gợi ý, phải có lịch thời vụ sản xuất cụ thể cũng như quản lý chặt các hộ sản xuất không đồng bộ, ảnh hưởng sản xuất trong vùng. “Mặt khác, cần căn cứ thực tiễn mô hình thành công của từng địa phương để xây dựng quy trình canh tác, sản xuất phù hợp nhằm hướng dẫn bà con trong vùng”, ông Hoàng Anh nói.

Trong khi đó, ông Dương Thành Trung cho rằng, thứ nhất cần phải có mô hình vì người nông dân phải “mắt thấy, tai nghe” mới làm theo. “Năm đầu chọn hộ nông dân giỏi, có đam mê xây dựng 1-2 mô hình, sau đó tăng lên dần để tạo sức lan toả”, ông gợi ý.

Thứ hai, theo ông Trung, cần phải tổ chức cho người nông dân, bởi để họ tự làm, không đồng bộ, không có hệ thống sẽ gây rối loạn. “Tổ chức tức là hợp tác xã, tổ hợp tác hay là những hội quán nông dân”, ông nói.

Thứ ba, là cần phải có chính sách hỗ trợ người nông dân, kể cả quản lý môi trường phục vụ phát triển mô hình lúa – tôm cũng phải do Nhà nước hỗ trợ quản lý, chứ người nông dân, hợp tác xã không thể quản lý được.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đây không phải là mô hình mới, thậm chí từ những năm 2001 đã thực hiện. “Nhưng tại sao nó cứ “phập phùng” rồi mất luôn và tới những năm 2020 mới phục hồi dần lại?”, ông nêu câu hỏi.

Ông kêu gọi mọi người cùng suy nghĩ tại sao một mô hình là kết tinh từ giá trị tri thức, từ tâm huyết của các nhà khoa học, nhưng lại cứ “phập phùng” không phát triển?

Tuy nhiên, ông gợi mở, đó là cần tổ chức cho những người nông dân ngồi với nhau, cùng ngẫm nghĩ, thảo luận để chia sẻ những giá trị của mô hình này. “Nông dân sáng ra đồng, tối về ngủ, thành ra những thông tin, tri thức, tâm huyết đó… không đến được với họ, thậm chí đại bộ phận nông dân họ xạ lạ với những thuật ngữ, ý tưởng của chúng ta”, ông nhận xét và nói rằng, “thành ra họ vẫn chọn làm theo cách truyền thống, tức xảy ra chuyện xung đột người này, người kia dẫn đến dần tan rã”.

Theo ông, cần xây dựng một nơi sinh hoạt cộng đồng để tại đây, doanh nghiệp, chuyên gia và bà con nông dân cùng ngồi để trao đổi bằng suy nghĩ, bằng tâm thức của người nông dân, thì mới có dịch chuyển từ họ, tức những mô hình hay mới lan toả vào cộng đồng, phát huy được giá trị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới