Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh số bất động sản của Trung Quốc giảm 7 tháng liên tiếp

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Doanh số bất động sản của Trung Quốc trong tháng 1-2022 tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài đà giảm sang tháng thứ 7 liên tục. Điều này cho thấy nhiều tập đoàn bất động sản Trung Quốc vẫn đang chật vật thu hút trở lại sự quan tâm của khách hàng dù gần đây Bắc Kinh đã nới lỏng một số hạn chế để làm dịu cơn khủng hoảng thị trường nhà đất.

Các thành phố lớn Trung Quốc xoay xở ghìm đà giảm giá bất động sản

Các thành phố lớn Trung Quốc xoay xở ghìm đà giảm giá bất động sản

Một dự án chung cư ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press

Người mua nhà tiếp tục thận trọng

Trong những ngày gần đây, hơn 12 công ty bất động sản Trung Quốc đã công bố kết quả kinh doanh trong tháng 1 với doanh số bán nhà theo hợp đồng giảm từ 10 đến hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số giảm cũng phản ánh tác động của các chiến dịch giảm giá bán căn hộ của các tập đoàn bất động sản hàng đầu của đất nước như Country Garden, Sunac China.

Trong tháng trước, tổng doanh số bán nhà theo hợp đồng của 100 công ty phát triển lớn nhất của Trung Quốc giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu của Công ty Thông tin bất động sản Trung Quốc (CRIC). Như vậy, ngành bất động sản ở nền kinh tế lớn thứ hai đã ghi nhận đà sụt giảm doanh số trong 7 tháng liên tiếp kể từ các vấn đề tài chính của Tập đoàn bất động sản Evergrande gây chấn động thị trường vào mùa hè năm ngoái. Evergrande, vốn đã vỡ nợ một số lô trái phiếu đô la, chưa công bố số liệu kinh doanh tháng 1, nhưng những tiết lộ của Evergrande vào đầu tháng 2 cho thấy phần lớn hoạt động kinh doanh bán nhà mới của tập đoàn này trì trệ hẳn trong những tháng cuối năm 2021.

Các công ty phát triển bất động sản đang gặp khó khăn về tài chính khác như China Aoyuan Group, Modern Land và Fantasia đều ghi nhận doanh số bán nhà giảm hơn 70% vào tháng trước so với cách đây một năm.

Trong khi đó, một số công ty bất động sản có tình hình tài chính ổn định hơn cũng không thoát khỏi xu thế doanh số sa sút. Doanh số của Tập đoàn bất động sản China Vanke giảm hơn 50% trong tháng 1, xuống mức 5,6 tỉ đô la Mỹ.

Dù doanh số bán nhà trong tháng 1 và tháng 2 có xu hướng thấp hơn các tháng khác trong năm do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc thì các số liệu kinh doanh của tháng trước vẫn sa sút rõ rệt, theo Kaven Tsang, Phó Chủ tịch cấp cao của hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s.

“Người mua nhà vẫn còn thận trọng,” ông nói và cho biết thêm rằng nhiều người có thể đang chờ xem cuộc khủng hoảng diễn tiến ra sao trước khi quyết định có mua nhà hay không.

Tuy nhiên, vấn đề mà các nhà phát triển đối mặt là nguồn thu tiền mặt của họ sẽ ít hơn khi doanh số bán nhà giảm mạnh từ tháng này qua tháng khác. Thực trạng này sẽ tác động đến khả năng thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác của họ.

Các thương vụ mua đất của các công ty phát triển bất động sản tư nhân cũng suy giảm mạnh do giới chức trách hạn chế khả năng vay nợ của họ.

Ông Tsang nói: “Nguồn vốn nội bộ chính của các nhà phát triển vẫn là tiền thu về từ các đợt bán nhà”.

Giới đầu tư trên toàn cầu đã bán tháo cổ phiếu và trái phiếu đô la của nhiều công ty bất động sản Trung Quốc vì họ lo ngại sẽ xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ hơn sau khi Evergrande và 6 công ty bất động sản lớn khác của Trung Quốc rơi vào tình cảnh này hồi năm ngoái.

Theo Viện Nghiên cứu Beike, trong tháng trước, các công ty bất động sản Trung Quốc chỉ huy động được 48,1 tỉ nhân dân tệ (7,56 đô la Mỹ) từ các đợt bán trái phiếu, giảm đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn

Hôm 14-2, giá cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của một số công ty bất động sản Trung Quốc tiếp tục giảm với Sunac China và Zhenro Properties Group dẫn đầu, giảm lần lượt 12% và 15%.

Một chỉ số phụ đo lường biến động giá cổ phiếu của các công ty bất động sản của Trung Quốc đại lục nằm trong chỉ số chứng khoán Hang Seng (Hồng Kông) giảm hơn 5%.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, hôm 11-2, cổ phiếu Zhenro Properties Group giảm giá đến 66% sau khi Cailianshe, một trang thông tin tài chính ở Trung Quốc, cho biết có tin đồn trên thị trường rằng Zhenro Properties Group không có kế hoạch mua lại lô trái phiếu vĩnh viễn (không có ngày đáo hạn) trị giá 200 triệu đô la vào tháng tới và cũng không tái cơ cấu trái phiếu đô la. Cũng trong ngày hôm đó, công ty này đã công bố doanh số bán hàng trong tháng 1 với mức giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1,2 tỉ đô la.

Hôm 14-2, Zhenro Properties Group chỉ trích các bài viết trên mạng trên mạng là bịa đặt và khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường. Theo Tradeweb, trái phiếu vĩnh viễn của Zhenro Properties Group gần đây được giới đầu tư đặt mua với giá chỉ 27,5 cent, tức chỉ tương đương 27,5% so với mệnh giá của nó.

Trong những tháng gần đây, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ các công ty bất động sản tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Cuối tuần trước, giới chức trách Trung Quốc được cho là đồng ý nới lỏng các hạn chế tiếp cận nguồn tiền thu về từ các căn hộ bán trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết sự thay đổi này chưa đủ để loại bỏ căng thẳng thanh khoản mà nhiều công ty bất động sản Trung Quốc đang đối mặt.

Adrian Cheng, một giám đốc cấp cao của Fitch Ratings, nhận định biện pháp này về lâu dài, có thể giúp hồi sinh các công ty bất động đang túng thiếu tiền mặt nếu doanh số bán nhà theo hợp đồng của họ luôn ổn định.

Charles Macgregor, người phụ trách khu vực châu Á của Công ty nghiên cứu tín dụng Lucror Analytics, cho rằng nâng cao doanh số bán hàng có thể là một thách thức khó giải quyết hơn. Theo ông, người mua đang do dự, không muốn mua nhà từ các chủ đầu tư có nguồn vốn không chắc chắn. Trong khi đó, nhiều người cũng tỏ ra thận trọng đối với thị trường bất động sản nói chung vì Bắc Kinh dường như đang quyết tâm giảm tốc độ tăng giá nhà ở.

Một số nhà phân tích dự đoán sẽ có một cuộc sát hạch lớn hơn về nhu cầu của người mua nhà ở Trung Quốc vào tháng 3 tới.

William Wu, nhà phân tích bất động sản ở của Công ty Daiwa Capital Markets, cho biết ông hy vọng doanh số bán nhà ở Trung Quốc trong năm nay sẽ sụt giảm nhẹ so với năm ngoái. Ông chỉ ra các biện pháp nới lỏng gần đây của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản như, giảm lãi suất cho các khoản thế chấp ở một số thành phố và nỗ lực của các ngân hàng để thúc đẩy phê duyệt các khoản vay. Ông nói: “Những chính sách này có thể sẽ giải phóng nhu cầu bị dồn nén trong lĩnh vực bất động sản”.

Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới