(KTSG Online) – Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng (SOSUCO) "kêu cứu" khắp nơi vì 2.000 héc ta diện tích mía nguyên liệu đơn vị này trực tiếp bao tiêu với nông dân bị đơn vị khác tranh mua. Điều này, đẩy doanh nghiệp có nguy cơ rơi vào cảnh dừng sản xuất, mất vốn đầu tư.
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng giám đốc SOSUCO, xác nhận hiện vùng mía nguyên liệu do đơn vị này ký hợp đồng đầu tư trực tiếp với nông dân đang tiếp tục bị thương lái thu gom để đưa đến đơn vị khác tiêu thụ - mà theo ông Hiếu là nhà máy đường ở Tây Ninh.
Theo ông Hiếu, điều này dẫn đến nguy cơ SOSUCO bị mất mía rất lớn, ảnh hưởng chuỗi liên kết giữa nhà máy đường với người nông dân.
Ông Nguyễn Tấn Ngọc, Trưởng phòng nguyên liệu của SOSUCO, cho biết trong niên vụ 2021-2022, đơn vị này đã trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu mía với 1.194 hộ nông dân để sản xuất khoảng 2.000 héc ta nhằm cung ứng nguyên liệu cho nhà máy hoạt động (dự kiến SOSUCO tiếp nhận mía từ ngày 21 và chính thức ép từ ngày 25-2- PV).
Tuy nhiên, theo ông Ngọc, riêng vùng mía nguyên liệu do SOSUCO trực tiếp đầu tư với nông dân ở tỉnh Sóc Trăng, thì đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 10.000 tấn bị thương lái thu gom đưa về nhà máy đường nơi khác tiêu thụ. “Họ mua bất kể mía non hay già”, ông nói và giải thích, có nghĩa họ mua xô cả mía chưa đủ độ chín.
Liên quan đến tình trạng nêu trên, SOSUCO đã có văn bản “kêu cứu” đến Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), UBND tỉnh Sóc Trăng cùng các đơn vị liên quan của địa phương này.
Trong văn bản gửi đến VSSA, ông Hiếu cho biết việc thương lái tổ chức thu mua mía nguyên liệu đưa tiêu thụ ở nhà máy đường nơi khác đã xuất hiện từ tháng 12-2021, gây nhiễu loạn vùng nguyên liệu và ảnh hưởng xấu đến hoạt động của SOSUCO nói riêng và ngành mía đường nói chung.
Theo ông Hiếu, mía của đơn vị này đầu tư bị tranh mua, khiến SOSUCO có nguy cơ phải dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, mất vốn đầu tư do không thu hồi được từ việc thu mua mía.
Cụ thể, toàn bộ diện tích khoảng 2.000 héc ta ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, SOSUCO đã thực hiện đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công…, với tổng giá trị đến khoảng cuối tháng 1-2022 đã trên 15 tỉ đồng. “Công ty đã hỗ trợ toàn bộ lãi vay để bà con nông dân có điều kiện chăm sóc mía và cải thiện thu nhập từ việc trồng mía”, ông Hiếu cho biết thêm.
Trước tình hình nêu trên, SOSUCO kiến nghị VSSA có biện pháp yêu cầu đơn vị tranh mua dừng tổ chức thu mua, tiếp nhận mía có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng dưới bất cứ hình thức nào vì sản lượng do SOSUCO đầu tư.
SOSUCO cũng kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ban ngành, địa phương liên quan hỗ trợ đơn vị này bảo vệ vùng nguyên liệu và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
SOSUCO kiến nghị Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chặn việc tranh mua mía nguyên liệu trên địa bàn vùng nguyên liệu của đơn vị này nhằm không để xảy ra phá vỡ hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nông dân như hiện nay.
SOSUCO kiến nghị Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển mía mua trong vùng nguyên liệu của công ty đưa ra ngoài tỉnh, gây thiệt hại cho sản xuất của SOSUCO và thất thu thuế của địa phương.
Vừa qua, SOSUCO cũng đã có văn bản gửi Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công - Biên Hoà (tỉnh Tây Ninh) yêu cầu đơn vị này không tổ chức thu mua, tiếp nhận mía có nguồn gốc từ địa bàn tỉnh Sóc Trăng dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, theo xác nhận từ SOSUCO, cho đến hôm nay, phía Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công - Biên Hoà chưa có phản hồi nào về việc này.
Khổ, làm ăn với người dân thì họ chỉ thấy cái lợi trước mắt kiện thì cũng không được, tốt nhất là cứ thuê đất của họ mà trồng, như các doanh nghiệp chăn nuôi bây giờ toàn theo feed-farm-food, còn câu chuyện người dân bán nông sản ra ngoài như này không phải là hiếm, vừa rồi vụ ở Hà Tĩnh hợp đồng bao tiêu nuôi thỏ cũng bị bán ra ngoài được nêu lại
Ai kêu ép giá người dân làm gì.ép giá thấp quá họ bán chổ khác thì kêu trời